Tư vấn hướng nghiệp vào mùa: Bí quyết của các thủ khoa

GD&TĐ - “Làm thế nào để trúng tuyển đại học ngay từ nguyện vọng đầu?” là câu hỏi của không ít thí sinh.

Nguyễn Thị Hương, thủ khoa khối C00. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Hương, thủ khoa khối C00. Ảnh: NVCC

Lắng nghe chia sẻ của các thủ khoa toàn quốc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để có thêm kinh nghiệm ôn luyện, đạt kết quả như mong muốn. 

Đừng bỏ quên học bạ

Đạt 10 Toán và Tiếng Anh, 9 Văn, Nguyễn Ngọc Khanh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành thủ khoa khối D01 toàn quốc năm 2020. Chọn ngành Kế toán - Kiểm toán theo định hướng ACCA của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội làm mục tiêu đầu trong kỳ thi đại học, Khanh đăng ký theo phương thức xét tuyển điểm học bạ kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh. Em trúng tuyển ngành này, không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT dù đạt thành tích cao nhất khối D01.

Khanh chọn ngành và trường đại học từ đầu năm lớp 11. Lý giải lựa chọn ứng tuyển theo hình thức nộp học bạ kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh, Khanh cho biết: Tiếng Anh là thế mạnh của em nên việc nộp chứng chỉ là điểm cộng. Phương thức này vừa giúp tăng cơ hội trúng tuyển vừa yêu cầu học đều, giúp tích lũy kiến thức cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, theo Khanh, thí sinh nên xác định khối thi đại học, ngành và trường từ năm lớp 11 và tốt nhất là năm lớp 10. Từ đó, các bạn có thể xây dựng lộ trình, mục tiêu học tập và tham khảo nhiều phương pháp ứng tuyển khác nhau. Dù lựa chọn phương thức nào, các bạn cũng phải tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh, yêu cầu riêng của trường. Xét tuyển học bạ là quá trình dài hơi, điều quan trọng phải duy trì điểm trung bình môn và trung bình mỗi kỳ học ở mức tốt. 

Chia sẻ bí quyết giữ phong độ, Khanh thường xung phong trả lời câu hỏi để nhận điểm cao, từ đó tăng điểm trung bình môn. Theo Khanh, không nên suy nghĩ rằng có thể lấy điểm môn học tốt đỡ cho môn kém vì muốn học bạ đẹp cần có điểm số đồng đều.

Nguyễn Ngọc Khanh, thủ khoa khối D01 trong Kỳ thi THPT 2020. Ảnh: FTU Times
 Nguyễn Ngọc Khanh, thủ khoa khối D01 trong Kỳ thi THPT 2020. Ảnh: FTU Times

Luyện sâu nhớ lâu

Sau ba năm bỏ học, Nguyễn Văn Kiên, cựu học sinh Trường THPT Phụ Dực (tỉnh Thái Bình) trở thành thủ khoa khối A00. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, em đạt 10 Toán và Hóa, 9,75 Lý. Với điểm số chót vót, Kiên hoàn thành mơ ước từ lâu là trúng tuyển ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với dạng bài thi trắc nghiệm, Kiên đọc lướt toàn bộ đề, gạch chân những từ khóa trong câu hỏi và đánh dấu câu khó để làm sau. Em làm nhanh các câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng nhưng làm hai lần để kiểm tra tính chính xác của đáp án. Nhờ đó, em có nhiều thời gian dành cho các câu hỏi khó nhưng không bất cẩn để sai ở câu dễ.

Để có thể ghi nhớ lý thuyết và tránh các câu hỏi “bẫy” trong đề thi, Kiên luyện nhiều đề, làm đi làm lại các dạng bài. Em ghi lại các câu sai vào một cuốn sổ để lấy ra xem vào thời gian rảnh. Tích lũy hơn 200 câu trắc nghiệm từng làm sai, Kiên bảo cuốn sổ giống như “lá chắn” giúp em thoát “bẫy” của đề thi.

Tự tin làm điều mình thích

Nguyễn Thị Hương, cựu học sinh Trường THPT Mỹ Tho (tỉnh Nam Định) là thủ khoa khối C00 khi đạt 9,5 Ngữ văn, 9,75 Lịch sử và 10 Địa lý, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, Hương lựa chọn tổ hợp C04 (Toán, Văn, Địa) để nộp nguyện vọng 1 vào ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU). Em đạt 8,6 điểm Toán, tổng điểm khối C04 là 28,6.

Do học đều các môn từ năm lớp 10, phát triển chiến lược học bài bản, Hương nhanh chóng bắt nhịp vào khối C. Hương chia sẻ: Trong quá trình học, các bạn nên chú ý điểm yếu, mạnh của bản thân, tìm hiểu ngành học liên quan tới sở thích. Từ đó, tham khảo điểm chuẩn của các năm trước để chọn trường thích hợp.

Lấy ví dụ từ bản thân, Hương thích các môn xã hội và Toán trong khi ngành Quan hệ công chúng lại có sự kết hợp giữa kinh tế và xã hội. Em đặt nguyện vọng 1 vào NEU vì kết quả nhiều lần thi thử cho thấy bản thân có khả năng đỗ vào trường này.

Hương chia sẻ: Khi ôn luyện, sĩ tử cần nắm chắc kiến thức, kỹ năng làm bài, chú ý lỗi sai thường mắc phải để thay đổi. 1 - 2 ngày trước khi thi, các bạn nên giữ sức khỏe, ngủ đủ giấc, không nên lo lắng hay suy nghĩ nhiều, tạo áp lực cho bản thân. Bước vào phòng thi, hãy tự nhủ “Tôi sẽ chinh phục nó” để lấy bình tĩnh, tăng quyết tâm và tránh sai sót khi làm bài.

“Khi thi, các bạn nên làm câu dễ trước, câu khó sau, cần phân bổ thời gian hợp lý, tránh sa đà vào câu khó mà quên làm những câu khác. Đề thi, nhất là đề trắc nghiệm thường có nhiều bẫy nên các bạn hãy đọc kỹ câu hỏi, đáp án và kiểm tra lại kết quả. Giữ bình tĩnh, không nóng vội để chinh phục kỳ thi tốt nghiệp và sáng suốt khi đăng ký nguyện vọng vào trường đại học” - Nguyễn Thị Hương cho biết thêm.

Các bạn nên xây dựng lịch học phù hợp theo từng tuần và cố gắng tuân theo kế hoạch đã vạch sẵn. Nhiều bạn suy nghĩ  lớp 12 mới phải ôn thi đại học nên chểnh mảng hai năm trước. Nhưng ngay từ đầu, các bạn nên học đều, học kỹ các môn để tạo kiến thức nền vững chắc. Nếu lỡ chểnh mảng, thay vì lo lắng, các bạn hãy tiếp tục học kỹ lớp 12, song song ôn tập lại kiến thức lớp 10, 11. - Nguyễn Văn Kiên

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ