Trạm biến áp án ngữ sát cổng trường mầm non ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Một trạm biến áp án ngữ sát cổng Trường Mầm non Đông Hương, thành phố Thanh Hóa khiến nhà trường lo lắng cho sự an toàn của hàng trăm trẻ.

Trạm biến áp án ngữ sát cổng Trường Mầm non Đông Hương, TP Thanh Hóa. Ảnh: TL.
Trạm biến áp án ngữ sát cổng Trường Mầm non Đông Hương, TP Thanh Hóa. Ảnh: TL.

Lãnh đạo Trường Mầm non Đông Hương (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) cho hay, lâu nay có 1 trạm biến áp 400 KVA - 22/0,4 KV nằm ngay phía Tây trước cổng trường, cách tường rào của nhà trường 1m.

Trạm biến áp này không có hành lang che chắn, bảo vệ khiến nhà trường khá lo lắng cho sự an toàn của hàng trăm trẻ đang theo học tại đây.

Trạm biến áp 400 KVA - 22/0,4 KV được đặt ở vị trí trước cổng trường học này, để điều tiết điện sinh hoạt cho khu vực Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Theo bà Bùi Thị Thu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Hương, để bảo đảm an toàn tính mạng cho 430 trẻ đang theo hằng ngày, nhà trường đã làm báo cáo lên cấp chính quyền địa phương, Điện lực TP Thanh Hóa đề nghị có phương án di dời trạm biến áp này đi nơi khác.

Cũng theo bà Thu, nhiều người dân và nhà trường cảm thấy bất an, đặc biệt về mùa mưa bão, vì không may có sự cố từ trạm biến áp xảy ra, sẽ mất an toàn cho hàng chục cô giáo và hàng trăm trẻ đang theo học tại trường.

“Hằng ngày có 430 trẻ hoạt động ngoài trời trong sân trường sát với trạm biến áp, sẽ gây mất an toàn cho các bé nếu sự cố xảy ra. Cùng đó, hằng ngày, phụ huynh đưa, đón con ở ngoài cổng trường đều dừng các phương tiện giao thông để đón con ở gần trạm biến áp. Ngoài ra, sát với cổng trường mầm non, mà có một trạm biến áp án ngữ như vậy rất mất mỹ quan”, bà Thu thông tin.

Trường Mầm non Đông Hương được xây dựng và hoạt động từ năm 1993. Năm 2005, một trạm biến đặt áp sát với cổng trường gây sự bất an cho hàng trăm trẻ và giáo viên ở ngôi trường này. Ảnh: TL.

Trường Mầm non Đông Hương được xây dựng và hoạt động từ năm 1993. Năm 2005, một trạm biến đặt áp sát với cổng trường gây sự bất an cho hàng trăm trẻ và giáo viên ở ngôi trường này. Ảnh: TL.

Theo nữ hiệu trưởng, mặc dù chưa xảy ra sự cố gì đối với trạm biến áp này, nhưng về lâu dài cũng chưa thể lường hết được các rủi ro. Việc đặt trạm biến áp ngay sát cổng Trường Mầm non Đông Hương là hoàn toàn không phù hợp.

“Để đảm bảo an toàn cho hàng chục giáo viên và hơn 400 trẻ của nhà trường, chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên sớm di dời trạm biến áp này sang vị trí khác", bà Thu đề nghị.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Bùi Đức Thuận - Giám đốc Điện lực TP Thanh Hóa cho biết, trạm biến áp 400 KVA - 22/0,4 KV nêu trên được xây dựng từ năm 2005 theo dự án hạ ngầm của UBND TP Thanh Hóa.

Cũng theo ông Thuận, để di chuyển được trạm biến áp này đi nơi khác, thì phải đề nghị UBND TP Thanh Hóa vì liên quan đến nguồn vốn di chuyển.

“Theo quy định của Chính phủ, thì ngành Điện lực không thể bỏ tiền để di chuyển các công trình điện đã được cấp phép xây dựng và được phê duyệt mặt bằng. Về phía Điện lực thành phố, thì sẽ không đề nghị lên UBND thành phố, vì tài sản của ngành điện đã đầu tư vào đó rồi.

Do đó, nhà trường nên có báo cáo và đề nghị lên UBND thành phố, để thành phố xem xét phương án như thế nào. Khi UBND thành phố có quyết định di chuyển trạm biến áp này, thì Điện lực thành phố sẽ phối hợp về mặt giải pháp, kỹ thuật, vận hành”, ông Thuận nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.