Trào lưu sử dụng cầu thủ nhập tịch: Bóng đá Việt Nam ở ngã ba đường

Trào lưu sử dụng cầu thủ nhập tịch: Bóng đá Việt Nam ở ngã ba đường

Cơn lốc nhập tịch

Với bóng đá Đông Nam Á, việc nhập tịch cầu thủ từ lâu vốn đã là hướng đi được nhiều liên đoàn bóng đá lựa chọn. Một số đội tuyển quốc gia đã thành công với chính sách nhập tịch như Singapore, Philippines.

Với những cầu thủ nhập tịch chất lượng, đến từ nhiều châu lục, đội bóng đảo quốc sư tử đã 4 lần vô địch AFF Cup, trong khi Philippines với nguồn cầu thủ nhập tịch dồi dào cũng đã nâng tầm từ nhóm những đội yếu khu vực lên nhóm các đội khá, có khả năng tranh chấp huy chương. Như tại kỳ AFF Cup 2018, có 19/23 cầu thủ Philippines sinh ra ở nước ngoài và đội bóng này đã vào đến bán kết, thua đội tuyển Việt Nam.

Những mặt tích cực của làn sóng nhập tịch đã có tác động mạnh mẽ đến chính sách phát triển của nhiều liên đoàn bóng đá thành viên Đông Nam Á.

Trong vài năm trở lại đây, Malaysia đã khai thác rất nhiều nguồn lực cầu thủ nhập tịch. Ngay trước thềm AFF Cup 2018, Liên đoàn bóng đá Malaysia đã làm điều chưa từng có trong lịch sử là nhập tịch Mohamadou Sumareh (cầu thủ gốc Gambia) bất chấp sự phản đối của dư luận. Sumareh thi đấu khá ấn tượng, cùng đội tuyển Malaysia đánh bại Thái Lan để lọt vào chung kết và họ chỉ chấp nhận thua trước đội tuyển Việt Nam đang rất mạnh cùng một Park Hang Seo tài năng.

Thành công ban đầu với chân sút Mohamadou Sumareh đã đặt nền móng cho bóng đá Malaysia tiếp tục chính sách nhập tịch ồ ạt. HLV Tan Cheng Hoe đang có trong tay 4 ngôi sao nhập tịch trong đội hình chính gồm tiền đạo Mohamadou Sumareh, Matthew Davies (24 tuổi, cao 1m79, gốc Australia), hậu vệ trái La'Vere Corbin-Ong (28 tuổi, 1m84, gốc Anh) và tiền vệ Brendan Gan (31 tuổi, 1m80, gốc Australia).

Ngoài ra, để tăng cường sức mạnh cho các trận đấu còn lại tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Malaysia tiến hành nhập tịch hai cầu thủ là Guilherme De Paula (33 tuổi, gốc Brazil) và Liridon Krasniqi (28 tuổi, gốc Kosovo). Ngoài ra, Malaysia cũng đang gấp rút nhập tịch thêm một tiền vệ trung tâm là Lee Andrew Tuck (31 tuổi, Anh). Như vậy đội tuyển Malaysia rất có thể sẽ sử dụng tới 7 cầu thủ nhập tịch trong đội hình chính để đối đầu với đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.

Bên cạnh đó, một đối thủ khác của đội tuyển Việt Nam ở bảng G là Indonesia cũng thường xuyên có 3 - 5 cầu thủ nhập tịch trong đội hình. Gần đây, trong danh sách triệu tập của đội bóng xứ Vạn đảo có tới 5 cầu thủ nhập tịch gồm: Tiền đạo Beto (gốc Brazil), tiền đạo Greg Nwokolo (gốc Nigeria), tiền đạo Osas Saha (gốc Nigeria), hậu vệ Victor Igbonefo (gốc Nigeria) và hậu vệ Otavio Dutra (34 gốc Brazil).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đội tuyển Indonesia đã thua cả 5 trận ở vòng loại World Cup 2022. Liên đoàn Bóng đá Indonesia quyết định sa thải ông Simon McMenemy và ký hợp đồng với HLV Shin Tae Yong, người dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup 2018, trong đó ấn tượng nhất là chiến thắng 2-0 trước đương kim vô địch Đức ở vòng bảng.

Như vậy, nhận lời đến Indonesia, Shin Tae Yong sẽ trở thành chiến lược gia đẳng cấp World Cup thứ hai làm việc tại Đông - Nam Á, sau HLV Akira Nishino của tuyển Thái Lan. HLV Park Hang Seo cũng từng dự World Cup 2002 nhưng chỉ trong vai trò trợ lý cho cựu HLV lừng danh Guus Hiddink khi còn dẫn dắt tuyển Hàn Quốc.

Đầu tháng 2/2020, Filip Nguyễn đã làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam gửi lên cơ quan chức năng và đang chờ kết quả
Đầu tháng 2/2020, Filip Nguyễn đã làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam gửi lên cơ quan chức năng và đang chờ kết quả

Ngay cả Thái Lan, đội bóng đang dẫn đầu khu vực về chức vô địch AFF Cup cũng như HCV SEA Games cũng có xu hướng sử dụng cầu thủ nhập tịch. Mặc dù vậy, đội bóng xứ chùa Vàng thường sử dụng những cầu thủ có gốc gác liên quan tới người Thái, khác với các quốc gia còn lại.

Như ở kỳ AFF Cup 2018 và những giải đấu quốc tế gần đây, Liên đoàn bóng đá Thái Lan cũng triệu tập hàng loạt các cầu thủ gốc châu Âu như Philip Roller (gốc Đức); Mika Chunounsee (gốc xứ Wales); Marco Ballini (gốc Ý). Mika Chunounsee (gốc Đức); Kevin Deeromram (gốc Thụy Điển).

Bên cạnh chính sách “nhập khẩu” cầu thủ cho đội tuyển, Liên đoàn bóng đá Thái Lan luôn quan tâm đến việc xuất khẩu cầu thủ. Theo thống kê, từ năm 1976 đến 2020, Thái Lan có tổng cộng 25 lần xuất khẩu cầu thủ sang thi đấu ở Nhật Bản. Số lượng là 22 người. Con số này cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, vượt trội so với bóng đá Việt Nam. Gần đây nhất, thủ môn Thái Lan Kawin Thamsatchanan vừa chuyển đến CLB Consadole từ đội bóng OH Leuven ở Bỉ.

Thăng trầm cầu thủ nhập tịch

2008 - 2012 là giai đoạn cầu thủ nhập tịch được các đội bóng Việt Nam đầu tư rất nhiều tiền của. Những Trần Lê Martin, Phan Lê Issac, Đoàn Marcelo, Phan Văn Santos, Đoàn Sakda, Đinh Văn Ta, Hoàng Vissai, Đinh Hoàng Max, Nguyễn Trung Sơn... được các đội bóng săn đón, đi kèm những bản hợp đồng là số tiền lót tay vô cùng lớn. Các đội bóng được coi là đại gia luôn sở hữu những ngoại binh chất lượng và 2 - 3 cầu thủ nhập tịch.

Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, phong trào dùng cầu thủ nhập tịch xuống hẳn. Số cầu thủ nhập tịch ngày càng ít qua mỗi mùa giải. Tính đến thời điểm hiện tại của giải VĐQG 2020 (V-League), chỉ có 3 cầu thủ nhập tịch lên sàn chuyển nhượng và được các CLB đưa về là Hoàng Vũ Samson (Thanh Hóa), Trần Trung Hiếu (Than Quảng Ninh) và Nguyễn Trung Đại Dương (B. Bình Dương).

Theo các chuyên gia bóng đá Việt Nam, những năm gần đây, các CLB chú trọng đào tạo cầu thủ trẻ, V-League chứng kiến sự vươn lên của nhiều tài năng trẻ, trong khi các đội bóng không mạo hiểm sử dụng cầu thủ nhập tịch. Phong độ đi xuống lại đòi lương cao và mức phí lót tay lớn đã khiến các cầu thủ nhập tịch không thể cạnh tranh được với những cầu thủ nội trẻ, nhiệt tình.

Cũng có trường hợp cầu thủ nhập tịch vi phạm pháp luật như Nguyễn Hoàng Tcheuko Minh (tên thật là Tcheuko Elmakoua Benoit), bị Công an thành phố Cần Thơ bắt giữ vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện tại, đa phần các cầu thủ nhập tịch chọn phương án hồi hương tìm đường sống khác chứ ít có trường hợp tiếp tục ở lại Việt Nam.

Năm 2008, HLV Henrique Calisto có quyết định lịch sử, đưa cầu thủ nhập tịch khoác áo đội tuyển Việt Nam. Đầu tiên là học trò ruột của ông ở đội Long An, thủ thành Phan Văn Santos. Thủ môn cao hơn 1,9m đã mang đến sự đột phá về chuyên môn với các kỹ năng cản phá như một trung vệ, phát động tấn công, thậm chí đá phạt ghi bàn… Sau Santos, cánh cửa đội tuyển còn đón chào những Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay Huỳnh Kesley.

Với sự xuất hiện của những cầu thủ nhập tịch, đội tuyển Việt Nam đã có những thay đổi tích cực như sự tự tin hơn trong trận giao hữu với Olympic Brazil, đội hình đến Việt Nam có Rô “vẩu” hay chiến thắng 1-0 trong trận giao hữu với CLB từng nhiều lần dự Champions League Olympiakos.

Đông đảo khán giả Việt Nam tin tưởng những bước đi căn cơ sẽ giúp đội tuyển quốc gia tiến bộ
Đông đảo khán giả Việt Nam tin tưởng những bước đi căn cơ sẽ giúp đội tuyển quốc gia tiến bộ   

Mặc dù vậy, sự tồn tại của những cầu thủ nhập tịch trong màu áo đội tuyển quốc gia không dài. Họ bất ngờ “biến mất” nhanh chóng và… bí ẩn! Những người có trách nhiệm thì chưa bao giờ trả lời thẳng thắn vào câu hỏi, bóng đá Việt Nam có hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch sau bước đi ngắn ngủi mang tính “cách mạng” của ông thầy người Bồ Calisto. Nhưng sau mỗi giải đấu đội tuyển Việt Nam khủng hoảng phong độ, thất bại hoặc đứng trước những thử thách lớn, vấn đề sử dụng cầu thủ nhập tịch lại được xới lên, giống như chiếc phao hy vọng…

Ngoài ra, có thể rào cản văn hóa, quan điểm tự tôn dân tộc… là những lý do chủ yếu khiến cầu thủ nhập tịch từng hiện diện rồi biến mất rất nhanh ở đội tuyển Việt Nam. Bởi không phải cầu thủ nào cũng dễ dàng hòa nhập, còn nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sự hòa nhập và cống hiến của cầu thủ không phải là bản địa.

Phan Văn Santos được lên đội tuyển Việt Nam và từng để lại không ít hình ảnh không đẹp mắt. Đáng kể nhất là hình ảnh thủ môn này hát quốc ca Brazil ở trận giao hữu trên sân Mỹ Đình hồi 2008. Sau đó, anh này vẫn được trao cơ hội và những hành động như trò hề trên sân Thống Nhất, dẫn đến 2 bàn thua của đội tuyển Việt Nam trước Turkmenistan.

Ngay sau đó, Santos bất ngờ xin rút, bỏ mặc ông thầy Calisto, các đồng đội ở tuyển Việt Nam. Vào thời điểm đó, HLV Calisto - người coi Santos là trò cưng vô cùng thất vọng phát biểu rằng: “Lên tuyển là vinh dự cho bản thân và là cả nghĩa vụ với Tổ quốc. Tôi không hiểu sao Santos lại đưa ra quyết định này. Suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa từng thấy ai từ chối đội tuyển cả, phải đến bây giờ mới gặp Santos…”. Tuy nhiên, những chỉ trích nhằm vào Santos cũng nhanh chóng qua đi, bởi đơn giản anh ta chỉ là cầu thủ nhập quốc tịch.

Bên cạnh đó, tâm lý người Việt dường như vẫn chưa thống nhất và sẵn sàng để một cầu thủ ngoại quốc mặc áo đội tuyển quốc gia của mình, đặc biệt những người quản lý bóng đá. Đặc biệt gần đây chất lượng của cầu thủ nhập tịch ngày càng kém. Nhiều đội bóng ở V-League hầu như không dùng lực lượng nhập tịch nữa. Thế nên, một số chuyên gia cho rằng, bóng đá Việt Nam không cần thiết phải sử dụng cầu thủ nhập tịch. Hiện nay, nhiều cầu thủ trẻ chất lượng tốt và đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Quan trọng hơn cả, để giành những danh hiệu như Á quân U23 châu Á 2018, lọt vào bán kết Asiad 2018, tứ kết Asian Cup 2019, vô địch AFF Cup 2018, giành vé trực tiếp tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2020, đoạt HCV SEA Games 30… các đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới tay Park Hang Seo đang nói không với nguồn cầu thủ nhập tịch.

Thay vì nhập tịch cầu thủ, liên tiếp 2 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam ít nhiều đã “xuất khẩu” cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, đó là điều mà không dễ một sớm một chiều làm được và nó cho thấy những tín hiệu tốt của bóng đá Việt Nam.

Thực tế, chúng ta không đóng cửa với cầu thủ nhập tịch, song phải lựa chọn được những cầu thủ có chất lượng chuyên môn vượt trội, bên cạnh đó cần có lời giải cho các vấn đề về luật, tài chính và đặc biệt họ phải có khát khao, cống hiến.

Đặt ra những điều đó chính là những câu hỏi dành cho các nhà quản lý về vấn đề xây dựng lộ trình với nguồn cầu thủ nhập tịch. Nếu không có chiến lược rõ ràng, bóng đá Việt Nam tiếp tục loay hoay ở ngã ba đường trên hành trình vươn đến những cái đích cao xa hơn.

“Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân đã thành công bước đầu ở đội tuyển Việt Nam. Đặng Văn Lâm thi đấu ấn tượng. Nhờ vậy, có hàng chục cầu thủ Việt kiều khác ngỏ ý muốn được về cống hiến cho quê hương. Hiện tại, Jason Quang Vinh-Pendant đang chơi cho Sochaux-Montbéliar ở Ligue 2 (Pháp). Alexsander Đặng là tiền đạo đã ghi nhiều bàn thắng ở giải hạng Hai Na Uy. Thủ môn Filip Nguyễn được đào tạo ở Sparta Prague và hiện khoác áo Slovan Liberec, những đội bóng của hạng đấu cao nhất CH Czech... Tuy nhiên, điều khó khăn là họ không có hộ chiếu Việt Nam. Khai thác được nguồn này, chúng ta sẽ có được một đội tuyển mạnh. Với đội tuyển bóng đá nữ, trong thời gian tới, tôi cũng sẽ tìm hiểu thêm về nguồn cầu thủ việt kiều”.                                                          HLV Mai Đức Chung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.