Tràn lan quảng cáo sữa tăng chiều cao: Trò lừa đảo kinh điển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều người tin rằng, sữa là loại thực phẩm duy nhất giúp tăng chiều cao cho trẻ. Song, thực tế, sữa chỉ là một trong các nhóm thực phẩm cần thiết.

Trẻ 8 - 9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa. Ảnh minh họa
Trẻ 8 - 9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa. Ảnh minh họa

Không thể thay thế thực phẩm khác

Tìm kiếm trên mạng với từ khoá “sữa tăng chiều cao”, chỉ với nửa giây đã có hơn 23,5 triệu kết quả. Điều đó chứng tỏ, nhu cầu và mối quan tâm của các ông bố bà mẹ về chiều cao của trẻ là vô cùng lớn. Trẻ không chỉ cần tăng cân nặng, mà còn cả chiều cao.

Tuy nhiên, theo ThS.BS Ngô Thị Hà Phương - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng, sữa chỉ là một trong các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao trong bữa ăn của trẻ. Thực tế, sữa không phải là “siêu thực phẩm” có thể thay thế các thực phẩm khác.

“Bản thân sữa là một loại thực phẩm. Các loại sữa công thức cũng như vậy, là một loại thực phẩm trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ. Thành phần của 100ml sữa công thức pha sẵn trên thị trường cung cấp năng lượng là 74kcal, 3 gam đạm, 9,8 gam carbohydrat, chất béo khoảng 2,5g. Đồng thời, cung cấp khoảng 120mg canxi và 1mg sắt”, chuyên gia giải thích.

Với trẻ trong độ tuổi bú mẹ (dưới 2 tuổi), bữa ăn hằng ngày cần ăn đủ các loại thực phẩm từ ít nhất 5 trong số 8 nhóm thực phẩm khác nhau, bao gồm sữa mẹ. Cụ thể, 8 nhóm thực phẩm theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm khuyến khích chế độ ăn đa dạng bao gồm: Sữa mẹ; ngũ cốc, các loại củ; các loại đậu và hạt; các sản phẩm từ sữa (sữa, sữa chua, pho mát); thực phẩm từ thịt (thịt, cá, gia cầm, và gan/nội tạng); trứng; trái cây, rau quả giàu vitamin A; các loại trái cây và rau quả khác.

Viện Dinh dưỡng đã có khuyến nghị về sữa và các sản phẩm của sữa theo các lứa tuổi từ 3 tuổi trở lên. Trong đó, có đưa ra khuyến cáo tiêu thụ nhiều dạng chế phẩm của sữa bao gồm sữa dạng lỏng, sữa chua, và phô mai. Từ đó, nhằm tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng từ sữa.

Cụ thể, trẻ từ 3 - 5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ). Trẻ 6 - 7 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 250ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).

Trong khi đó, trẻ 8 - 9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).

“Quảng cáo sai sự thật, không những đối với sữa mà còn rất nhiều thực phẩm khác gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Khi quảng cáo là sữa tăng chiều cao, vô hình trung làm cho người mẹ tin tưởng đây là loại thực phẩm duy nhất giúp tăng chiều cao cho trẻ và ra sức tăng cường bổ sung loại thực phẩm này, trong khi sữa chỉ là một trong các nhóm thực phẩm cần thiết”, ThS.BS Hà Phương nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, việc tiêu thụ nhiều sữa sẽ làm giảm tiêu thụ các thực phẩm đa dạng khác như các thực phẩm nguồn gốc động vật gồm thịt, cá, trứng… và rau quả. Hậu quả là sẽ dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và kẽm. Trong khi đó, giá thành của các loại sữa tương đối cao, hơn các thực phẩm khác. Điều đó cũng làm tăng chi phí không cần thiết trong việc nuôi dưỡng trẻ.

“Phần lớn các sản phẩm “tăng chiều cao” như sữa tăng chiều cao được quảng cáo là giàu thành phần gồm vitamin D, canxi, phospho, protein, lysine… giúp cải thiện sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sữa không phải là thực phẩm duy nhất có chứa canxi, phospho, vitamin D…”, chuyên gia giải thích.

Theo ThS.BS Hà Phương, canxi còn có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc động vật khác như tôm, cua, cá. Thậm chí, khi so sánh lượng canxi của các thực phẩm đó còn có thể vượt trội hơn so với sữa.

Bản chất của quá trình tăng chiều cao

Tuy nhiên, theo ThS.BS Hà Phương, không thể phủ nhận rằng, sữa là thực phẩm giàu canxi, với tỷ lệ hấp thu tốt, giúp cho sự tăng trưởng của trẻ.

“Song, chúng ta cũng cần nhìn nhận đúng rằng, không phải trẻ chỉ cần uống loại sữa đó là có thể phát triển chiều cao, nếu không có chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, đa dạng thực phẩm, giàu vitamin và chất khoáng và cùng với đó là chế độ luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý”, chuyên gia cho biết.

ThS.BS Hà Phương nhấn mạnh, thực tế không có một loại thực phẩm nào được cho là “siêu thực phẩm”, trừ sữa mẹ. Do đó, mọi người cần nhìn vào bản chất của quá trình tăng chiều cao để có được quyết định đúng đắn nhất.

Chuyên gia này giải thích, cấu trúc di truyền đóng vai trò quan trọng trong quy định chiều cao. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chiều cao trong quá trình phát triển, bao gồm dinh dưỡng, hormone, mức độ hoạt động thể lực và tình trạng bệnh tật.

50% chiều cao của người trưởng thành được quyết định trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, từ lúc bà mẹ mang thai đến khi bé được 2 tuổi. Chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ mang thai để đảm bảo bé sinh ra không bị thấp còi từ trong bụng mẹ.

Trong giai đoạn trẻ bú mẹ, cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ để phát triển chiều cao, ngoài tập trung vào các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng (canxi, vitamin D, magie, phospho…) còn cần lưu ý sử dụng những thực phẩm giàu protein có chất lượng cao. Do đó, cần ưu tiên những thực phẩm có giá trị sinh học cao như thịt, cá, trứng, sữa, các loại thuỷ sản… Đồng thời, cung cấp chế độ ăn đa dạng thực phẩm cho trẻ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ