Lưu ý thí sinh làm bài thi Ngữ văn trước giờ G

GD&TĐ - Sáng mai (3/9),thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ bắt đầu với môn Ngữ văn. Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) – cho biết: Đề thi Ngữ văn vẫn gồm hai phần, ba câu: phần Đọc hiểu 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm (trong đó, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm). 

Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội).

Lưu ý khi làm phần Đọc hiểu

Phần Đọc hiểu, đề thi sẽ cho thí sinh một đoạn văn, đoạn thơ cùng 4 câu hỏi sắp xếp theo 4 cấp độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. 

Cô Hằng lưu ý, thời gian phân bổ cho phần Đọc hiểu tối ta chỉ được làm 20 phút, nếu hết thời gian này mà chưa làm xong học sinh nên chuyển sang phần khác để tránh mất điểm

Học sinh cần trả lời trực tiếp, ngắn gọn, đầy đủ, chính xác từng câu hỏi. Câu nào biết trước thì trả lời trước, không cần cứ phải theo thứ tự từng câu để tránh mất thời gian làm bài. Câu nào không đảm  bảo chắc chắn thì để lại để làm những câu khác hết thời gian quay lại làm sau.

Học sinh cần chú ý những câu lệnh của phần đọc hiểu để tránh nhầm lẫn và tránh chép lại văn bản ngữ liệu vào bài làm của mình, mà chỉ nên lấy một phần của câu hoặc từ khóa làm dẫn chứng và sáng tỏ cho bài làm.

Câu cuối cùng của phần đọc hiểu có thể có một câu yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ, ý kiến về vấn đề nào đó đã được nêu trong ngữ liệu. Với câu hỏi này, học sinh cần viết ngắn gọn, súc tích, đầy đủ làm nổi bật vấn đề.

Lưu ý khi làm văn nghị luận xã hội

Phần Làm văn sẽ có 2 câu hỏi được đưa ra, bao gồm: câu hỏi nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn luận về một tư tưởng đạo lý hay hiện tượng xã hội (khoảng 200 từ, chiếm 2 điểm); câu hỏi về nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích, cảm nhận về một đoạn văn, đoạn thơ được trích từ các văn bản đã học (chiếm 5 điểm).

Theo cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, phần nghị luận xã hội, thí sinh nên dành tối đa khoảng 15 - 20 phút.

Tránh viết đoạn văn nghị luận xã hội theo cách viết 1 bài văn hoàn chỉnh. Học sinh cần tập trung vào những tiêu điểm, vấn đề chính mà đề yêu cầu bàn luận, trình bày suy nghĩ; xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau; bảo đảm yêu cầu hình thức và nội dung của một đoạn văn nghị luận xã hội.

Bên cạnh đó để làm tốt phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, ngoài việc học kiến thức thông thường, thí sinh cần dành thời gian cập nhật những thông tin thời sự để tăng hiểu biết về kiến thức xã hội và cuộc sống.

Một lưu ý nữa là học sinh không nên lấy dẫn chứng trong các tác phẩm văn học để chứng minh cho đoạn văn nghị luận xã hội mà nên lấy dẫn chứng trong đời sống thực tế để tăng tính thuyết phục.

Số lượng dẫn chứng không cần nhiều, chỉ cần 1-2 dẫn chứng. Nếu học sinh không lấy dược nhiều dẫn chứng thì chỉ cần 1 dẫn chúng tiêu biểu là được, dẫn chứng cần ngắn gọn, tránh dài dòng, lan man, kèm theo đó là thái độ, quan điểm đánh giá của người viết.

Dẫn chứng trong đoạn văn nghị luận xã hội phải đảm bảo ba tiêu chí: xác thực, phổ biến và mới mẻ. Để có được điều đó, cần phải thường xuyên cập nhật tin tức từ nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin chính thống, uy tín.

Lập luận cần ngắn gọn, lý lẽ chắc chắn. Với nghị luận xã hội, quan trọng là lý lẽ phải đúng, khách quan, trung thực, nhưng cũng cần kết hợp cảm xúc ở mức độ nhất định. Thể hiện rõ quan điểm, thái độ của cá nhân đối với vấn đề cần nghị luận.

Lưu ý ở những loại đề cần đưa ra giải pháp thực hiện thì học sinh cần phải nêu rõ thứ tự và số lượng những biện pháp ấy để đạt được điểm cao.

Dẫn chứng bằng kiến thức thực tế đời sống tiêu biểu, tránh đưa quá nhiều dẫn chứng hoặc dẫn chứng là những điều vụn vặt. Không phân tích dẫn chứng khi không cần thiết.

Lưu ý với bài nghị luận văn học

Với bài nghị luận văn học, cô Hằng lưu ý, học sinh cần dành khoảng 80 phút dành cho phần Nghị luận văn học trong đó có cả thời gian lập dàn ý và xem lại bài viết.

Từ việc phân tích và nhận định về đề thi ngữ văn đợt 1 chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho đợt 2 về cấu trúc về nội dung đơn vị kiến thức. Đề bám sát cấu trúc, đơn vị kiến thức cũng phù hợp và chuẩn với kì thi tốt nghiệp THPT. Học sinh cần hệ thống hóa kiến thức của toàn bộ tác phẩm. Có thể phân loại theo chuyên đề để ôn thi.

Khi làm bài nghị luận văn học, cần có sự cân đối giữa nội dung và hình thức biểu hiện, tránh diễn xuôi kể lể dài dòng không trọng tâm, cần phải đan xen, cộng hưởng giữa nội dung và hình thức để làm nổi bật phong cách sáng tạo và ý hướng sáng tác của nhà văn, nhà thơ. Học sinh cần dành thời gian để lập qua dàn ý sơ lược tránh mất ý, mất điểm.

Bài làm cần có bố cục rõ ràng, đầy đủ 3 phần. Học sinh cố gắng làm bài hoàn chỉnh để không bị mất điểm. Dẫn chứng chọn lọc tránh đưa nhiều dẫn chứng làm loãng bài văn.

Cần xác định những luận điểm trung tâm và những luận điểm phụ để tập trung vào làm nổi bật vấn đề. Khi làm bài nghị luận văn học cần chú ý kết hợp linh hoạt các thao tác lập luận. Hệ thống luận điểm chặt chẽ thể hiện được đúng yêu cầu của đề bài.

Học sinh cần chú ý thật kỹ câu lệnh trong bài nghị luận văn học để tránh bỏ sót yêu cầu. Nên lấy bút gạch vào đề để phân tích đề thật kĩ trước khi đặt bút viết. Cần xác định đâu là đối tượng trọng tâm, đâu là đối tượng liên hệ để cân đối dung lượng bài viết. Không nên tham kiến thức quá để tránh làm quá giờ và không cân đối về dung lượng giữa các phần các đoạn trong bài viết. Tránh việc làm đến cuối giờ không hết bài, không viết được kết bài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ