Theo hành trình đổi mới, sáng tạo

Trần Đăng Khoa riêng một Đảo Chìm

GD&TĐ - Viết về người nổi tiếng, nhà thơ, nhà báo, “thần đồng” Trần Đăng Khoa ư?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tham gia lễ động thổ xây dựng trường mẫu giáo Lang Thíp.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tham gia lễ động thổ xây dựng trường mẫu giáo Lang Thíp.

Biết mở đầu thế nào, khi đã có rất nhiều bài viết hay về ông, nhiều người hâm mộ trọng tài ông.

Gia tài báo chí và văn chương của Trần Đăng Khoa giàu có, phong phú. Trần Đăng Khoa có một vị trí đặc biệt trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Rất nhiều chất liệu để viết về ông. Song cũng giống như trong hội họa chân dung, điều mấu chốt nhất không phải là vẽ giống vẽ đẹp mà chính là bắt được cái hồn, cái thần thái khí chất nhân vật.

Và như thế thì lại càng khó. Bởi Trần Đăng Khoa mộc mạc đấy, chân chất đấy nhưng cũng đầy biến ảo.

Nên thôi. Ai chứ với lão Khoa cứ phải “từ từ rồi tính”. Hãy bắt đầu với “Đảo Chìm” – cuốn sách được tái bản năm nay của lão. Tính từ lần in đầu tiên, qua hơn hai mươi năm, “Đảo Chìm” đã được in tới lần thứ 45, “hot” chẳng kém tập thơ đầu tiên “Góc sân và khoảng trời”. Một kỷ lục trong xuất bản ở xứ mình.

Lão tự gọi tên thể loại cho “Đảo Chìm” là “tiểu thuyết mini”. Gọi “mini” chắc hẳn là khiêm tốn, chủ động phát đi tín hiệu về dung lượng cuốn sách chưa đến 100 trang in. “Mệnh đề” chính nằm ở từ “tiểu thuyết”. Dù nó ngắn, nó “mini” thôi, nhưng là tiểu thuyết nhé, không phải truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài. Tiểu thuyết có đặc trưng riêng, tầm vóc riêng so với các thể loại văn xuôi khác.

Vậy nên, tự xác định thể loại cho “Đảo Chìm”, lão biết giá trị của đứa con tinh thần từ khi còn ở dạng bản thảo. Lần xuất bản thứ 45 này, trong bối cảnh văn học đương đại, văn học trẻ như đang thắng thế các cây bút “già”, tự tác phẩm này đã khẳng định vị thế của mình.

Mở rộng ra, trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội hiện tại, khi nhân loại vừa đi qua trận dịch lịch sử với những con Corona không thể quan sát bằng mắt thường mà lấy đi mạng sống hàng trăm triệu người, gây sóng gió cả những quốc gia hùng mạnh nhất, khi những cuộc tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên không ngừng gia tăng giữa các quốc gia, lại thấy nghẹn ngào hơn, yêu thương hơn, cảm khái hơn những trang viết của Trần Đăng Khoa. Những trang viết được gọi ra, được cô đặc từ muối biển, từ máu - nước mắt - mồ hôi những người lính đảo của gần 50 năm về trước, trong đó có những người lính vĩnh viễn nằm lại đại dương, xương thịt tuổi 20 vĩnh viễn hòa vào lòng biển.

* * *

Trong những năm tháng tuổi trẻ, Trần Đăng Khoa đã có may mắn dự phần vào cuộc sống ở Trường Sa, ở Đảo Chìm (Đảo Thuyền Chài), hòa vào cuộc sống ấy với tư cách một người lính hải quân. Và Trần Đăng Khoa có bổn phận phải viết về cuộc sống ấy, viết về những người đồng đội, viết về những khoảnh khắc gian lao và anh dũng, và thiêng liêng.

Chớp lấy khoảnh khắc, bắt lấy chi tiết là cách viết sở trường của Khoa. Ở góc độ bố cục, lão xây dựng “Đảo Chìm” với 15 chương. Mỗi chương là một câu chuyện kể độc lập. Mỗi chương nắm bắt một ý tứ, khai thác từng chi tiết đắt giá. Về tiểu thuyết mini này, đã có nhiều nhà văn, nhà phê bình dành cho nó những lời khen ngợi như “kiệt tác”, “thần bút”. Lượng tương tác từ người đọc, đặc biệt từ phía những người lính, cựu binh Trường Sa đã chứng tỏ sức chạm, sức cuốn hút của văn xuôi Trần Đăng Khoa. Không chỉ thơ mà cả ở văn xuôi, Khoa luôn biến ảo, linh hoạt như phù thủy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong trang phục lính hải quân. Ảnh: FBNV

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong trang phục lính hải quân. Ảnh: FBNV

Gọi lão là phù thủy, bởi với riêng “Đảo Chìm”, chẳng ai có thể kể tường tận diễn biến cốt truyện theo lẽ thông thường: Nhân vật chính là gì, cốt truyện ra sao, diễn tiến thế nào… Nếu có kỳ công xâu chuỗi, móc nối, thì chính người kể sẽ thấy sự rời rạc, gò ép trong ngữ điệu của mình. Nhưng nếu để “Đảo Chìm” ùa ra trước mắt, qua từng chương, từng chương sẽ cười rinh rích, cười rung cả rốn, rồi lại ầng ậng ở mắt, nghèn nghẹn ở cổ, và với người mau nước mắt có thể nấc lên khi dòng cuối cùng của cuốn sách này khép lại. Một lần như thế. Và lần sau lại như thế.

Với tài sắp xếp câu chữ cấu tứ ấy, chẳng gọi Trần Đăng Khoa là “phù thủy” thì gọi là gì?! Viết ngắn, đấy cũng là chủ đích của Khoa. Bởi lão từng tiết lộ trước khi hoàn thiện “Đảo Chìm” như hiện tại, bản thảo của lão lên tới hơn 300 trang. Sau đó lão gỡ ra, viết lại, dồn lại, nén lại, thay đổi toàn bộ kết cấu. Công việc này gợi liên tưởng tới công việc của một kiến trúc sư quyết định sáng tạo lại bản thiết kế, thay đổi toàn bộ kết cấu và công năng sử dụng; hay công việc của người thợ làm muối kiên nhẫn đợi chờ từng hạt mặn kết tinh từ nước biển.

So sánh công việc của một nhà văn với công việc một kiến trúc sư, hoặc mộc mạc hơn là công việc của người thợ làm muối, hẳn ai đó mếch lòng. Nhưng với lão Khoa thì không. Vì lão là phù thủy nhân hậu. Và quan trọng hơn, lão lọc lõi, thấu suốt lòng người. Lão thừa từng trải để thấm thía những biến ảo ở cõi nhân thế này.

Thế nên, được ví là kiến trúc sư, hẳn lão sẽ rất khoái. Được ví là thợ làm muối, hẳn lão vô cùng tự hào, đắc ý, thậm chí là kiêu ngạo.

Ta có thể thiếu muối một ngày, nhưng có thể thiếu muối nhiều ngày không? Biết ơn hạt muối, ta biết ơn những người thợ làm muối. Và tôi đọc thơ văn của Trần Đăng Khoa, những bài báo của Trần Đăng Khoa với tâm thế ấy. Còn gì nhạt nhẽo hơn nếu văn chương nói riêng, chữ nghĩa nói chung không mang vị đằm mặn của muối. Cái ý nghĩa của nghề, cái cao quý của nghề này cũng chính nằm ở sự đằm mặn ấy.

* * *

Có người từng nói, nhà thơ Trần Đăng Khoa về hưu ở tuổi lên 10. Đây hẳn là câu đùa không mấy thiện chí, nhưng mặt khác cũng gián tiếp khẳng định tài năng, độ nổi tiếng của Khoa. 10 tuổi mà đã hoàn thành sứ mệnh, bổn phận của người ở tuổi hưu (ở nước ta vốn là 60 tuổi với nam giới), thì nhiều người viết đang U60, U70 cũng phải giật mình nhìn lại bản thân.

Cũng theo câu nói đó, thì Trần Đăng Khoa tuổi khai lý lịch 1958, 10 tuổi đã nghỉ hưu là khoảng 1968. Vậy mà đến nay, bước sang thế kỷ 21 được gần 1/4 thời gian rồi, thơ của lão, văn xuôi của lão vẫn được tái bản đều đặn. Tên tuổi lão vẫn hiện diện ở nhiều không gian cả thực cả ảo. Người viết bài này từng chứng kiến một lần lão đang đứng cùng mấy người bạn văn ở sân trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)), một phụ nữ đạp xe qua, nhìn thấy lão bèn phóng thẳng vào, nằng nặc đòi chụp với lão một kiểu ảnh. Lão cười toe, vui vẻ nhận lời.

Nhưng thôi, cũng chẳng nên nói nhiều về những nội dung thiếu tích cực. Trần Đăng Khoa vốn đã quen với thị phi, đôi khi buộc phải hài hòa giữa những thị phi. Âu cũng là điều mà một người sớm nổi tiếng như lão phải chịu.

Bìa cuốn “Đảo Chìm” in lần thứ 45.

Bìa cuốn “Đảo Chìm” in lần thứ 45.

Thử tưởng tượng một đứa trẻ độ tuổi lên 10, sống ở vùng quê thuần nông Bắc Bộ những năm 60 thế kỉ trước. Cha mẹ là nông dân. Nhà nghèo, lo ăn đã khó nhọc. Làng quê quanh năm không có điện, không có phương tiện thông tin giải trí nào khác ngoài chiếc đài nhỏ và những cuốn sách của anh trai. Cậu bé ấy vụt nổi tiếng, không chỉ trong nước mà cả thế giới cũng biết đến như một hiện tượng, một thần đồng xứ Việt – xứ sở đang chiến tranh loạn lạc. Bao nhiêu người đến thăm hỏi, bao nhiêu người thử thách, bao nhiêu người quan tâm, trong đó có cả những người nổi tiếng, những cây đa cây đề của văn chương hiện đại. Cậu bé ấy không bị “sốc” về tâm lý, không trở nên ngạo nghễ - nội chi tiết ấy đã thể hiện một bản lĩnh rồi.

Sau này lớn lên, Trần Đăng Khoa lại không đi theo con đường khoa bảng mà trở thành người lính thuộc biên chế Bộ Tư lệnh Hải quân, dẫu không trực tiếp chiến đấu nhưng đã có mặt ở nhiều nơi sóng gió, hiểm nguy, mà sự hiện diện của lão ở tuyến đảo Trường Sa sau năm 1975 là một ví dụ cho thấy dù là chủ động hay không được chủ động lựa chọn thì lão cũng đã sống, đã hành xử đúng chất một công dân đầy trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân, và trọn vẹn với đồng đội.

Một lần gặp lão, sau những lời bông phèng, lão chợt chùng giọng: “Trước khi trở thành người lính, mình vốn nghiêm túc lắm. Nhiều người gọi mình là “ông cụ non”. Thơ mình viết cũng nghiêm túc, thậm chí có màu sắc chính trị rất rõ rệt. Không phải mình cố tình, vì trẻ con làm sao ý thức được điều ấy. Nhưng đời sống của chúng ta những năm 60 – 70 của thể kỉ trước là đời sống chính trị. Cả xã hội như vậy, và mình đâu nằm ngoài. Sau này, khi vào lính thì mình mới có chất hài hước. Từ đó tạo thành giọng điệu, phong thái con người, kể cả văn chương của mình trong giai đoạn thứ hai. Bây giờ Trần Đăng Khoa là một gã vui vẻ, hài hước, nhưng đằng sau tiếng cười ấy là những nỗi niềm khác thẳm sâu. Cái đấy mới đúng là Trần Đăng Khoa”.

Phải, để hiểu kỹ càng Trần Đăng Khoa không dễ, nhưng để cảm được cái tinh thần của lão thì không cần phải dụng công. Đằng sau những câu đùa hóm hỉnh, đằng sau vẻ chất phác nhà quê là một Trần Đăng Khoa với nhiều suy tư. Đấy cũng không phải điều khó hiểu. Bởi nếu không ngừng trăn trở trước thời cuộc, trước số phận con người thì tiếng nói của trí thức, văn nghệ sĩ đâu còn hồn vía. Nó sẽ nhạt nhẽo, vô duyên, mua vui chắc gì được vài trống canh.

Quãng thời gian mặc áo lính, quãng thời gian “dự phần” ở Đảo Chìm, ở Trường Sa đã góp phần làm nên “da thịt” Trần Đăng Khoa. Trong thẳm sâu lão luôn biết ơn đồng đội, biết ơn máu – nước mắt và muối biển ở Trường Sa. Lão hay mặc áo lính, ăn uống đơn giản và làm việc đều đặn. Lão hay cười nói, góp mặt chỗ nọ chỗ kia, dáng người thấp tròn mà bước đi rất nhanh. Trước đó, lão đã thức dậy từ ba giờ sáng để viết và bảy giờ sáng bắt đầu ra khỏi nhà. Lão luôn kè kè iPad và iPhone đời mới. Khi cần, lão lại đưa điện thoại lên nói vài câu. Tự nó rải thành văn bản làm chất liệu cho lão hoàn thiện bài viết.

Cũng chính vì lòng biết ơn đồng đội, nên lão luôn nhiệt tình với người khác. Bản chất Trần Đăng Khoa rộng lượng, nhân hậu, đôi khi xuề xòa. Lão hay âm thầm làm việc thiện. Cả những ai từng cư xử không đẹp với lão vẫn được lão giúp lại. Và lão vui vì điều ấy. Tất nhiên đôi khi có thất hẹn, thì cũng nên thông cảm rằng thời điểm ấy lão quá bận rộn, hoặc có thể lão đang rơi vào trạng thái trầm cảm, chán ngấy những xã giao, chán cả chính mình.

Ở tuổi gần 70, về cơ bản lão hài lòng. Một “nhan sắc” ổn định. Một gia đình nhỏ yên ấm với người vợ tận tụy và hai cô con gái xinh xắn. Lão giấu biệt vợ con những câu chuyện liên quan đến thơ văn, chăm chỉ với nghĩa vụ của một người chồng, người cha trụ cột về tài chính và tinh thần. Lão cũng giấu biệt, chẳng bao giờ bốc đồng chuyện gia đình với thế giới bên ngoài. Thi thoảng, hứng chí lên, Trần Đăng Khoa lại giơ máy ảnh lách tách. Những tấm hình vợ con được lão lưu lại, để lúc cô đơn nhất, lão lại giở ra ngắm nghía.

Có một Đảo Chìm ở trong lòng lão. Mãi mãi. Thiêng liêng.

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa sinh năm 1958 tại làng Điền Trì (Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương), Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001. Hiện, ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...