Trăm hộ dân ở Đà Nẵng 'sống treo' cùng dự án hơn thập kỷ

GD&TĐ - Hàng trăm hộ dân trong diện quy hoạch Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) sống “treo” cùng dự án suốt 14 năm qua.

Hàng trăm hộ dân phải ở trong những căn nhà cũ kỹ và không được sửa chữa.
Hàng trăm hộ dân phải ở trong những căn nhà cũ kỹ và không được sửa chữa.

Nương nhờ cửa Phật mỗi mùa mưa bão

Từ năm 2009, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) với tổng diện tích gần 139ha.

Trong khu vực quy hoạch dự án được giới hạn bởi đường Phạm Hữu Nhật - Sư Vạn Hạnh - Lê Văn Hiến, có hàng trăm hộ dân sinh sống.

Lúc bấy giờ, hàng trăm hộ dân nơi đây đã rất phấn khởi và hy vọng rằng dự án khi hoàn thành, đời sống người dân sẽ được đổi thay.

Nhưng gần 15 năm đã trôi qua, dự án này vẫn đang “ngủ yên”. Trong khi đó hàng trăm hộ dân vẫn ở trong những căn nhà nhỏ, không được phép sửa chữa vì… nằm trong diện quy hoạch, phải giữ nguyên hiện trạng.

Nhà ông Nguyễn Văn Hùng (61 tuổi, trú tổ 20, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) nằm trong quy hoạch.

Theo ông Hùng, sau khi công bố quy hoạch vào tháng 6/2009, cơ quan chức năng kiểm định, áp giá đền bù với tổng số tiền khoảng 420 triệu đồng.

Sau đó, gia đình ông nhận hơn 200 triệu đồng tiền đền bù, chờ nhận đất tái định cư để chuyển đến nơi ở mới. Thế nhưng đợi mãi không thấy bố trí đất.

Hiện gia đình ông Hùng (3 thế hệ) sinh sống trong căn nhà nhỏ 14 năm nay.

Nhà xuống cấp, ẩm thấp, dột nát, nhưng sửa chữa thì không được vì vướng quy hoạch.

“Bờ tường thì ẩm, phía trên tôn và la phông cũng hư hỏng. Cứ đến mùa mưa là cả nhà bị dột hết. Tôi thấy nhà xuống cấp, làm đơn xin địa phương sửa chữa lại nhà nhưng không được đồng ý vì tất cả phải giữ nguyên trạng.

Do không được sửa chữa nhà nên mỗi lần tới mùa mưa bão là gia đình mất ăn, mất ngủ vì lo. Có bão lớn đổ bộ thì cả gia đình cùng nhau lên chùa Quán Thế Âm gần đó để tránh bão chứ không dám ở nhà. Sợ nhà sập lúc nào không hay”, ông Hùng nói.

Cách đó không xa, gia đình ông Bốn (trú tổ 19, phường Hòa Hải) cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

“Mưa thì dột, la phông bị sập hết, nhưng sửa chữa có được đâu. Giờ cứ mưa lớn là đồ đạc trong nhà bị ướt hết, xin phép sửa chữa, họ nói đã kiểm định nên không được sửa chữa. Cứ bão lớn, cả nhà phải lên chùa trú bão, hư chỗ nào chắp vá mà sống tiếp. Đành tiếp tục chờ vậy”, ông Bốn nói.

Nhiều hộ dân trong khu quy hoạch đã nhận tiền đền bù từ hơn chục năm trước, nhưng đến giờ chưa có đất tái định cư để xây nhà.

“Lúc đó tiền đền bù có thể xây được nhà. Nhưng giờ vật giá, công thợ tăng cao, nên chỉ xây được một phần căn nhà thôi…”, một người dân nằm trong quy hoạch dự án nói.

Bà Huỳnh Thị Tấn trao đổi với PV Báo GD&TĐ.

Bà Huỳnh Thị Tấn trao đổi với PV Báo GD&TĐ.

Căn nhà ông Hùng bị sập hết la phông và mái tôn bị thủng.

Căn nhà ông Hùng bị sập hết la phông và mái tôn bị thủng.

Căn nhà ông Bốn bờ tường bị ẩm ướt và trần la phông bị sập.

Căn nhà ông Bốn bờ tường bị ẩm ướt và trần la phông bị sập.

Sớm ổn định cuộc sống cho người dân

Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 19/7, bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho rằng, để sớm triển khai quyết định quy hoạch, đề nghị UBND TP lập tổ liên ngành do một Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, Sở Văn hóa Thể thao và UBND quận Ngũ Hành Sơn làm cơ quan thường trực, cùng các sở, ban ngành để bắt tay vào việc triển khai quy hoạch.

Thành phố phải sớm công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời, giải toả các hộ dân trong khu vực quy hoạch Danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hồ sơ được phê duyệt.

Bà Trân cho hay, tổng số hồ sơ nằm trong diện quy hoạch Danh thắng Ngũ Hành Sơn có 1.517 hồ sơ nhà ở.

Trong thời gian qua, có 681 hồ sơ đã bàn giao mặt bằng, hiện còn lại 836 hồ sơ chưa được bàn giao mặt bằng, trong đó có 141 hộ dân nhận 80% tiền đền bù.

“Việc quy hoạch đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống Nhân dân nằm trong khu vực giải tỏa.

Vì vậy, đề nghị TP Đà Nẵng trước hết thống nhất chủ trương tiếp tục cho di dời những hộ dân đã nhận tiền đền bù để sớm ổn định cuộc sống. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục để thu hồi đất theo quy định”, bà Trân nhấn mạnh.

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cũng kiến nghị, rà soát và tích hợp quy hoạch Danh thắng Ngũ Hành Sơn vào quy hoạch mà TP Đà Nẵng đang triển khai thực hiện, để đảm bảo đồng bộ thống nhất giữa các quy hoạch.

Bà Cao Thị Huyền Trân cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng nhất để triển khai quy hoạch đó là nguồn lực đầu tư.

Quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đã đề ra 7 nhóm dự án thành phần và phân kỳ 3 giai đoạn thực hiện.

Trong đó, giai đoạn năm 2023 - 2026 sẽ triển khai nhóm dự án 1, 2, 3 cùng với đó là một số dự án TP thuộc nhóm 6, 7.

Những căn nhà xuống cấp.

Những căn nhà xuống cấp.

“Vì vậy, đề nghị UBND TP có kế hoạch phê duyệt dự án thành phần, xác định nguồn vốn của từng dự án. Trong đó có nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách TP và vốn kêu gọi đầu tư. Cạnh đó, đề nghị HĐND TP xem xét quyết định các danh mục dự án đầu tư trong giai đoạn trung hạn, từ đó bố trí nguồn vốn đầu tư thỏa đáng”, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn nói.

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn đề nghị, để triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi cũng như gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch cần mời hoặc thuê tư vấn nước ngoài, các chuyên gia về văn hóa để thực hiện bảo tồn, khai thác du lịch.

Cũng tại kỳ họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đánh giá việc cụ thể hóa quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là trách nhiệm hết sức quan trọng.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP tiếp thu các ý kiến đóng góp để xác định danh mục đầu tư trong thời gian tới, phù hợp với nguồn lực của TP, phù hợp với mục tiêu đã được Chính phủ thông qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ