Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc có thể rơi xuống New York

GD&TĐ - Trạm Thiên Cung 1 đang rơi mất kiểm soát, với hóa chất độc trên tàu, có thể đâm xuống một trong những thành phố lớn, trong đó có New York.

Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc có thể rơi xuống New York

Trạm vũ trụ thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc, Thiên Cung 1, sẽ rơi trở lại khí quyển trong thời gian từ ngày 30/3 đến 6/4, theo các chuyên gia.

Những khu vực trạm có khả năng rơi xuống cao nhất nằm dọc một dải hẹp giữa 43 độ vĩ bắc và 43 độ vĩ nam, trong đó có nhiều thành phố đông dân như New York, Barcelona, Bắc Kinh, Chicago, Istanbul, Rome và Toronto.

Trạm Thiên Cung 1 dễ rơi xuống những thành phố trên nhất do bay song song với xích đạo. Từ tầm quan sát trên Trái Đất, trạm có vẻ như đang bay chậm hơn phía trên các khu vực có nguy cơ rơi cao do vị trí tương đối của trạm so với Trái Đất, dù tốc độ của nó vẫn ổn định. Vì trạm mất nhiều thời gian hơn để bay qua bề mặt Trái Đất ở khoảng vĩ độ này nên khả năng rơi xuống đây sẽ cao hơn.

Trạm vũ trụ 8,5 tấn đang lao về phía Trái Đất sau khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát vào năm 2016 được cho là chứa hóa chất hydrazine nguy hiểm.

Các nhà khoa học chỉ biết chính xác ngày và địa điểm mảnh vỡ rơi trong những tuần rơi cuối cùng của trạm. Giải thích về điều này, tiến sĩ Hugh Lewis, giảng viên cao cấp ngành Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ ở Đại học Southampton so sánh quá trình rơi của trạm với việc sang đường.

"Trạm vũ trụ Trung Quốc đang bay theo quỹ đạo gần giống hình tròn, với phần mũi tương ứng với xích đạo ở 43°. Nếu đặt đường bay này trên bản đồ Trái Đất, bạn sẽ có một đồ thị hình sin, với đường cong thấp hơn ở các vĩ tuyến bắc và nam và phần thẳng hơn chạy từ đông sang tây", tiến sĩ Lewis giải thích.

"Nếu tưởng tượng khu vực có nguy cơ thấp trên bản đồ là phần đường chúng ta đang cố gắng đi qua, cách nhanh nhất là đi thẳng sang đường theo góc 90 độ. Khi trạm vũ trụ bay qua xích đạo, nó đi qua rất nhanh.

Khi trạm bay qua khu vực xa hơn ở phía bắc và nam, nó đi theo một góc dốc hơn, gần như song song với đường. Trạm mất nhiều thời gian hơn để đi qua những vĩ độ này, đó là lý do vì sao nguy cơ trạm rơi xuống đây cao hơn", tiến sĩ Lewis nói.

Hầu hết dự đoán địa điểm va chạm của trạm Thiên Cung 1 đến từ Aerospace, một tổ chức nghiên cứu Mỹ ở El Segundo, California, chuyên tư vấn cho các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực bay vũ trụ. Theo Aerospace, trạm sẽ bay qua khí quyển Trái Đất hôm 4/4 với thời gian dao động trong khoảng một tuần. Các mảnh vỡ của trạm sẽ không rơi xa quá 42,7° độ vĩ bắc hoặc 42,7° độ vĩ nam.

Các khu vực an toàn do trạm Thiên Cung 1 không bay qua chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích bề mặt Trái Đất. Nơi có rủi ro đặc biệt ở bắc bán cầu là phía bắc nước Mỹ, bao gồm Boston, Des Moines, Detroit, Milwaukee, Philadelphia và Salt Lake City. Florence, Italy, Monaco City và Sochi, Nga, cũng nằm trong những khu vực rủi ro cao. Ở nam bán cầu, các thành phố khác có thể chịu ảnh hưởng là Trelew, Argentina, Christchurch, New Zealand, và Sapporo, Nhật Bản.

Các chuyên gia từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ở Paris, Pháp, đang theo dõi trạm Thiên Cung 1. Phòng Mảnh vỡ Vũ trụ của ESA ở Darmstadt, Đức, điều chỉnh lại dự đoán về thời gian trạm rơi từ 30/3 đến 6/4, thu hẹp từ ước tính trước đây là trong khoảng 29/3 - 9/4.

Dù phần lớn tàu vũ trụ sẽ bốc cháy khi rơi qua khí quyển, khoảng 10 - 40% mảnh vỡ có thể sót lại và chứa hóa chất hydrazine. Trong những tháng gần đây, trạm Thiên Cung 1 rơi nhanh dần với tốc độ hơn 6 km/tuần. Tháng 10 năm ngoái, tốc độ rơi của trạm là 1,5 km/tuần.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ