Dạy tiếng Anh trong nhà trường quân đội: Phá vỡ rào cản “sợ” ngoại ngữ

GD&TĐ - 24 năm gắn bó với môi trường quân đội, Thượng tá, ThS Kiều Ngọc Dung, Chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ - Học viện Kỹ thuật Quân sự luôn tìm tòi và ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới để phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

Thượng tá, ThS Kiều Ngọc Dung (áo dài chấm) cùng học viên
Thượng tá, ThS Kiều Ngọc Dung (áo dài chấm) cùng học viên

“Phá” khoảng cách thầy trò

Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, năm 1996, cô Dung về công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Là cô giáo trẻ mới ra trường, những buổi đầu đứng trên bục giảng trong môi trường quân đội phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh “một chiều”, cô Dung không khỏi bỡ ngỡ. Từ cách xưng hô với học viên là “đồng chí” cũng khiến cô có chút e ngại và hơi sợ. Học viên hầu hết là nam giới, có người tuổi đời nhiều tuổi hơn cô giáo, xưng hô như thế nào để khoảng cách giữa người dạy và người học trở nên gần gũi, thân thiện nhất.

Với những suy nghĩ đó, thay vì xưng hô với học viên bằng “đồng chí”, cô Dung thay đổi cách xưng hô bằng bạn. Bước qua sự bỡ ngỡ ban đầu, học viên cảm thấy gần gũi hơn với cô giáo, khoảng cách thầy trò không còn là rào cản, lớp học trở nên thân thiện, mang lại sự tương tác cởi mở, hứng thú trong giờ học.

Cô Dung cho biết: Đối với quân đội, ngoại ngữ ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong công tác đối ngoại quốc phòng, giao lưu văn hóa, thể thao quân sự, quốc phòng giữa quân đội các nước, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… vì thế, vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường quân đội trở thành một nhiệm vụ cấp bách.

Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới trong quá trình giảng dạy, cô Dung cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Đồng thời, thiết kế những hoạt động học nhằm phát triển năng lực toàn diện của người học như: Năng lực giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm, khả năng làm việc độc lập và khả năng sáng tạo, tự tin… và tư duy đa chiều về một vấn đề cụ thể.

Bên cạnh đó, cô cũng tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy, thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá, chú trọng phát triển kỹ năng tự học, kết hợp việc giảng dạy trên lớp với những trải nghiệm thực tế gắn việc học ngoại ngữ với thực tế sử dụng ngoại ngữ bên ngoài lớp học.

Phát huy tính tự giác của người học

Thượng tá, ThS Kiều Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái) trong chương trình giao lưu Tuổi trẻ - Khát vọng - Cống hiến
Thượng tá, ThS Kiều Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái) trong chương trình giao lưu Tuổi trẻ - Khát vọng - Cống hiến 

Theo cô Dung, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của các trường trong quân đội đã được cải thiện nhiều nhưng việc dạy và học ngoại ngữ vẫn có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, do đặc thù quân đội, học viên không được phép ra ngoài doanh trại nên môi trường học ngoại ngữ cũng như cơ hội được thực hành và giao lưu với người bản ngữ còn hạn chế. Thứ hai, đa số học viên vẫn chưa thấy việc học ngoại ngữ là cần thiết. Thứ ba, thời gian học ngoại ngữ không nhiều.

Trong khi đó, hầu hết học viên các trường quân đội thi đầu vào là khối A hoặc B nên không có nền tảng ngoại ngữ tốt và nhiều vị trí công tác sau này không đòi hỏi phải sử dụng ngoại ngữ nên động lực học ngoại ngữ của các em không cao. Điều này gây không ít khó khăn cho người dạy. Vì vậy, việc khơi dậy niềm đam mê và yêu thích môn học này là điều cô trăn trở.

Tiếng Anh có tính đặc thù, nhờ các phương tiện nghe, nhìn, phim, ảnh, video… mà người dạy và người học hứng thú, say mê hơn. Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới phương pháp, cô Dung thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn như dự giờ, các workshop về phương pháp giảng dạy, liên kết với Hội đồng Anh mở các lớp tập huấn về phương pháp, khuyến khích GV chia sẻ kinh nghiệm, tham gia công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn.

Không phụ công của cô, chất lượng dạy và học được cải thiện rõ rệt, các giờ học sinh động hơn, cuốn hút người học hơn.

Xác định tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, có vị trí, vai trò quan trọng giúp cán bộ, giảng viên tiếp cận, lĩnh hội tri thức, nâng cao khả năng khai thác, làm chủ vũ khí trang bị; là công cụ chủ yếu để giao lưu, hợp tác quốc tế về quốc phòng, quân sự. Vì vậy, để phát huy được năng lực học viên thì người thầy cần chú trọng thiết kế những hoạt động dạy học sao cho có thể khơi dậy tư duy sáng tạo, tính chủ động và tích cực của người học. Kết hợp linh hoạt giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và những xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ.

Nhiều cách làm sáng tạo

Trong đợt thi đua đặc biệt: “Làm theo lời Bác - Thi đua giành 3 nhất” kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), trên cương vị chức trách được giao, cô Dung đã hoàn thành xuất sắc các nội dung, chỉ tiêu của đợt thi đua.

Trong quá trình giảng dạy, cô Dung luôn nhiệt tình, chu đáo, thực hiện nghiêm quy chế đào tạo. Tích cực tham gia hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy. Hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy cho các hệ đại học, cao học và bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ giáo viên học viện.

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ về chuyên môn mà Cục Nhà trường giao cho như tham gia xây dựng ngân hàng đề thi trình độ A2 phục vụ phúc tra của Cục Nhà trường đối tượng đào tạo cấp phân đội trong toàn quân (gần 1.000 câu hỏi); Chủ trì và tham gia xây dựng ngân hàng đề thi trình độ B1 phục vụ phúc tra của Cục Nhà trường đối tượng đào tạo trình độ thạc sỹ trong toàn quân (gần 1.000 câu hỏi); Chủ trì xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kỹ năng nói phục vụ công tác phúc tra ngoại ngữ cho các trường trong toàn quân…

Bên cạnh đó, cô còn tham gia tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy và trực tiếp giảng dạy lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho sĩ quan phân đội trình độ đại học tốt nghiệp năm 2018; Tham gia tổ chức thành công hội thi Olympic Tiếng Anh toàn quân lần thứ nhất năm 2017; Tham gia tổ chức thành công buổi gala giao lưu giữa học viên lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho sĩ quan phân đội trình độ đại học với các trường quân đội phía Bắc; Tham gia tổ chức và có báo cáo khoa học tại hội thảo về nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong quân đội của Cục Nhà trường Bộ Tổng tham mưu các năm 2017, 2018, 2019…

Theo cô Dung, đứng trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế về quốc phòng ngày càng sâu rộng; nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của học viện đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Việc nâng cao chất lượng dạy, học, sử dụng ngoại ngữ là rất quan trọng, cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị, khí tài mới hiện đại của học viện. Đây là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng và của mỗi cán bộ, Đảng viên. Nhiều giải pháp, nhiều cách làm sáng tạo việc sử dụng ngoại ngữ trở thành thường xuyên và rất tự nhiên trong công việc, sinh hoạt, học tập hằng ngày của học viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ