Trao đổi về Phương án thi tốt nghiệp sau 2025

GD&TĐ - Chờ đợi gì ở Phương án thi tốt nghiệp sau 2025?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Phương án thi tốt nghiệp sau 2025 và đang xin ý kiến rộng rãi để góp ý cho Dự thảo.

Một số đồng nghiệp nói với tôi rằng: “Phương án này chẳng có gì mới, vẫn là 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn đã học”; “Vẫn là thi tốt nghiệp, vẫn nặng nề”;...

Rồi cũng có người than vãn rằng: Tại sao không bỏ kì thi ấy đi! Và lập tức có rất nhiều người khác lại nói: Không thi thì làm sao đảm bảo chất lượng, chẳng mấy ai tin học bạ, cho điểm ở trường học khi tất cả học sinh hầu như đều được đánh giá tốt, nhưng thực chất thì không phải thế, thi đại học thì điểm khác ngay.

Mới đây, một bộ phận dư luận “bất bình” vì nở rộ kì thi tuyển sinh vào đại học. Thế là lại quay lại ngày xưa sao? Và học trò lại vùi đầu vào luyện thi, thế thì đúng là nên bỏ thi tốt nghiệp. Vì đằng nào cũng gần như 100% thi đỗ tốt nghiệp mà!

Khác với nhiều người, tôi lại thấy nhiều điểm mới của phương án thi.

Tưởng tượng từ năm 2025, khi lứa học sinh đầu tiên học hết lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các em sẽ được TỐT NGHIỆP với những tiêu chí khác biệt với những lứa học sinh trước đó.

1. Các môn các em dự thi có dấu ấn của quá trình học tập, với các môn các em đã chọn từ lớp 10. Lựa chọn này là do các em tự chọn trong suốt 3 năm. Trong một trường học, sẽ có những bộ phận học sinh chọn các môn khác nhau, không phải sự “đồng phục” mà nhiều khi thầy/cô đại diện lựa chọn cho các em dựa vào “thời thế lớp 12” lúc đó.

2. Kết quả thi cũng được xét trên cả quá trình học tập đó, kết hợp với sự chủ động thi định kì ở địa phương ở các năm học trước. Các địa phương lúc đó có vai trò cao hơn, trách nhiệm sát hơn trong tổ chức thi và cả thực hiện toàn diện một số môn thi. Lúc đó chức năng khảo thí, đảm bảo chất lượng bắt buộc các Sở phải thực hiện tốt.

3. Công nghệ được áp dụng để kì thi trở nên linh hoạt cả về thời gian tổ chức và nội dung. Chắc hẳn điều đó sẽ xảy ra cùng với cam kết chuyển đổi số trong giáo dục. Ngân hàng câu hỏi phải được xây dựng, cho phép các tổ chức khảo thí tham gia, cụm địa phương có thể đại diện Bộ tổ chức thi;... Lúc đó, học sinh Việt Nam cũng sẽ giống như học sinh ở nhiều nước phát triển, sẽ cảm thấy kì thi này không căng thẳng, nhưng nó sát với việc học chiến lược của mình.

Bấy nhiêu thôi đã rất nhiều sự khác biệt.

Còn xét về việc thi đại học, hệ thống đại học của Việt Nam giờ đã khác, rất khác so với 10 năm trước. Sự tự chủ, phân hóa và phát triển cho phép cơ hội rộng mở. Đến nỗi, chỉ cần muốn học và có khả năng chi trả học phí thì ai cũng có thể vào học một đại học nào đó. Vì vậy, đừng áp đặt những phương thức cũ hoặc kì vọng về vai trò của kì thi đại học cho tất cả mọi người như trước nữa. Vì giờ đây, học tập suốt đời, mỗi người có khả năng và có cơ hội riêng của mình, phải đa dạng để rộng đường phát triển cho họ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Ba năm có thể làm được 1 kì thi tốt nghiệp như mong đợi!

Mong đợi những gì:

1. Ngoài 4 môn bắt buộc, chọn môn gì thì được thi môn đó.

Điều này là một thách thức. Bởi sẽ có tới tất cả 17 môn học được đem ra lựa chọn, nhưng với mỗi học sinh, thì họ sẽ phải chọn 2 trong số 4 môn đã lựa chọn trong suốt quá trình học ở THPT.

Điều này chỉ có thể làm được khi có sự đầu tư để có được ngân hàng câu hỏi sẵn sàng cho kì thi. Nếu vẫn nhận thức và đầu tư như cũ thì chắc lại chỉ có kiểu làm cũ.

2. Kì thi thật sự khách quan

Thực ra làm kì thi thật sự khách quan là không dễ. Chắc hẳn chúng ta đều nhớ đến đau xót của “môn Sinh”. Hay nỗi ám ảnh mỗi kì thi lại “nhốt chuyên gia ra đề”. Với một kì thi có tính chất như thi tốt nghiệp thì kiểu làm đề ấy đã rất lạc hậu rồi, làm sao khách quan cho được! Để khắc phục điều đó, lại cần đầu tư ngân hàng câu hỏi.

3. Dễ tiếp cận, linh hoạt

Làm sao để giảm bớt căng thẳng, kiểu “không được ốm, không được đến muộn... vì 12 năm học chỉ có 1 lần này thôi!”! Khi xã hội phát triển, thì đây là một đòi hỏi của người học cần được đáp ứng. Bởi nó giải phóng những lo lắng, sợ hãi không đáng có; tạo ra nhiều cơ hội hơn cho con người.

Mong đợi này cũng chỉ được thỏa mãn khi “kì thi luôn sẵn sàng: Đề đây, phòng thi đây” để có thể “tổ chức thi linh hoạt”.

Khách quan và ổn định

Nếu ai đó chưa quên chuyện “môn Sinh năm 2021” chắc sẽ đồng tình với tôi rằng, ở thời đại ngày nay, giữ cách ra đề bằng “mời chuyên gia” thì cũng khó đảm bảo khách quan. Đặc biệt, trong lúc công nghệ thông tin đã làm cho thế giới gần nhau đến nỗi, bài giảng của thầy A sẽ lan truyền trên mạng xã hội chỉ ngay sau buổi học luyện thi kết thúc; hoặc “cái cậu” CHAT GPT nào đó nữa... khiến bảo mật thông tin với kiểu đề chuyên gia thực sự không phù hợp.

Mỗi năm thí sinh đều ngóng: Đề mẫu, ma trận, môn thi... khiến cho cả xã hội căng thẳng đến nỗi cứ tưởng “thi mỗi năm lại khác”. Thế nên mong mỏi một thế hệ học Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không còn phải sở hữu tâm lí mong ngóng, thiếu niềm tin vào tính ổn định của kì thi tốt nghiệp thì thật cần giữ ổn định “các tiêu chí, tiêu chuẩn”, ma trận, kiểu đề, môn thi.

Sẽ làm được điều đó, nếu như có được ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn mực khoa học. Mỗi câu hỏi được rút ra từ ngân hàng đề thi đó, cho vào đề thi, cũng giống như rút tờ tiền ở ngân hàng ấy, chỉ biết giá trị thôi, còn chẳng mấy quan tâm đến tờ tiền đó từng qua túi những ai...

Nên nếu bình luận rằng cái gì sẽ quan trọng nhất cần được đầu tư để làm cho được trong tương lai, chuẩn bị cho thi tốt nghiệp 2025 - đối tượng dự thi là những học sinh đầu tiên học xong lớp 12 - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chính là xây dựng được ngân hàng câu hỏi cho tất cả các môn học. Bằng kinh nghiệm từ lịch sử thì có thể thấy việc này không dễ thực hiện!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ