Trân quý bản thân

GD&TĐ - “Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị” là tên của một trong bốn cuốn sách dành cho người khiếm thị và cũng là tên chương trình giao lưu vừa được diễn ra tại Đường sách TPHCM

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ba ấn phẩm còn lại cũng là sách chuyên dùng cho người khiếm thị và những ai quan tâm đến thế giới của họ: Những khái niệm cơ bản về khiếm thị, Phương pháp dạy chữ nổi cho thanh thiếu niên và người trưởng thành, Phương pháp dạy chữ nổi cho trẻ em.

Đây đều là giáo trình của Trường Khiếm thị Hadley School for the Blind (Ilinois, Hoa Kỳ), cho phép Mái ấm Thiên Ân chuyển ngữ và thầy giáo Nguyễn Quốc Phong - người sáng lập mái ấm Thiên Ân - là dịch giả chính.

Câu chuyện của hai vị khách mời tại buổi giao lưu là thầy Nguyễn Quốc Phong và cô Lê Dương Thể Hạnh chia sẻ về hoàn cảnh dẫn đến khiếm thị khiến ai cũng thấy thương cảm. Khởi đầu là một người sáng mắt nhưng do nghịch cảnh khiến họ phải sống phần đời còn lại trong thế giới không ánh sáng.

Với họ, những phản ứng nội tâm cùng sự tuyệt vọng thật khó chuyển tải bằng ngôn từ. Cũng chính họ là người cảm nhận sâu sắc nhất sự cần thiết của việc phổ biến các sách chuyên ngành, có nội dung tích cực cùng thông điệp lành mạnh cho người khiếm thị và cả người sáng mắt.

Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, thầy Nguyễn Quốc Phong ấp ủ việc làm sách này từ năm 1998 khi mới rơi vào tình trạng mù lòa, đồng thời được học hàm thụ với Trường Hadley School for the Blind và được tiếp cận giáo trình Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị. Và ông đã mất hơn 10 năm để hoàn thành bản dịch “nhờ phần mềm sách nói, nhờ máy tính, nhờ anh bạn cộng sự”.

Để bản bản dịch đến được với nhà xuất bản, nhờ cô Lê Dương Thể Hạnh vì có mối liên hệ gắn bó với NXB Phụ nữ Việt Nam để ấn hành; đồng thời, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) hay tin về chương trình xuất bản bộ 4 quyển sách cho người khiếm thị đã dốc sức tài trợ chi phi in ấn loạt sách này.

Đây thật là một duyên may hội tụ. Bản thân cô Thể Hạnh cũng từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi cơn bệnh quái ác đã đẩy cô vào trạng thái mù lòa.

Tuy nhiên, nhờ lời khuyên từ ông Phong và những người xung quanh, cô Hạnh đã vượt lên nghịch cảnh viết sách “Có một mặt trời không bao giờ tắt”, truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là giới SV - HS. Đồng thời, cô còn tham gia các chương trình dạy ngoại ngữ, hỗ trợ người khiếm thị.

Theo đại diện NXB Phụ nữ VN, cuốn sách “Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị” thật sự đã lay động biết bao cuộc đời và lấp đầy khoảng trống trong khối kiến thức chuyên môn của mỗi người. Vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm ở chỗ nó đã làm cho đường đời trở nên sáng sủa và dễ hiểu nhờ tính thiết thực cụ thể cho người khiếm thị, các gia đình, giáo viên và nhà tư vấn.

Bốn cuốn sách đã tạo thành bộ sách hữu ích và thiết thực không chỉ dành cho cộng đồng người khiếm thị mà còn dành cho cả những người bình thường, giúp họ có thêm những thông tin và hiểu biết, từ đó có sự sẻ chia cũng như hỗ trợ kịp thời và phù hợp. 

Làm sách để bán cho người sáng mắt đã khó. Làm sách dành cho người khiếm thị quả là đáng trân quý. Bởi, để trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị, cộng đồng người khiếm thị rất cần những sự sẻ chia và chung tay của người sáng mắt.

Như lời của cô Thể Hạnh tại buổi giao lưu “sự kiện sách Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị đã minh chứng cho điều đó. “Cám ơn những người thực hiện chương trình đã giúp tôi làm tròn sứ mệnh yêu thương ‘dấu gạch nối giữa hai miền sáng – tối’, đồng thời củng cố niềm tin ‘mù vẫn có thể… quậy được’”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...