Cô giáo trường chuyên "tự thay đổi" để giúp học trò yêu Toán

GD&TĐ - “Phải làm cho học sinh yêu thích môn học trước. Bởi trẻ có thích thì học mới hiệu quả. Muốn vậy, trước tiên giáo viên phải tự thay đổi” - nhà giáo ưu tú Trần Thị Thanh Thủy tâm niệm.

Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy luôn tâm niệm phải “tự thay đổi” để học trò yêu môn học. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy luôn tâm niệm phải “tự thay đổi” để học trò yêu môn học. Ảnh: NVCC.

Dùng “chiêu” để “lấy lòng” trò

Tốt nghiệp khoa Toán - Tin, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên năm 2003, cô giáo Trần Thị Thanh Thủy về nhận công tác tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) và gắn bó đến nay. Nghề giáo không hẳn là ước mơ thuở nhỏ của cô Thủy, mà đúng hơn với cô là duyên nợ.

“Duyên nợ với môn Toán, với trường chuyên của mình bắt đầu từ 1 người thầy. Mặc dù không được thầy chủ nhiệm, không học chính khóa, song thầy là người gieo đam mê với môn Toán trong tôi, và cũng là người giúp đỡ, dìu dắt tôi trong suốt hành trình từ khi vào giảng đường đại học, cho tới khi bước chân về trường chuyên giảng dạy”,  cô Thủy tâm sự.

Người mà cô giáo Thủy nhắc tới đó là nhà giáo ưu tú dạy Toán đầu tiên của Điện Biên – thầy Phạm Quang Tể. Cô học trò nghèo Trần Thị Thanh Thủy ngày ấy đang học lớp 12 và may mắn gặp thầy Tể khi tham gia lớp ôn thi học sinh giỏi Toán quốc gia do thầy hướng dẫn.

Thương hoàn cảnh cô học trò nghèo, lại hiếu học, thầy Tể không chỉ giảng dạy, truyền cảm hứng, mà còn giúp đỡ Thủy cả vật chất lẫn tinh thần trong suốt hành trình theo đuổi ước mơ đại học. Về sau khi công tác tại ngôi trường chuyên duy nhất của tỉnh, cô tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ phía thầy.

Sở hữu trong tay bảng thành tích “dày cộm” từ các kì thi học sinh giỏi, ngày đầu nhận công tác, cô Thủy đã được nhà trường tin tưởng giao chủ nhiệm lớp chuyên Toán. Cô còn được giao luôn đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường.

“Lúc đầu áp lực lắm vì vừa mới năm đầu tiên đứng trên bục giảng, tôi đã được giao trọng trách lớn. Nhưng cũng rất may là trong suốt quá trình học từ phổ thông đến chuyên nghiệp, tôi đã tham gia nhiều lớp ôn thi học sinh giỏi nên tích lũy được cho bản thân không ít kinh nghiệm thực tế có thể chia sẻ cùng các em”, cô Thủy bộc bạch.

Với vốn kinh nghiệm đó, cô chia sẻ bằng sự chân thành, gần gũi  để thu hút và giúp học sinh tiếp cận vấn đề nhanh hơn, dễ hiểu hơn. Đây cũng là “chiêu lấy lòng” học sinh hiệu quả được cô Thủy vận dụng suốt gần 20 năm xây dựng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Lê Minh Thư, học sinh chuyên Toán (khóa 2013 – 2016), đang học tập tại Cộng hòa Liên bang Đức đã hơn một lần chia sẻ rằng cô Thủy chính là người thầy đặc biệt nhất trong hành trình học phổ thông của mình.

“Ở cô Thủy, em luôn cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực. Sau này, khi đã đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người và trải nghiệm những lối sống khác nhau, em mới nhận ra nguồn năng lượng tươi trẻ đó vô cùng đáng quý. Em may mắn được dạy dỗ trong tình yêu và sự bao dung, chứ không phải nỗi sợ nếu chẳng may vấp ngã”, Thư cho hay.

Suốt gần 20 năm giảng dạy, cô Thủy đã đào tạo và dẫn dẵt hàng trăm học sinh giỏi Toán các cấp. Ảnh NVCC.
Suốt gần 20 năm giảng dạy, cô Thủy đã đào tạo và dẫn dẵt hàng trăm học sinh giỏi Toán các cấp. Ảnh NVCC.

Liên tục “làm mới” mình

Toán vốn là môn học nhiều người cho rằng khô và khó. Nhưng với cô Thủy thì không hoàn toàn vậy. “Tôi nghĩ, tất cả là ở người giáo viên, có đủ thu hút, có đủ hấp dẫn để khơi gợi hứng thú học Toán của trò hay không?!”,  cô Thủy nói.

Việc tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, thiết kế bài học hay và bổ ích, tạo được hứng thú học tập cho các em học sinh là điều cô Thủy luôn trăn trở trong suốt quá trình làm nghề. Đây cũng là động lực để cô liên tục sáng tạo, tìm tòi cách giải quyết hay và mới trong mỗi giờ lên lớp của mình.

“Ngay như công nghệ, thời tôi học không có điều kiện để tiếp cận, nhưng giờ những thứ đó lại gắn liền với cuộc sống thường ngày. Chính vì thế, bản thân tôi phải tự học, tự mày mò, thậm chí không ngại học từ các em. Tôi tận dụng chính nó làm công cụ đắc lực để có những sáng tạo trong giảng dạy thu hút học sinh”, cô Thủy chia sẻ.        

Giảng dạy tại một trường THPT Chuyên ở miền núi, sẽ khác rất nhiều so với những vùng thuận lợi khác. Đó là lý do cô Thủy luôn cho rằng, nếu chỉ yêu nghề thôi thì chưa đủ.

Năm 2011 – 2013, cô Thủy tiếp tục tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ, nhằm nâng cao kiến thức chuyên sâu, để đáp ứng yêu cầu của công việc. 2 năm theo học là khoảng thời gian duy nhất cô không trực tiếp tham gia đào tạo học sinh giỏi song vẫn gián tiếp cùng đồng nghiệp hướng dẫn các em mỗi khi cần.

“Mỗi giờ học Toán của cô đều rất nhẹ nhàng, tự nhiên và nhiều điều mới mẻ. Bọn em được truyền cảm hứng, phương pháp để chủ động hơn trong việc rèn luyện tư duy toán và đôi khi là sáng tạo ra cách tiếp cận hiệu quả cho mình”, Phạm Tố Uyên, học sinh lớp 11B3 cho hay.

Cô Trần Thị Thanh Thủy là một trong những giáo viên đi đầu trong tổ chức dạy học STEM ở Điện Biên. (Ảnh chụp năm học 2020 – 2021). Ảnh NVCC.
Cô Trần Thị Thanh Thủy là một trong những giáo viên đi đầu trong tổ chức dạy học STEM ở Điện Biên. (Ảnh chụp năm học 2020 – 2021). Ảnh NVCC.

Biến hóa với Toán bằng STEM

“Khi có sự thay đổi của Bộ GD&ĐT về chương trình giáo dục phổ thông mới thì tôi rất may mắn khi ở trong nhóm giáo viên cốt cán của tỉnh. Ngay từ đầu, tôi đã được tham gia các khóa tập huấn về đổi mới sách giáo khoa và chương trình phổ thông. Ở đó, tôi đã học và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân”, cô Thủy chia sẻ.

Từ những kiến thức nền, để có những sáng tạo trong giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh, cô Thủy đã tham gia nhiều nhóm dạy học tích cực thông qua nền tảng công nghệ để thường xuyên kết nối, chia sẻ.

Mỗi giờ học, cô Thủy đều tự biến hóa để làm sinh động hơn kiến thức nền. Nhất là việc hướng dẫn học sinh tổ chức hoạt động nhóm; thiết kế các poster, hình ảnh liên quan đến công thức toán. Mỗi học sinh được cô khuyến khích sử dụng thành thạo đồ họa, để thiết kế ra các sản phẩm, công cụ phục vụ học tập phù hợp với thẩm mĩ và nhu cầu bản thân.

“Mỗi học sinh tôi dạy đều tự sáng tạo cho mình 1 cuốn sổ tay về các công thức Toán. Nhiều em đã mang các sản phẩm đó đi thi các cuộc thi Khoa học kỹ thuật các cấp”, cô Thủy cho hay.

Không những vậy, theo cô Thủy, điều hết sức quan trọng là sự đổi mới đến từ chính Ban giám hiệu nhà trường. Cùng với việc khuyến khích giáo viên thì hàng năm trường đều tổ chức rất nhiều giờ dạy đổi mới phương pháp để giáo viên dự giờ, học tập và chia sẻ kinh nghiệm chéo. Từ đó cùng nhau đổi mới.

“Chúng tôi luôn tự hào khi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một trong những đơn vị giáo dục chất lượng hàng đầu của địa phương. Năm 2020 trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là thành quả cho sự nỗ lực của cả tập thể, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những nhà giáo sáng tạo như cô Thủy” – Thạc sĩ Bùi Thị Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ