Đại biểu Quốc hội đề xuất đào tạo, bồi dưỡng cho lao động để phục hồi sản xuất

GD&TĐ - Thảo luận tại hội trường Quốc hội – ngày 9/11, nhiều đại biểu đề xuất nhiều giải pháp phục hồi sản xuất, trong đó có vấn đề đào tạo mới và đào tạo lại lao động.

Đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng)
Đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng)

Theo đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng), chúng ta cần xây dựng các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục sau đại dịch. Hiện, tỷ lệ lao động mất việc làm khá cao.

Việc người dân di cư hồi hương cho thấy, các doanh nghiệp khi khôi phục sản xuất sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, dẫn đến khó khăn rất lớn trong sản xuất và cung ứng dịch vụ.

“Do đó, chúng ta cần quan tâm việc đào tạo mới và đào tạo lại lao động thông qua các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại một số ngành, nghề, hình thành những ngành mới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp sắp tới phải đảm bảo dự báo được tình hình chuyển đổi nghề và đảm bảo tính định hướng” - đại biểu Trần Đình Văn đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, chúng ta cần chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa. Trong đó, triển khai hiệu quả công tác phân luồng các nhóm học sinh tham gia đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá các nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai để lựa chọn đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp có tính đón đầu xu hướng.

Đối với nguồn nhân lực hiện có, cần tăng cường công tác bồi dưỡng nhằm đáp ứng trình độ, tiêu chuẩn mà thực tiễn yêu cầu, tạo cơ hội để người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là cần có những chính sách khuyến khích giữ chân lao động chất lượng cao ở thị trường lao động trong nước, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.

“Đây là thực trạng đáng buồn đã xảy ra trong một thời gian dài. Thậm chí, chúng ta không chỉ đối diện với tình trạng nguồn nhân lực từ Việt Nam dịch chuyển ra nước ngoài, mà còn đối với khu vực công, giữ chân nguồn nhân lực có tài, có tầm cũng là một bài toán khó”- đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Đại biểu Tống Văn Băng (đoàn TP Hải Phòng)
Đại biểu Tống Văn Băng (đoàn TP Hải Phòng)

Đề cấp về tăng chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, có bằng cấp; đại biểu Tống Văn Băng (đoàn TP Hải Phòng) viện dẫn: Theo số liệu báo cáo, tổng số lao động của Việt Nam hiện có khoảng trên 49 triệu người.

Tỷ lệ đào tạo có bằng cấp chứng chỉ năm 2021 là 24,5%, dự kiến năm 2022 là 27,5%. Bên cạnh việc bổ sung nguồn lực lao động mới thì việc đào tạo người lao động hiện có cũng là một mục tiêu cần hướng tới.

Tuy nhiên, theo đại biểu Tống Văn Băng, hiện nay, công nhân lao động đi học còn có khó khăn về thời gian, khi thường xuyên phải làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập, hoặc doanh nghiệp cũng luôn đề nghị tăng thời gian để lao động thêm giờ.

Bên cạnh đó, kinh phí đào tạo hiện nay chủ yếu là do doanh nghiệp chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật lao động hoặc khi thất nghiệp thì xuất quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

“Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung việc hỗ trợ học phí cho công nhân lao động không thất nghiệp và lao động ở khu vực phi chính thức, để có thể hỗ trợ học phí, bên cạnh Quyết định số 17 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học phí cho công nhân lao động thất nghiệp” - đại biểu Tống Văn Băng đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ