Bài học sau một dự án dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn

GD&TĐ - Dạy học dự án tích hợp liên môn là một xu thế trong đổi mới giáo dục hiện nay. Phương pháp này giúp học sinh phát triển kiến thức và các kỹ năng thông qua những quá trình hiện thực hoá những kiến thức đã học trong quá trình thực hiện để tạo ra những sản phẩm học tập cho chính mình.

Học sinh trường Ban Mai trong dự án học tập trải nghiệm
Học sinh trường Ban Mai trong dự án học tập trải nghiệm

Mới đây, Trường THCS – THPT Ban Mai đã báo cáo dự án dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với chủ đề “Hành trình viếng Lăng Bác”. Dự án này dành cho tất cả học sinh khối 9, là cơ hội để học sinh được cùng làm việc, cùng trải nghiệm, cùng sáng tạo và cùng đưa ra những sản phẩm học tập, có sự vận dụng kiến thức của 4 môn: Ngữ Văn – Lịch sử - Địa Lý – Giáo dục công dân.

Chia sẻ của cô Trần Thị Thảo – Tổ trưởng Tổ Xã hội - người đồng hành, hướng dẫn và điều phối dự án: Trước ngày diễn ra chuyến trải nghiệm học tập tại Lăng Bác, các học sinh cùng thầy cô đã có nhiều buổi trưa không ngủ, dành rất nhiều thời sau giờ lên lớp để lên kế hoạch và đặt mục tiêu, lộ trình thực hiện dự án.

Sản phẩm của học sinh trong dự án học tập trải nghiệm
Sản phẩm của học sinh trong dự án học tập trải nghiệm 

Học sinh được chia vào các Ban để có thể phát huy hết khả năng, lực của bản thân: ban nội dung, ban kỹ thuật, ban hậu cần; ban lễ tân, ban văn nghệ. Mỗi ban đều có các thầy cô đồng hành, hướng dẫn và cùng trao đổi các ý tưởng để tạo ra sản phẩm học tập ấn tượng nhất.

Với bộ môn Ngữ Văn, học sinh được hòa mình trong không khí trang trọng, xúc động khi được đến thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là địa danh rất quen thuộc và học sinh đã được học văn bản “Viếng Lăng Bác” của Nhà thơ Viễn Phương. Nhưng chính từ những trải nghiệm thực tiễn kết hợp với bài học trên lớp đã giúp các học sinh hiện thực hóa một chuyến hành trình thăm Lăng bác bằng những thước phim tư liệu do học sinh tự quay, tự dàn dựng, kết hợp thuyết trình nghị luận xã hội bằng những lời dẫn đầy ý nghĩa, thể hiện cảm xúc kính yêu với lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Với môn Lịch sử, nhóm học sinh đã chủ động tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, quá trình Bác ra đi tìm đường cứu nước và vai trò của Bác trong sự nghiệp cách mạng dân tộc thông qua bộ phim tài liệu mang tên “ Hồ Chí Minh – Hành trình vạn dặm ”.

Học sinh nhóm Lịch sử đã sử dụng chất liệu vẽ tranh minh họa kết hợp lời dẫn thoại bằng tiếng Anh. Thông qua bộ phim, nhóm học sinh đã thể hiện niềm tự hào, lòng khâm phục ý chí nghị lực phi thường và khả năng vượt qua khó khăn, thử thách của Bác cùng với tình yêu và lòng biết ơn chân thành dành cho người anh hùng giải phóng dân tộc.

Bộ môn Địa lý, học sinh đã thể hiện được góc quan sát địa danh Lăng Bác cùng với các quần thể di tích xung quanh thông qua thiết kế mô hình Sa bàn. Từ đó giải thích được lý do vì sao Lăng Bác lại được lựa chọn ở địa thế giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Thông qua cách học sinh phỏng vấn người dân xung quanh, phỏng vấn khách tham quan du lịch người Việt Nam và người nước ngoài, học sinh hiểu được sâu sắc giá trị văn hóa vô cùng to lớn của khu di tích Lăng Bác. Đây không chỉ là địa điểm để người già, trẻ nhỏ học tập về tấm gương Hồ Chí Minh mà còn là không gian sống lành mạnh đối với mỗi con người.

Nhóm học sinh báo cáo môn Giáo dục công dân thì truyền tải tinh thần dân tộc, tinh thần “Bảo vệ Tổ quốc” trong mô hình sơ đồ đất nước Việt Nam với những câu trích dẫn nổi tiếng về tinh thần yêu nước của các bậc trí sĩ qua các thời đại. Từ đó, nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần bảo vệ Tổ Quốc, ý thức trách nhiệm của một công dân trước vẻ đẹp, trước giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị du lịch đối với một di tích, danh thắng như là Lăng Bác. Và từ đó các học sinh sẽ rèn luyện cho mình ý thức tự giác, ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương.

Mỗi nhóm, mỗi đặc trưng riêng, mỗi thế mạnh riêng và sự lựa chọn hình thức báo cáo cũng rất đa dạng và phong phú: vẽ sơ đồ, xây dựng sa bàn, phóng viên phỏng vấn, dựng video clip lịch sử…

Thầy Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Ban Mai – chia sẻ: Dạy học tích hợp liên môn là một xu thế trong đổi mới giáo dục hiện nay. Qua dự án học tập thành công của học sinh khối 9, năng lực của học sinh đã được ứng dụng, được phát triển rất rõ nét. Các học sinh khi đứng tự tin trên sân khấu đều làm chủ được các kỹ năng, lĩnh hội nhiều kiến thức đa dạng, liên môn.

Những phương pháp dạy học tích hợp liên môn này là nội dung chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành, phát triển để mang lại chất lượng giáo dục cao hơn cho nhà trường và mang lại các giá trị tốt hơn cho học sinh để các con thực sự phát huy hết năng lực của bản thân mình.

Qua dự án học tập, có thể thấy, phương pháp dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn đã mang đến cho học sinh cơ hội được lĩnh hội kiến thức một cách sâu, rộng và thật sự đa diện. Học sinh được phát huy các năng lực học tập của bản thân, khẳng định giá trị và tự tin học tập, được rèn luyện tư duy và khả năng chủ động kết nối tri thức các môn học một cách sáng tạo và nhuần nhuyễn.

Dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy khả năng, năng lực học sinh. Dạy học trải nghiệm sẽ đưa bài học đến gần với cuộc sống của các học sinh, qua đó sẽ cung cấp kỹ năng tư duy toàn diện để học sinh có thể kết nối kiến thức của các môn học với nhau nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...