Trần gian xin trả lại

GD&TĐ - Nhạc sĩ Phú Quang qua đời là một sự kiện buồn, để lại bao niềm thương tiếc trong giới nghệ sĩ và người hâm mộ.

Nhạc sĩ Phú Quang để lại nhiều ca khúc đầy chất thơ về Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang để lại nhiều ca khúc đầy chất thơ về Hà Nội.

Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang có thể xem như khép lại một giai đoạn âm nhạc về đề tài Hà Nội. Không chỉ có vậy, người đàn ông gốc Hà Nội thanh lịch với những ca từ trầm lắng, giàu chất trữ tình đã khép lại cả một trời thơ mộng mà đượm buồn, như trong “Nỗi nhớ mùa đông”: Chiếc lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi.

Sinh ra để viết về Hà Nội

Sự nghiệp hoạt động âm nhạc của Phú Quang để lại kho tàng với 600 ca khúc, đa phần viết về Hà Nội. Đó hầu hết là những dòng hồi ức, nỗi nhớ nhung được viết khi nhạc sĩ tha hương ở Sài Gòn trong thời gian hơn 20 năm.

Phú Quang từng nói: “Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng, tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”. Ông đưa phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, heo may, góc phố quen... vào nhạc của mình, từ đó vẽ nên một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn đầy chất thơ.

Nhạc sĩ nói dù đi đâu ông cũng mang theo Hà Nội trong lòng. Hà Nội của ông không có xe cộ tấp nập, kẻ bán người mua mà tĩnh lặng, lãng đãng mơ hồ. Mảnh đất ấy ghi dấu những mối tình đã qua nhưng khó phai mờ ở từng góc phố, quán quen, con đường...

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là phổ thơ nhưng lời thơ hòa quyện với âm nhạc như để nói nỗi lòng mình. Mỗi bài hát của ông đều có dáng dấp một cô gái nhưng chẳng bao giờ biết đó là ai. Bởi vì, dù đó là cô gái nào, người nghe vẫn cảm nhận được sự nuối tiếc, hoài niệm của chàng trai lãng mạn.

“Em ơi Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa/Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm” (Em ơi Hà Nội phố).

Phú Quang có sự đồng cảm với thi tứ của những nhà thơ truân chuyên, thậm chí bị số phận vùi dập. Ông chắp cánh cho câu thơ bước ra ánh sáng, để nhà thơ được hiện diện như một quyền lực sáng tạo thay vì trong bóng tối. Phú Quang thường lựa chọn những câu thơ biểu đạt trạng thái cảm xúc dị biệt, dù là của nhà thơ thế hệ tiền bối như Lê Đạt (Bóng chữ) hay lớp thơ hiện đại như Vi Thùy Linh (Dòng sông không trở lại).

Thế nhưng, ông “hợp tạng” hơn cả với những gì thuộc về Hà Nội: Nỗi nhớ mùa đông (Thảo Phương), Im lặng đêm Hà Nội (Ngọc Liên), Hà Nội và em khi thu chớm đông sang (Chu Hoạch), Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ (Thái Thăng Long).

Chăm chỉ làm đêm nhạc riêng, nhưng chương trình nào Phú Quang cũng rất kỹ lưỡng. Ông thường chọn thời điểm cuối thu sang đông để tổ chức đêm nhạc vì cho rằng, thu muộn là một khoảnh khắc ngắn ngủi trong mùa thu Hà Nội - khi những cơn gió heo may bất chợt ùa về, khẽ chạm vào vai áo, gây rung động sâu thẳm nhất trong mỗi con người.

Một trong những ca sĩ quen thuộc trong các liveshow của nhạc sĩ Phú Quang, ca sĩ Thanh Lam không khỏi bồi hồi: “Cháu nhớ những đêm hát chú cháu bên nhau. Chú đã để lại biết bao bản tình ca Hà Nội sẽ mãi trường tồn”.

Ảnh liveshow “Trong ánh chớp số phận” tổ chức 2019 được đăng trên fanpage Phú Quang sau khi ông qua đời vào sáng 8/12.

Ảnh liveshow “Trong ánh chớp số phận” tổ chức 2019 được đăng trên fanpage Phú Quang sau khi ông qua đời vào sáng 8/12.

Vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa

Ngày 9/12, gia đình nhạc sĩ Phú Quang cho biết, lễ tang sẽ được tổ chức từ 8 giờ đến 8 giờ 45 phút ngày 13/12 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu diễn ra cùng ngày, thi hài cố nhạc sĩ sẽ được an táng tại công viên tưởng niệm Thiên Đức (Phù Ninh - Phú Thọ).

Nổi tiếng khó tính và thẳng thắn, Phú Quang không ngại góp ý cho các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, ai cũng thấy đó là những lời nhận xét quý báu từ một nhạc sĩ tài hoa. Nhờ những góp ý của ông, nhiều người xây dựng được tên tuổi trong làng nhạc Việt.

Hát nhạc Phú Quang từ khi mới vào nghề, Ngọc Anh 3A được nhạc sĩ xem như con cháu, tận tình khuyên răn cách đối nhân xử thế. Hồi còn trẻ, chị vô tư mặc đồ gợi cảm trên sân khấu, Phú Quang không trách móc, chỉ ôn tồn nhắc nhở không nên ăn diện hở hang.

Tùng Dương sau “Sao Mai điểm hẹn 2004” nổi lên với phong cách ma mị, chuyên tâm dòng dân gian đương đại - đối nghịch với chất lãng mạn, sang trọng của âm nhạc Phú Quang. Lúc tập luyện, ông ở bên cạnh nghiêm khắc gò anh từng câu hát.

Thu Phương từng bị Phú Quang “mắng” trên truyền hình vì quá phiêu mà hát sai một nốt nhạc. “Nhạc của tôi không vặn vẹo uốn nắn được. Khi viết, tôi đã phải trăn trở rất nhiều để có được nốt nhạc ấy”.

Hầu hết cuộc gặp gỡ báo chí trước show diễn của Phú Quang đều diễn ra quanh bàn cà phê, không rườm rà. Ở tuổi ngoài 70, đôi khi ông có phần đãng trí, kể đi kể lại một câu chuyện đầy hài hước. Nhưng người ta luôn chăm chú nghe với tất cả lòng ngưỡng mộ nhiệt thành.

Phú Quang từng tâm sự rằng, tâm hồn lãng mạn của mình được thừa hưởng từ cụ thân sinh Nguyễn Phú Bình – một nhà nho dạy học ở Sơn Tây. Mẹ ông là cụ Mai Thị Chi – con gái một viên quan huấn đạo. Chất thơ trong nhạc Phú Quang phần nào bắt nguồn từ những câu ca dao tục ngữ, mà bà cụ thường đọc để khuyên bảo con cái.

37 tuổi, Phú Quang khăn gói vào Nam lập nghiệp. Nhờ chuyến đi này, mà nỗi nhớ Hà Nội đã trở nên da diết, có lúc quằn quại vật vã và để lại những ca khúc bất hủ về Hà Nội. Điều này ở Phú Quang, có lẽ phần nào tương đồng với cố nhà văn Vũ Bằng khi sống giữa Sài Gòn mà nhớ về Hà Nội.

Phú Quang đi xa, tin tức ấy làm chùng lòng nhiều khán giả hâm mộ và giới nghệ sĩ Việt trong mùa đông này. Thế nhưng, đó là quy luật không thể khác, đúng như trong “Lời rêu” ông viết: “Ngày mai ta bỏ đi/Trần gian xin trả lại...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.