Trận ngập chưa từng có ở Đà Nẵng: “Lộ” những bất cập trong quy hoạch và hạ tầng đô thị

GD&TĐ - Trận mưa lớn kéo dài bất thường từ đêm mùng 8 cho đến hết ngày 9/12 khiến Đà Nẵng bị ngập nặng chưa từng có trong gần 100 năm trở lại đây. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, nơi thấp thì 20 - 30 cm, có nơi ngập sâu 1,5m; ô tô ngâm nước không chỉ ở các tầng hầm mà còn ở trên đường phố. Theo phân tích của các nhà chuyên môn, ngoài lượng mưa quá lớn còn có nguyên nhân liên quan đến quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị.

Đường Lê Duẩn - một trong các tuyến đường bị ngập trong trận mưa lớn kéo dài ngày 9/12 tại Đà Nẵng
Đường Lê Duẩn - một trong các tuyến đường bị ngập trong trận mưa lớn kéo dài ngày 9/12 tại Đà Nẵng

Nước chảy chỗ trũng

Đề cập hệ thống thoát nước của thành phố sau trận ngập lịch sử vừa qua, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng cho rằng: “Trước đây, vùng đồng ruộng ở Hòa Xuân, Hòa Quý là nơi chứa nước tự nhiên của cả thành phố. Khi thực hiện quy hoạch, khu vực này được đắp cao hơn, trở thành khu đô thị. Nếu để ý thì trong ngày 9/12, Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân không bị ngập, toàn bộ nước dồn về các khu vực nội đô của TP theo đúng nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”.

Có cùng nhận xét này, KTS Hoàng Quang Huy - nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng - cho biết: “Trong 5 năm gần đây, các ao hồ, chỗ trống ở Đà Nẵng gần như được các nhà đầu tư lấp hết, như Hòa Xuân vốn là rốn nước mà không biết trong quy hoạch, tính toán quản lý như thế nào lại để nâng nền làm đô thị. Quá trình đó, các nhà quản lý cũng không nghĩ đến những kênh tiêu thủy, ao hồ vốn có một cách tự nhiên”.

Theo KTS Hoàng Quang Huy thì Đà Nẵng có thể chọn khơi thông sông Cẩm Lệ và Túy Loan trước vì các hệ thống tiêu thủy liên quan nhau để trở thành bình thông nhau xử lý nước vào mùa mưa. Ông khẳng định: “Nếu thực hiện khơi thông 2 dòng sông này thì sẽ giải quyết được một phần việc ngập úng ở trung tâm TP Đà Nẵng vào mùa mưa”. 

KTS Hồ Duy Diệm cũng chỉ ra rằng, dù Đà Nẵng có thuận lợi là sông Hàn thấp nên nếu thiết kế hợp lý thì mưa lớn như ngày 9/12 vừa qua, nếu hệ thống cống thoát quá tải, nước mưa có thể tràn trên đường rồi chảy thẳng ra sông. “Nhưng do quy hoạch sai nên nhiều đường tuy cao hơn mặt sông nhưng không dốc ra sông hoặc bị đường gần sông cao hơn chặn dòng thoát nước” - ông Diệm phân tích. KTS Hoàng Quang Huy cũng cho rằng, không có chuyện mưa ngập là do hệ thống cống rãnh. “Mưa to như vậy, nước sẽ chảy tràn chứ không vào cống. Hệ thống cống dù có to mấy cũng không thể nào gom hết nước mà chủ yếu là nước sẽ chảy tràn” – ông Huy cho biết.

Trên Diễn đàn Quản lý đô thị Đà Nẵng, ý kiến của anh Nguyễn Ngọc Dũng - nhận được đồng tình của nhiều người: “Kiểm tra các hố thu nước ở đường Phan Thanh thì thấy hầu hết đều rất nhỏ và bị bịt lại hoặc đã bị nghẹt, dẫn tới nước không thể thoát nhanh được. Một số hố thu còn bị người dân dùng gỗ chắn lại hoặc đổ vữa xi măng bịt kín. Tôi và một số người đã tìm cách moi rác ở các hố thu, một số hố sau khi moi rác ra được thì nước chảy vào cống rất mạnh, thoát nước tốt, một số khác thì do hố thu quá dài, rác ở sâu bên trong không moi ra được nên không thể làm thêm gì được”. Tình trạng các hố thu bị người dân cố ý bịt miệng hố hoặc nghẹt do rác thải là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống cống thoát hoạt động kém hiệu quả.

Tách nước thải khỏi nước mưa để giảm tải

Trong chương trình HĐND với cử tri lần thứ 4 do Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức vào đầu tháng 11/2018, Chủ tịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, tháng 4/2019 tới, TP sẽ khởi công dự án xử lý nước thải phía Đông, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành. “Tuy nhiên, dự án này chỉ khớp nối ở khu vực từ Phạm Văn Đồng trở về quận Sơn Trà. Sắp tới sẽ nghiên cứu đưa nước thải sau khi xử lý chảy vào âu thuyền Thọ Quang thay vì chảy thẳng ra biển như hiện nay để tránh xói lở. Các khu vực còn lại sẽ tách hệ thống nước thải khỏi nước mưa để giảm tải, cho nước thải sau xử lý chảy về sông Hàn” - ông Thơ cho biết.

Đây cũng là gợi ý của KTS Hồ Duy Diệm khi đề xuất giải pháp chống ngập úng cho TP. “Thường thì hệ thống cống ở các cửa biển dù được xây nhưng lại bị bịt để nước thải không thoát ra ngoài. Khi trời mưa, đặc biệt là mưa lớn như vừa qua, nước đổ ra ào ạt làm sạt lở cả một đoạn bờ biển. Phải cho nước mưa có chỗ thoát riêng, nước thải thì đổ vào hệ thống cống, xử lý sạch mới được xả ra biển”.

Riêng KTS Hoàng Quang Huy thì gợi ý, Đà Nẵng nên tiến hành nạo vét ao hồ và sông. “Độ dốc của TP Đà Nẵng là khá lớn nên khi trời mưa liên tục đã kéo đất xuống lòng sông gây bồi lắng khá nhiều. Chúng ta phải tiến hành nạo vét để các dòng sông trở thành hệ thống điều tiết, đây là một giải pháp cần thiết để chống ngập. Đà Nẵng chưa bao giờ thực hiện nạo vét dòng sông, trong khi đó, TPHCM và Hà Nội đã thực hiện nạo vét 2 lần rồi” - KTS Hoàng Quang Huy phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.