Giáo viên là gốc rễ của sự chuyển đổi giáo dục
Ngày Nhà giáo Thế giới (tên Tiếng Anh là World Teachers' Day) được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề xướng năm 1994 và được tổ chức hàng năm vào ngày 5/10.
Trong lịch sử, ngày 5/10/1966, UNESCO đã thông qua Khuyến nghị về cương vị của giáo viên (Recmmendation concerning the Status of Teachers). Khuyến nghị là tài liệu quốc tế đầu tiên đề ra các tiêu chuẩn liên quan đến quyền và trách nhiệm của giáo viên, tuyển dụng giáo viên và các điều kiện dạy học.
Đến năm 1994, UNESCO quyết định chọn ngày 5/10 là Ngày Nhà giáo Thế giới nhằm mục đích vinh danh giáo viên trên thế giới và tầm quan trọng của nghề giáo đối với thế hệ tương lai. Năm 1997, UNESCO tiếp tục bổ sung vào khuyến nghị này các điều khoản liên quan đến giảng viên đại học.
Trong ngày 5/10, không chỉ tôn vinh các thầy cô giáo, UNESCO cũng đặt ra những thách thức, khó khăn mà giáo viên trên thế giới đang gặp phải, từ đó, các chuyên gia giáo dục đến từ các quốc gia sẽ cùng nhau thảo luận để tìm ra giải pháp.
Cùng với đó, UNESCO nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nghề giáo trong việc hướng tới xây dựng một xã hội bền vững và giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người.
Năm 2022, Ngày Nhà giáo Thế giới được tổ chức với chủ đề “Giáo viên là gốc rễ của sự chuyển đổi giáo dục” diễn ra tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chương trình kỷ niệm chính được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp và kéo dài 3 ngày. Chương trình gồm lễ trao Giải thưởng UNESCO-Hamdan cho các giáo viên xuất sắc cùng nhiều sự kiện giao lưu, trao đổi về vai trò của giáo viên. Trong đó có thể kể đến như cách thức bảo đảm điều kiện làm việc cho giáo viên, khả năng tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp...
Học sinh thế giới tổ chức nhiều hoạt động tri ân thầy cô giáo trong Ngày Nhà giáo Thế giới năm 2022. Ảnh Internet. |
Dịp tri ân các thầy cô giáo
Hiện nay, khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới như Armenia, Belarus, Canada, Đức, Nhật Bản... Để kỷ niệm ngày này, nhiều trường học trên thế giới tổ chức chương trình văn hóa cho giáo viên, tổ chức hội nghị xác định các vấn đề giáo viên phải đối mặt.
Đơn cử, tại Canada, các trường phổ thông kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới bằng cách tổ chức cho học sinh vẽ tranh, trang trí băng rôn, bảng hiệu chúc mừng thầy cô giáo. Những bức tranh nhiều màu sắc cùng với các lời yêu thương học sinh gửi đến giáo viên như: “Cảm ơn cô. Chúng con rất biết ơn cô”...
Tại Nga, vào ngày 5/10, học sinh, sinh viên các trường phổ thông, cao đẳng, đại học sẽ tặng hoa cho thầy cô, tổ chức tiệc, biểu diễn văn nghệ và nhiều hoạt động khác để chúc mừng Ngày Nhà giáo Thế giới. Phụ huynh được mời tham dự các hoạt động, buổi lễ tại trường. Không chỉ học trò cũ trở về thăm thầy cô giáo, giáo viên Nga cũng đến thăm trò cũ trong ngày kỷ niệm và cùng nhau chia sẻ về quãng thời gian đi học.
Bộ Giáo dục và Khoa học Nga sẽ phối hợp với Công đoàn Giáo dục Nga tổ chức cuộc thi “Nhà giáo của năm” để vinh danh các thầy cô giáo có thành tích xuất sắc.
Cùng tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới, nhưng tại Đức, việc tặng hoa, quà cho giáo viên không phổ biến. Phụ huynh, học sinh có thể tặng thiệp chúc mừng cho thầy cô mà họ yêu mến.
Tương tự Đức là Pháp. Trong ngày 5/10, mỗi trường tổ chức buổi hòa nhạc và bàn tiệc ngọt để giáo viên và học sinh cùng nhau thưởng thức trong không khí thân mật, dễ chịu. Phụ huynh sẽ chuẩn bị đồ ăn cho bàn tiệc ngọt và tham gia vào lễ kỷ niệm cùng nhà trường.