Trầm luân cuộc đời ngư dân trở về sau 20 năm mất tích giữa biển khơi

Một buổi chiều cuối năm 1994, bà Thơm như chết lặng khi một người quen từ Phú Quốc đánh điện về, báo hung tin chồng bà, ông Tiêu Viết Thảo đã bị rơi xuống biển, chết mất xác ngoài khơi...

Cụ Dương Thị Bông hạnh phúc bên con trai.
Cụ Dương Thị Bông hạnh phúc bên con trai.

Ngày ông đi, nhà quá nghèo nên chẳng có được một tấm hình nào của ông. Bà lặng lẽ làm đám tang cho chồng, chít lên đầu mấy đứa con vành khăn trắng và lấy ngày ông đi làm ngày giỗ hằng năm. Nhưng thật bất ngờ, 20 năm sau, ông Thảo lành lặn trở về trong sự ngỡ ngàng của vợ con và hàng xóm.

Chết đi, sống lại...

Trở lại xóm Hải Hòa (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi tìm đến nhà ông Tiêu Viết Thảo (56 tuổi). Trên con đường cát dẫn vào làng chài, chúng tôi gặp ông Thảo đang vác lưới trở về nhà từ một chuyến biển, sau 20 năm đi biển và "mất tích" ở xứ người, giờ ông Thảo lại trở về với công việc chài lưới quen thuộc.

Rít một hơi thuốc, ông Thảo ngập ngừng kể với chúng tôi câu chuyện ly kỳ của cuộc đời mình. Tháng 4/1979, ông tình nguyện đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. 

Sau 5 năm, ông trở về quê đi biển và lấy vợ là bà Lê Thị Thơm. Từ ngày lấy nhau, dù cuộc sống vô cùng vất vả nhưng nghèo hèn vẫn đeo bám hai vợ chồng, ông Thảo bàn với vợ đi vào Nam làm biển.

Ngày ông lên thuyền vào Phú Quốc, trong nhà không có nổi 1 ngàn đồng. Bà Thơm phải chạy đi vay một chỉ vàng cho chồng phòng thân. 

Nhìn đàn con bốn đứa nheo nhóc, đứa lớn mới hơn 6 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi cứ nhìn ông với đôi mắt ngấn nước, ông bảo vợ bán chỉ vàng được hơn 80 ngàn đồng, chỉ cầm đi một nửa, để lại cho vợ một nửa. Dứt áo lên đường, ông chỉ biết dặn vợ ở nhà cố gắng nuôi con, còn ông đi "đến khi nào có được 5 triệu đồng thì mới về!".

Cuộc mưu sinh với biển cả chẳng dễ dàng như ông tưởng. Quần quật làm lụng mà cũng chẳng dư dả được mấy đồng. Vì thế ông Thảo chẳng dám về nhà, chỉ biết chắt bóp, thi thoảng lắm mới gửi cho vợ được ít tiền. 

Rồi một lần, ông nghe nhiều ngư dân truyền tai nhau về việc phải đi câu mực và làm cho tàu nước ngoài mới mong có nhiều tiền. Nghĩ rằng đi biển thì tàu nào cũng như nhau, ông Thảo xin làm cho một tàu của Campuchia hành nghề câu mực trên vịnh Thái Lan.

"Ngay chuyến biển đầu tiên đã gặp bão tố, tôi không may bị rơi xuống biển giữa đêm. May mắn, tôi bám vào được một tấm ván thuyền và lênh đênh giữa biển mấy ngày trời, trước khi được một tàu cá của Campuchia cứu" - Ông Thảo nhớ lại. 

Kể đến đây, ông ngừng lại một chút, lấy tay đè lên ngực để ngăn cơn xúc động. Lên bờ, ông Thảo viết thư gửi về nhà nhưng không biết vì lý do gì lá thư không đến tay vợ ông.

Ở quê nhà, bà Thơm ngóng chồng trở về nhưng vẫn biệt tăm tin tức. Rồi một buổi chiều cuối năm 1994, bà như chết lặng khi một người quen từ Phú Quốc đánh điện về cho bà, báo hung tin ông Thảo đã bị rơi xuống biển, chết mất xác ngoài khơi. 

Ngày ông đi, nhà quá nghèo nên chẳng có được một tấm hình nào của ông. Bà lặng lẽ làm đám tang cho chồng, lặng lẽ chít lên đầu mấy đứa con vành khăn tang trắng và lấy ngày ông đi làm ngày giỗ hàng năm.

Về phần ông Thảo, từ khi xin được đi bạn (thuyền viên-PV) trên chiếc tàu cá Campuchia đã cứu mình, cuộc đời ông đã rẽ sang một hướng khác đầy cay đắng. 

Đi được mấy chuyến biển thì cũng là lúc chiếc tàu này vi phạm vào vùng biển Thái Lan, ông bị bắt khi vừa lên đất liền để bán mực, còn chủ tàu chạy thoát. 

"Lúc bị bắt, bạn tàu bỏ chạy tứ tán cả, một mình tôi đứng ú ớ giữa trời đất ngơ ngác chẳng biết mình bị bắt vì tội gì. Mãi sau này mới được thông báo rằng tàu Campuchia đã vi phạm vào hải phận và đánh bắt hải sản trái phép của nước bạn" - Ông Thảo kể.

Ông Thảo dừng lại, giọng bỗng trở nên xa xăm, ký ức buồn ngày tha hương như chợt ùa về. Ông bảo, đó chính là thời gian mà ông nhớ nhà, nhớ quê hương hơn bao giờ hết. 

Chẳng rõ là thời gian nào, ông cũng không biết mình đã bị bắt giữ tại Thái Lan bao lâu nữa. Ông chẳng còn ý niệm gì về thời gian, không gian bởi đó là quãng thời gian dài đằng đẵng, ông bị đưa qua rất nhiều địa phương.

Một sự tình cờ, và có lẽ là sự may mắn nhất đời của ông Thảo, khi chính quyền Thái Lan thông báo về việc đang giam giữ những người Việt vi phạm luật pháp Thái Lan và trao trả về nước. Cuối tháng 11/2013, sở Ngoại vụ Quảng Ngãi nhận được thông báo về việc trao trả ngư dân về nước, trong đó có ông Tiêu Viết Thảo.

Cuối tháng 12/2013, ông Thảo trở về trong sự vui mừng của gia đình và bà con hàng xóm. Ngày trở về với ông và gia đình như một giấc mơ. Nhưng đó là một giấc mơ có thật.

Những hiểu lầm chưa hóa giải...

Trầm luân cuộc đời ngư dân trở về sau 20 năm mất tích giữa biển khơi - Ảnh 2

Ông Tiêu Viết Thảo kể chuyện với PV.

Vừa lo cơm trưa cho mẹ là cụ Dương Thị Bông (84 tuổi), ông Thảo chia sẻ: "Có mơ tôi cũng không nghĩ có ngày tôi được trở về quê. Niềm vui lớn nhất là được về nhà gặp lại người mẹ già của mình. Nhưng cũng buồn lắm cô ơi...".

Đưa tay lau vội những giọt nước mắt, ông Thảo kể, trở về quê, ông cứ ngỡ sẽ được sống hạnh phúc bên vợ và con cháu. Nhưng ông sống cùng gia đình được 6 tháng thì xảy ra mâu thuẫn. 

Ông Thảo buộc phải chuyển đến sống cùng người mẹ già trong căn nhà nhỏ ở gần biển. Theo lời ông Thảo chia sẻ, mâu thuẫn xuất phát từ hiểu nhầm của bốn người con trai về ông, mà đến nay vẫn chưa được hóa giải.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Thảo đau buồn kể, khi nghe tin ông bỏ mạng ở biển, bà Thơm làm đám tang cho ông. Rồi một ngày, có người đến báo cho vợ ông biết là ông chưa chết, đang đi bạn trên một chiếc tàu khác. Nhận được tin ấy, bà Thơm tháo khăn tang cho con, bỏ bàn thờ chồng, ngày ngày mong ngóng ông sớm trở về.

Nhưng đợi mãi vẫn không thấy ông Thảo về. Lúc ấy, nhiều người lại bảo ông đã quên bà, có người lại nói ông đã lấy vợ khác, không về nữa. 

Rồi ở làng biển Hải Hòa, xuất hiện tin đồn ông Thảo bỏ vợ con đi theo người phụ nữ khác. Bốn người con của ông bị bạn bè trêu chọc vì bị cha bỏ rơi. 

Ngày trở về, ông Thảo cố giải thích cho các con, nhưng chỉ có hai người con trai lớn nhận lại cha và biết đó là hiểu nhầm. Còn hai người con út vẫn không chấp nhận. Hai anh em vẫn cho rằng, cha mình đã phản bội mẹ...

"Tôi rất đau đớn nhưng cũng không biết làm gì để hai đứa con trai út hiểu. Nên tôi bàn với vợ để tôi ở với mẹ để chăm sóc cho bà tuổi già. Nhưng cũng an ủi là hai đứa con trai đầu hiểu, thường xuyên đưa cháu xuống đây thăm tôi. Tôi vẫn hy vọng thời gian sẽ giúp các con hiểu và chấp nhận tôi" - Ông Thảo bộc bạch.

Bà Tiêu Thị Xuân (69 tuổi), hàng xóm của ông Thảo góp thêm vào: "Chắc hai đứa nó còn nhỏ không hiểu chuyện nên mới làm như thế. Vợ chồng ông Thảo, hai đứa lớn giải thích, rồi bà con hàng xóm nói thêm vài câu, nhưng mọi chuyện vẫn như thế. Nghĩ mà tội ông Thảo, nhưng ông ý vẫn hy vọng lắm!".

Để vơi nỗi nhớ biển và kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày, ông Thảo xin đi làm cho tàu cá ông Bùi Văn Việt- một người cùng xóm. 

Tàu này công suất nhỏ nên chỉ đi chừng 4-5 người, mỗi chuyến kéo dài khoảng 7 ngày. Số tiền kiếm được sau mỗi chuyến biển cũng đủ để ông Thảo và người mẹ già trang trải. 

"Nhiều người rủ đi biển dài ngày nhưng thôi, sợ lắm! Sợ bi kịch lại diễn ra một lần nữa với mình. Thôi đành kiếm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Phải sống để nhìn thấy các con lấy vợ hạnh phúc chứ" - Ông Thảo cười vui.

Làm giấy tờ khôi phục quyền công dân

Ông Đặng Thế Mỹ, Trưởng Công an xã Bình Hải cho biết, mới đây ông Tiêu Viết Thảo đã được nhận số tiền trợ cấp 5.700.000 đồng, cho những người từng đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. 

Hiện, ông Thảo cũng đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện để làm lại một số giấy tờ khôi phục quyền công dân, vì trước đó gia đình, địa phương đã báo tử cho ông.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ