Nét mới trong mùa Phật đản sanh năm nay tại Huế đó là lễ rước được kết hợp song hành cùng với lễ diễu hành xe hoa. Hòa thượng Thích Huệ Ấn - Thành viên Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cùng chư tôn đức chứng minh Ban Trị sự tỉnh, đông đảo Tăng, Ni các chùa, tịnh xá, tịnh thất và bà con Phật tử các giới quang lâm tham dự.
Từ 16h, tất cả Tăng, Ni, Phật tử đã vân tập tại chùa Diệu Đế, đúng 17h30 lễ rước Phật chính thức được bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm, chuông trống Bát-nhã trầm hùng, Hòa thượng chứng minh niêm hương cử hành nghi thức tắm Phật.
Sau khi cử hành nghi lễ mộc dục tại lễ đài chùa Diệu Đế, tôn tượng của Đức Phật được chư Tăng cung nghinh lên đài xe hoa. Sau 3 hồi chuông trống bát nhã, từng đoàn xe nối đuôi nhau rực rỡ sắc màu, cờ đèn tôn vinh ngày đức Phật đản sanh diễu hành qua các trục đường chính của thành phố Huế. Hàng ngàn người dân xứ Huế đã tập trung hai bên đường để cung nghinh và chiêm ngưỡng đoàn xe.
Diễu hành xe hoa rước Phật qua cầu Trường Tiền |
35 chiếc xe hoa đưa Đoàn rước Phật đi qua cầu Gia Hội rồi từ từ tiến về chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo. Đoàn rước Phật tiếp tục rẽ trái qua cầu Trường Tiền trên dòng Hương giang 7 đóa sen hồng tỏa sáng lung linh màu nhiệm, đoàn xe hoa tiếp tục rẽ phải đến đài Thánh tử đạo, đi dọc đường Lê Lợi, lên đường Điện Biên Phủ rồi dừng lại đầu đường Sư Liễu Quán cung nghinh Ngài tôn trí tại lễ đài chùa Từ Đàm để Tăng, Ni Phật tử chiêm bái.
Những nơi đoàn xe rước Phật đi qua, hàng nghìn người dân, Phật tử xứ Huế đứng hai bên đường để được nhìn thấy tôn tượng Đức Phật.
Theo tìm hiểu, nghi thức diễu hành xe hoa có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngày xưa nghi thức này được gọi là “Hành Tượng” có nghĩa là dùng xe được trang sức bằng ngọc ngà châu báu, chở tượng Phật đi xung quanh khắp phố phường nhân lễ Phật Đản.
Trong sách Đại Tống Tăng Sử Lược ghi lại: “Hành Tượng là do từ khi Phật nhập Niết Bàn, nhiều vị vua cũng như đại thần, buồn vì mình không đủ duyên để được thấy Phật, cho nên tạo tượng Phật đản Sanh, hoặc là tượng Thái Tử, để lên xe đưa đi tuần du khắp thành để chiêm ngưỡng”. Và trải qua hàng nghìn năm, nghi thức diễu hành xe hoa tồn tại cho đến ngày hôm nay.