Từ “Bình ngô đại cáo” đến “Tuyên ngôn độc lập”

GD&TĐ - Kể từ khi khai thiên lập địa, đất nước, nhân dân ta đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến lớn nhỏ đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lịch sử hơn bốn nghìn năm của dân tộc có ngót hơn nghìn năm bị giặc ngoại xâm giày xéo, đô hộ, đè nén.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu TTXVN

Bởi vậy, niềm vui nào bằng tự do độc lập; hạnh phúc nào bằng được làm chủ trên chính mảnh đất của cha ông bao đời gây dựng. Niềm vui đó, hạnh phúc đó nhiều lần được ghi dấu lại trong những bản tổng kết xứng đáng là những áng thiên cổ hùng văn của dân tộc. Tiêu biểu là “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh. 

Khẳng định dân tộc ta có quyền tự chủ, độc lập

Chiến thắng giặc Minh xâm lược tàn bạo, Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo, mở ra một nền thái bình cho nhân dân Đại Việt. Chiến thắng giặc Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đọc trước quốc dân đồng bào, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Cũng giống như Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn Độc lập là một văn bản tổng kết chiến thắng, là lời tuyên bố khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc và tràn đầy khí thế hào hùng từ nội dung, tư tưởng cho đến cách hành văn. Dù thời gian ra đời có cách nhau cả một chặng dài lịch sử thì về đại thể, cả hai đều là những bản tuyên ngôn mẫu mực, đều vì dân tộc Việt Nam mà nói lên tiếng nói hòa bình, độc lập, tự chủ.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những lẽ phải không ai chối cãi được. Bất ngờ hơn là những lẽ phải ấy lại được Bác rút ra từ hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của nước Pháp và nước Mỹ (“Tuyên ngôn Độc lập” của Mỹ năm 1776 và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp” năm 1791). Không chỉ người Việt Nam mà ngay cả người Pháp, người Mỹ cũng bàng hoàng khi nghe lời mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại là những lời bất hủ trong bản tuyên ngôn của cha ông họ gần 200 năm trước đó. Đó là tuyên ngôn bất hủ chẳng những của nước Mỹ, nước Pháp mà của toàn nhân loại.

 Bằng cách viện dẫn hai bản tuyên ngôn đó, Bác đã khéo léo đặt ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau, ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau và ba dân tộc có quyền độc lập, tự chủ ngang nhau. Bác đã dùng những lí lẽ sắc bén, khoa học của mình để mở rộng vấn đề lên thành chủ quyền độc lập, tự do của dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Ngược lại dòng lịch sử của cha ông thuở trước, khi viết “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi cũng hãnh diện chỉ ra: Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có. Rõ ràng, qua hai bản tuyên ngôn sau - trước, chúng ta đều nhận thấy cha ông luôn khẳng định dân tộc ta cũng có quyền tự chủ, độc lập như các dân tộc khác. 

Chỉ ra bộ mặt xảo trá của kẻ thù

Cả hai bản tuyên ngôn đều chỉ ra bộ mặt xảo trá của kẻ thù: Giặc Minh thì Nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận/ Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa (“Bình Ngô đại cáo”), còn bọn thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta (“Tuyên ngôn Độc lập”). Chúng kiếm cớ để hòng tràn vào nước ta một cách nhanh nhất, để mặc sức vơ vét cho đầy túi tham.

Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Bác đã vẽ lại bức tranh đời sống của con người Việt Nam khắp nơi đều in dấu tội ác của thực dân Pháp: Về chính trị, chúng cướp nước ta, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ, đàn áp dã man đồng bào ta, chia cắt đất nước thành ba miền với ba chế độ khác nhau nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân… Về kinh tế, chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, kìm hãm nền kinh tế dân tộc trong vòng què quặt, lạc hậu… khiến cho nước ta nghèo nàn, thiếu thốn, dân ta xơ xác, tiêu điều.

Những câu văn ngắn như dồn nén căm hờn. Máu và nước mắt như đang sôi trào đầu ngọn bút. Đó là những lời tuyên án đanh thép đối với tội ác của giặc Pháp đã gây ra cho nhân dân ta. Bác đã dùng hàng loạt từ chúng với những hành động bạo tàn như thi hành những luật pháp dã man, lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, thẳng tay chém giết, tắm các cuộc khởi nghĩa của chúng ta trong bể máu, bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy… Mỗi lời viết ra lại như khắc sâu thêm lòng căm thù giặc ngoại xâm của dân tộc Việt. Tội ác của chúng được phơi bày, vạch trần dưới ngòi bút sắc bén của Bác. Ta nghe trong lời Bác như văng vẳng tiếng nói của cha ông - tiếng nói căm hờn, tố cáo tội ác trời không dung, đất không tha của giặc Minh, khi chúng: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ/ Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế/ Gây binh kết oán trải hai mươi năm/ Vét sản vật, bắt dò chim trả, chốn chốn lưới chăng/ Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt/ Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ/ Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng/ Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán.

Kẻ thù nào cũng tàn bạo, ngang ngược như nhau. Nhưng nếu ở Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi chủ yếu dùng hình tượng để tố cáo tội ác của chúng thì ở Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh sử dụng lập luận chặt chẽ, đanh thép và các luận cứ hùng hồn. Với nét bút hiện thực, sắc sảo, bản Tuyên ngôn đã dựng lại một thời kỳ lịch sử đau thương của dân tộc: Từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Không những Bác vạch trần bản chất dã man, tàn bạo của thực dân Pháp mà Người còn lột được cái mặt nạ khai hóa, bảo hộ đê hèn của chúng trước nhân dân thế giới: Trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật; thẳng tay khủng bố Việt Minh; khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng. Hơn những thế, bản tuyên ngôn đã khơi dậy lòng căm thù của nhân dân đối với thực dân Pháp để nhân dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. 

Một giờ giảng văn bài “Bình Ngô đại cáo”. Nguồn ảnh: IT
Một giờ giảng văn bài “Bình Ngô đại cáo”. Nguồn ảnh: IT

Yêu nước, chuộng hòa bình và tinh thần nhân văn cao cả

Yêu nước, chuộng hòa bình và tinh thần nhân văn cao cả - điều đó được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử dân tộc Việt và được phản ánh rất nhiều trong những áng văn chương. Tinh thần nhân đạo đó cũng được thể hiện trong hai áng văn chính luận mẫu mực mà chúng ta đang nhắc tới.

Khi giặc Minh thua trận, run sợ đến hồn xiêu phách lạc trước sức mạnh như nước triều dâng của quân dân Đại Việt, vậy mà ta vẫn khoan hồng, không dồn chúng vào con đường chết mà: Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh, rồi còn cấp thuyền, cấp ngựa cho chúng về nước. Đến khi đánh giặc Pháp, dù chúng đối với nhân dân ta vô cùng dã man, đè đầu, cưỡi cổ, bóc lột thậm tệ (Bát cơm chan đầy nước mắt/ Bay còn giằng khỏi miệng ta/ Thằng giặc Tây, thằng chúa đất/ Đứa đè cổ, đứa lột da - “Đất nước” - Nguyễn Đình Thi), thậm chí ngay cả khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông những người cách mạng yêu nước của ta đang bị giam trong tù. Lẽ ra, chúng đáng bị trừng trị. Lẽ ra, ta chẳng cần phải giúp chúng tháo chạy khi chúng thua Nhật. Vậy mà với lòng nhân đạo, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Chỉ với một câu văn ngắn gọn, từ ngữ chính xác, Bác đã khái quát được sự sụp đổ tất yếu của chế độ thực dân, phát xít, phong kiến trước sức mạnh và khí thế cách mạng của nhân dân ta. Khí thế đó, sức mạnh đó chính là được kết tinh từ lòng yêu nước vô bờ, nó có thể nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước; Khí thế, sức mạnh đó được bắt nguồn từ tinh thần cha ông thuở trước: Gươm mài đá, đá núi cũng mòn/ Voi uống nước, nước sông phải cạn/ Đánh một trận, sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận, tan tác chim muông… Khi xưa Nguyễn Trãi tự hào gióng lên hồi chuông vang về những chiến thắng của quân ta dưới ngọn cờ trượng nghĩa của Lê Lợi: Đô đốc Thôi Tụ lê gối tạ tội, Thượng thư Hoàng Phúc tự trói tay xin hàng, Liễu Thăng bị tử trận, tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng… thì nay, Bác cũng tự hào khẳng định: Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Khi viết “Bình Ngô đại cáo”, sau khi đã vạch rõ tội ác tày trời của giặc Minh cũng như chỉ ra sức mạnh phi thường của quân và dân Đại Việt đã dẹp yên được giặc Minh xâm lược, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Trãi đi đến khẳng định chủ quyền và độc lập dân tộc: Xã tắc từ nay vững bền/ Giang sơn từ nay đổi mới/…/ Bốn phương biển cả thanh bình/ Ban chiếu duy tân khắp chốn. Khoảng 500 năm sau, với “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh cũng tuyên bố: Thoát li hẳn mọi quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Từ đó, Người khẳng định: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

“Bình Ngô đại cáo” và “Tuyên ngôn Độc lập”, 500 năm vẫn chung một nhịp, đó là lòng yêu nước, là niềm tự hào dân tộc, là sự kiêu hãnh về tinh thần nhân văn cao cả. Hơn hết, đó là lời tuyên bố độc lập, tuyên bố chủ quyền dân tộc và khẳng định lòng quyết tâm giữ vững nền độc lập của toàn dân Việt Nam. Đó là những áng hùng văn được lưu truyền muôn thuở cho bao lớp người ngày đó, hôm nay và cả sau này biết đến để tự hào và gìn giữ một dân tộc Việt oai hùng như đã từng.

“Bình Ngô đại cáo” và “Tuyên ngôn Độc lập”, 500 năm vẫn chung một nhịp, đó là lòng yêu nước, là niềm tự hào dân tộc, là sự kiêu hãnh về tinh thần nhân văn cao cả. Hơn hết đó là lời tuyên bố độc lập, tuyên bố chủ quyền dân tộc và khẳng định lòng quyết tâm giữ vững nền độc lập của toàn dân Việt Nam. Đó là những áng hùng văn được lưu truyền muôn thuở cho bao lớp người ngày đó, hôm nay và cả sau này biết đến để tự hào và gìn giữ một dân tộc Việt oai hùng như đã từng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.