Việc này sẽ diễn ra 1 lần, kéo dài khoảng 6 tuần để thí sinh có thời gian nghiên cứu, điều chỉnh. Khi đã đăng ký xong, thí sinh sẽ không có cơ hội để chỉnh sửa nguyện vọng như năm trước.
Không được điều chỉnh nguyện vọng
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), với phương án trên, năm nay sẽ không còn khái niệm đăng ký lần thứ nhất, sau đó đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT rồi điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Khác với năm trước, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu (bản giấy), nhưng năm nay dự kiến thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tán thành với điểm mới trên, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) – cho rằng: Dù Quy chế tuyển sinh có được điểu chỉnh, bổ sung như thế nào thì thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Vì thế, thay vì băn khoăn, lo lắng, ngay từ bây giờ các em cần tìm hiểu kỹ ngành nghề để xem mình phù hợp và yêu thích ngành nào. Các em nên ghi ra nháp những ngành, trường mà mình yêu thích. Tất nhiên, nên viết theo thứ tự ưu tiên: Ngành nào yêu thích và cảm thấy phù hợp nhất thì để ở nguyện vọng 1 và giảm dần theo mức độ.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, việc định hướng chọn nghề, chọn trường phải được chuẩn bị từ năm lớp 11, thậm chí là lớp 10. Thời điểm này là giai đoạn để các em “chốt”. Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm đăng ký xét tuyển vẫn còn nhiều, vì thế sĩ tử cần cân nhắc thật kỹ trước khi bấm nút. Để có cơ sở đăng ký xét tuyển, các em nên tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của những trường mà mình dự định học; trong đó cần quan tâm sâu đến những ngành mà mình sẽ xét tuyển.
“Các em không nên nghiên cứu tràn lan, rất dễ bị rối. Thay vào đó, chỉ tập trung tìm hiểu kỹ từ 2 - 3 trường và từ 5 - 6 ngành, mã ngành; sau đó đưa ra lựa chọn cuối cùng” - PGS.TS Bùi Đức Triệu khuyến cáo.
Cẩn trọng, tránh sơ sẩy
Trong quá trình tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu nhận thấy nhiều thí sinh vẫn bị nhầm lẫn giữa các nguyện vọng 1, 2, 3… Theo đó, nhiều em nhầm tưởng, để trúng tuyển nguyện vọng 2 thì điểm đầu vào phải cao hơn nguyện vọng 1. Điều này, vô hình trung ảnh hưởng đến việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng của thí sinh.
Thực tế, các cơ sở giáo dục đại học không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Hiện phần mềm xét tuyển vẫn theo thuật toán “lọt sàng xuống nia”. Tức là nếu thí sinh không đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ tự động xét các nguyện vọng tiếp theo. Nếu trúng tuyển sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Vì thế, thí sinh cần đăng ký nguyện vọng 1 là ngành, trường mà mình yêu thích nhất. Các nguyện vọng kế tiếp nên ghi cùng ngành đó ở trường có điểm chuẩn các năm trước thấp hơn, hoặc đặt ngành gần cùng trường.
“Khi đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh cần ghi lại thông tin, mật khẩu và phải bảo mật. Nếu sử dụng máy tính không phải của cá nhân thì sau khi đăng nhập tài khoản cần nhớ thoát ra” - PGS.TS Bùi Đức Triệu lưu ý.
TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) - khuyến nghị: Trước khi đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn các ngành, trường mà mình thích ở những năm trước, sau đó căn cứ vào lực học để đưa ra lựa chọn phù hợp. Dự kiến năm nay, sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, thí sinh mới đăng ký xét tuyển đại học.
Vì thế, thí sinh không nên chọn những ngành, trường mà một vài năm trước có điểm chuẩn quá cao so với mức điểm dự đoán của mình. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học mà mình dự kiến đăng ký để tránh sơ sẩy, dẫn đến bị “trượt oan”.
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cùng một số đơn vị khác tổ chức, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) - cho rằng: Nếu theo quy định mới về đăng ký xét tuyển (dự kiến áp dụng năm nay), thí sinh không còn cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng như năm trước.
Do đó, trước khi đăng ký xét tuyển, các em cần tìm hiểu, tham khảo thật nhiều thông tin (điểm chuẩn các phương thức khác nhau của những năm trước, cách thức xét tuyển, công thức tính điểm...).
Các em có thể vẽ ra biểu đồ rõ ràng, từ đó xác định “chiến thuật” đăng ký xét tuyển phù hợp. Thời điểm này, học sinh cần cân nhắc tìm hiểu, tính toán cẩn trọng để ra quyết định cuối cùng. Các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng ở nhiều phương thức khác nhau và cũng không nên vội vàng đăng ký xét tuyển sớm trong những ngày đầu của đợt đăng ký. Nhưng cũng không nên đợi đến ngày cuối cùng trong khoảng thời gian quy định mới đăng ký.
Tại hội nghị tuyển sinh năm 2022 được tổ chức mới đây, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay: Năm nay, dự kiến đăng ký xét tuyển sẽ được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Với phương thức này, thí sinh cần khai báo thông tin chính xác (địa chỉ email, số điện thoại, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của mình) để trong trường hợp quên mật khẩu đăng nhập tài khoản cá nhân sẽ được cấp lại. Mỗi thí sinh sẽ có mã định danh riêng; đó có thể là số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.