Tâm lý sính thành tích
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, thời gian qua không khó để bắt gặp tình trạng học sinh phổ thông, thậm chí trẻ mầm non phải tham gia quá nhiều cuộc thi, hội thi. Có cuộc thi do nhà trường hoặc ngành dọc như sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT triển khai; nhưng có cuộc thi lại do các đơn vị ngoài ngành đứng ra tổ chức.
Nhìn ở góc độ tích cực, khi tham gia bất cứ sân chơi nào đều có thể giúp học sinh tăng thêm tính năng động, sáng tạo, rèn khả năng tự tin trước đám đông và thể hiện tài năng. Tuy nhiên, trong một năm học phải tham gia quá nhiều cuộc thi sẽ tạo ra áp lực cho các em. Chúng ta cần có quy định rõ ràng về số lượng các cuộc thi trong một năm học để nhà trường cân nhắc, lựa chọn cho học sinh tham gia.
“Tốt nhất nên để phụ huynh tìm hiểu và đăng ký cho con tham gia các cuộc thi do đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài nhà trường tổ chức. Bộ GD&ĐT cần siết chặt quy định cấm các trường quảng bá những cuộc thi không phải do ngành triển khai. Với những kỳ thi do ngành Giáo dục tổ chức chỉ nên cho mỗi trường tham gia không quá 5 cuộc thi. Những cuộc thi về thể thao có thể linh hoạt nhưng cũng không nên quá nhiều để các em có thời gian học tập, nghỉ ngơi”, TS Vũ Thu Hương nói.
Một giáo viên một trường tư thục tại Hà Nội cho rằng, học sinh tham gia nhiều kỳ thi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tạo ra tâm lý ganh đua, hơn thua trong lớp học. Thay vì động viên và hỗ trợ nhau cùng tiến bộ, các em lại trở thành những người tự mãn khi giành chiến thắng, hoặc tự ti khi gặp thất bại.
Một trong những vấn đề được đặt ra là có một bộ phận phụ huynh mang tâm lý “sính thành tích”. Kết thúc mỗi năm học, không hiếm để bắt gặp thông tin và hình ảnh về những chiếc giấy khen, chứng nhận đoạt giải cuộc thi về học thuật, kỹ năng nào đó của học sinh được bố mẹ đăng lên mạng xã hội với tâm trạng đầy tự hào. Tuy nhiên, trong số em được phụ huynh “khoe” thành tích lên mạng rơi vào cảnh chưa kịp vui mừng đã phải chạy theo “cái bóng” thành tích để đáp ứng kỳ vọng tiếp theo từ gia đình.
“Tôi cho rằng, ngành Giáo dục cần thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm soát việc tổ chức các kỳ thi ở các trường phải theo đúng quy định. Tuyệt đối không để tình trạng học sinh bị ép tham gia quá nhiều cuộc thi chỉ cốt lấy thành tích về cho trường. Điều này khiến trẻ bị sa sút về sức khỏe, tinh thần và kết quả học tập. Ngoài ra, phụ huynh cần phải xem lại mục tiêu học tập, phát triển để không tạo áp lực lên con trẻ”, giáo viên này đề xuất.
Phân biệt rõ đơn vị tổ chức
Là người theo dõi và gắn bó nhiều năm với ngành Giáo dục, thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hóa học, Hệ thống Giáo dục Học mãi (Hà Nội) chia sẻ, hiện có rất nhiều cuộc thi về học thuật dành cho học sinh nhưng phần lớn do đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức nên ít nhiều liên quan đến lợi nhuận.
Ban tổ chức các kỳ thi này thường hợp tác hoặc mua bản quyền của nước ngoài, sau đó yêu cầu người tham gia đóng một khoản lệ phí nhất định để dự thi cũng như mua tài liệu ôn luyện. Về bản chất, những cuộc thi này mang tính xã hội hóa do không phải của ngành Giáo dục tổ chức, xã hội sẽ có sự điều tiết để cân bằng theo nhu cầu.
Về phía học sinh, tham gia các kỳ thi giúp các em có cơ hội cọ xát, trải nghiệm, phát triển tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm quen với các khái niệm học thuật, tiếp cận dạng bài tập mới… Ngoài ra, những kỳ thi này là một trong các công cụ đo lường giúp nhà trường phát hiện ra học sinh tài năng; bố mẹ cũng biết trẻ mạnh ở mặt nào để bồi dưỡng.
“Với học sinh, nhất là trẻ tiểu học cần có thời gian vừa học, vui chơi, tham gia các hoạt động thể chất, nghệ thuật để phát triển toàn diện. Nếu người lớn ép trẻ tham gia quá nhiều cuộc thi trong thời gian dài sẽ khiến các em mất cân bằng, ảnh hưởng tâm lý và giảm hứng thú học tập”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, trước khi đăng ký tham gia bất cứ kỳ thi nào, bố mẹ cần căn cứ vào khả năng, sở thích của các em để lựa chọn phù hợp. Khi đi thi, cha mẹ không nên đặt kỳ vọng quá sức mà hãy tìm cách động viên để các em dần tiến bộ và vượt lên chính mình. Mỗi nhà trường khi cho học sinh tham gia cuộc thi cần có sự điều tiết để tránh ảnh hưởng đến thời gian học tập, sức khỏe và tâm lý.
Vị nữ chuyên gia thẳng thắn chỉ ra, có nhiều trường hợp chỉ vì tập trung ôn luyện để dự một cuộc thi do đơn vị tư nhân tổ chức mà học sinh phải bỏ cả tiết học, thầy cô bỏ giờ dạy. Điều này gây ra hệ lụy lớn và đánh đổi quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp của trẻ để lấy “hào quang” thành tích sau cuộc thi. Do đó, TS Vũ Thu Hương đề nghị mỗi nhà trường phải cân nhắc, sẵn sàng từ chối các cuộc thi có nội dung chồng chéo, trùng lắp không phải do ngành Giáo dục tổ chức.
Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025, trong đó yêu cầu tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh, đẩy mạnh việc thực hiện mô hình lớp học mở. Địa phương này chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học Chương trình GDPT theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo đúng với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Giáo viên và học sinh được tham gia tự nguyện, miễn phí.