Sinh động hoá bài giảng Lịch sử với kiến thức Văn học

GD&TĐ - Dùng văn học để giờ dạy lịch sử thêm hấp dẫn là cách làm đã phát huy hiệu quả của thầy Đặng Xuân Thành – giáo viên Trường THPT Xuân Áng (Phú Thọ) – từ 7 năm giảng dạy môn Lịch sử.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Phương pháp dạy học này, theo thầy Thành, được áp dụng xuất phát từ mối liên hệ mật thiết giữa văn học và sử học. Văn học bổ trợ cho sử học, ngược lại sử học bổ trợ cho văn học. Nếu biết vận dụng yếu tố văn học trong dạy học lịch sử thì hiệu quả dạy học sẽ được nâng lên.

Ví dụ, bài 12: Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1925. Ở mục “I. Những chuyển biến về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất”, khi giảng đến phần Chính sách khai thác thuộc địa lần hai của Thực dân Pháp, tăng cường đầu tư vào nông nghiệp và khai mỏ, giáo viên có thể minh họa bằng câu thơ:

“Em đi ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh đi vào đất đỏ làm phu/Đổi thân được mấy đồng xu/Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”; hoặc “Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”; cũng có thể sử dụng 1 trích đoạn trong “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh: “Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy,… Chúng không cho các nhà tư sản ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân vô cùng tàn nhẫn…”

Các câu thơ trên và đoạn trích trong Tuyên ngôn độc lập giúp học sinh hiểu được chính sách bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân ta và giáo dục lòng căm thù giặc cho học sinh, có thái độ thương yêu những người lao động chân chính, thông cảm cho nỗi khổ của lao động Việt Nam thời Pháp thuộc.

Hoặc, bài 13: Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1925 đến năm 1930. Mục I. Sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức cách mạng. Phần 3, Việt Nam Quốc dân Đảng:

Khi nói về chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn, giáo viên có thể trích dẫn câu “Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc” trong quốc hiệu của nước ta và liên hệ cách mạng Trung Quốc với cách mạng Việt Nam: Dân tộc: Độc lập, Dân quyền: Tự do, Dân sinh: Hạnh phúc.

Hay bài 14. Phong trào cách mạng 1930-1935, sau khi trình bày cho học sinh diễn biến của phong trào Cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ – Tĩnh, giáo viên có thể sử dụng đoạn thơ sau để minh hoạ thêm bằng đoạn thơ của Tố Hữu: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước… Ta hò, ta hét, thét lên thử nào”.

Những câu thơ trên gúp học sinh nhớ lại những địa danh trong phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh, khâm phục tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp…

Giáo viên có thể tìm ra rất nhiều những dẫn chứng văn học như trên để lồng ghép trong bài dạy, giúp môn Lịch sử bớt khô khan hơn. Bên cạnh đó, thầy Đặng Xuân Thành cũng cho rằng, để học sinh yêu môn Lịch sử, người giáo viên phải là một “nghệ sĩ”, linh hoạt trong tổ chức thảo luận, tranh luận trên lớp học để vừa đảm bảo thời gian tiết học vừa có thể phát huy tối đa tính tích cực, sự sáng tạo của học sinh; biết kết hợp một cách hài hòa mục tiêu chuẩn kiến thức với nội dung và cách làm mới.

Yêu cầu học sinh làm việc cũng có nghĩa là tạo cho các em tác phong làm việc trong thời đại nền kinh tế tri thức, kinh tế hội nhập, để các em sẵn sàng hoà nhập khi bước vào đời.

Giải pháp của thầy Đặng Xuân Thành giúp tỷ lệ học sinh hiểu bài ngay trên lớp, tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng rõ rệt; nhiều em đã thay đổi suy nghĩ coi Lịch sử là môn phụ và đầu tư nhiều thời gian hơn cho bộ môn. Đặc biệt, số lượng học sinh giỏi Lịch sử cấp tỉnh của một trường khu vực miền núi, xa trung tâm như Xuân Áng luôn xếp ở top 10 trong các đơn vị dự thi của Phú Thọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ