Đường một nơi, phí một nẻo
Từ ngày 18/12, nhiều tài xế và người dân sinh sống gần trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài đã tụ tập, vây quanh trạm với lý do trạm thu phí bất hợp lý. Các băng rôn được tài xế dán tại vị trí dễ quan sát trên xe như nắp capo, bên hông xe… với nội dung khá cụ thể như: “Phản đối Vietracimex thu hoàn vốn cho tuyến tránh”, “Yêu cầu Vietracimex dỡ trạm BOT này và chuyển về tuyến tránh”, “Không đi đường tránh sao lại phải trả tiền”… Có thể thấy, từ sau 9 giờ sáng 18/12, hàng chục xe dán các băng rôn này đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, xe đi qua trạm đã dài thành hàng. Có thời điểm, nhiều tài xế và người dân đã đứng tập trung tại trạm.
Trước diễn biến đó, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự đã được huy động đến bảo đảm giao thông và an ninh xung quanh trạm. Tuy nhiên, cuối ngày 19/12, các thanh barie chắn ngang cửa soát phí bị một số chủ phương tiện nâng, gác sang một bên. Nhiều xe đi qua trạm được tài xế, người dân đứng hai bên vẫy cho đi qua. Trong ngày 20/12, nhân viên ngồi trong các cabin thu phí không thể bán vé, thu tiền của chủ phương tiện qua lại.
Tài xế Nguyễn Quang Tiến, lái xe tuyến Hà Nội – Yên Bái bức xúc nói: Hằng ngày chúng tôi lái xe qua trạm, trả phí đầy đủ nhưng không khỏi ấm ức. Trạm này lập ra là để thu phí cho đường tránh qua TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), chúng tôi có đi qua đó đâu mà phải trả tiền. Cùng với chúng tôi còn rất nhiều các chủ xe đi tuyến Thái Nguyên, Tuyên Quang gần chục năm nay cũng phải mất tiền oan…
Đến chiều 21/12, sau 4 ngày diễn ra sự việc chủ phương tiện và người dân phản đối việc thu phí tại BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, theo ghi nhận của phóng viên, mọi hoạt động thu phí đã tạm ngừng… Các phương tiện lưu thông qua trạm không phải trả bất kỳ một khoản phí nào.
Nan giải bài toán lợi ích
Trước những diễn biến phức tạp của vụ việc, Bộ GTVT vừa có công điện gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Theo đó, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác; khẩn trương phối hợp với Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 và các cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/2018 và Văn bản số 891/2018/BGTVT của Bộ GTVT và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/12/2018.
Trước việc người dân, tài xế bức xúc phản đối, thậm chí tự “xả trạm” trong một vài thời điểm gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, việc này là rất khó vì lãnh đạo Chính phủ từng chỉ đạo như trên để bảo đảm theo hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cũng cho rằng, Bộ GTVT từng hai lần có văn bản đề nghị di chuyển trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài nhưng không được đồng ý.
Gần đây nhất, hồi tháng 6/2018, TP Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị Bộ này tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Theo lý giải của TP Hà Nội, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài không phải là trạm thu phí dịch vụ hoàn vốn của đường Võ Văn Kiệt, mà là hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Người dân không sử dụng tuyến đường tránh, đặc biệt là khách du lịch, đi sân bay Nội Bài, nhân dân huyện Sóc Sơn vẫn phải nộp tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là không đúng.
Từ năm 2010 đến nay, TP Hà Nội đã hơn 10 lần đề nghị Bộ GTVT có phương án dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Trong các năm 2016 -2017, Bộ GTVT đã thống nhất di dời trạm này ra khỏi địa bàn Hà Nội bằng việc chuyển lên tuyến QL2 (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, sau đó đại diện Chính phủ khi đó là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có yêu cầu dừng việc này nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư theo hợp đồng.
Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, việc ký kết hợp đồng của Vietracimex 8 và Bộ GTVT là tồn tại của cơ chế cũ cách đây 10 năm. Tuy vậy, qua gần 9 năm, Vietracimex 8 đã hoàn được cơ bản vốn đầu tư. Trước những bất bình của nhân dân, chủ phương tiện các bên cần ngồi lại, đàm phán để đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên và lợi ích của nhân dân.