Giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục được trao cho nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm, vì những hoạt động canh tân giáo dục; và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (98 tuổi) - người được GS Trần Văn Khê mệnh danh là “đệ nhất danh cầm”, vì những đóng góp đặc biệt trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam Bộ.
Giải Nghiên cứu được trao cho nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, vì những công trình nghiên cứu xuất sắc về biển Đông.
Giải Dịch thuật được trao cho dịch giả Nguyễn Nghị, vì những thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển.
Giải Việt Nam học được trao cho Giáo sư Keith Weller Taylor (Mỹ - cựu binh tại chiến trường Việt Nam), vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử - văn hóa Việt Nam.
Một trong những ghi nhận mới của giải năm nay là cụm công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam ở biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Hoàng Quân là nhà nghiên cứu độc lập, nhưng hoạt động học thuật của ông trong thời gian qua góp một phần quan trọng trên mặt trận học thuật trong tổng thể công cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biển đảo.
Tại buổi lễ, Quỹ Phan Châu Trinh công bố dự án “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại” vừa được khởi động. Đây là “ngôi đền” hiểu theo nghĩa bóng, tức là một hoạt động online, nằm trong sứ mệnh của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, bao gồm: Du nhập, Phục hưng, Khởi phát, Gìn giữ & Lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm góp phần canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.
Ba danh nhân đầu tiên được vinh danh tại ngôi đền văn hóa này là: Trương Vĩnh Ký (do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lập hồ sơ), Phan Châu Trinh (do nhà văn Nguyên Ngọc lập hồ sơ) và Phan Bội Châu (do PGS Chương Thâu lập hồ sơ). Những danh nhân tiếp sau sẽ được vinh danh trong mỗi lần trao giải Phan Châu Trinh kế tiếp.