Đó là chia sẻ của hai giảng viên Phạm Thị Phượng và Trần Phương Thảo – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nhập vai
Theo hai giảng viên, nhập vai là một phương pháp quan trọng trong việc hiểu từ mà mô phỏng lại từ bằng ngôn ngữ cơ thể.
“Ví dụ: “brush your teeth” thì chúng ta hành động giả như đang đánh răng, làm động tác này một cách mạnh mẽ, có thể thêm âm thanh, làm càng thật càng tốt, số lần làm động tác không giới hạn (tối thiểu 5 lần).
Điều này rất có ý nghĩa vì nó khiến không chỉ bộ não được học mà cả cơ thể được trải nghiệm ngôn ngữ một cách thích thú, không nhàm chán và quan trọng nhất là tăng cường năng lượng tinh thần, cảm xúc cho người học.
Từ đó đi vào tiềm thức được sâu hơn. Dần đến mỗi lần ra đánh răng thì cụm từ “brush your teeth” lại hiện lên như một phản xạ tự nhiên vô điều kiện”- Giảng viên Phạm Thị Phượng dẫn giải.
Còn theo giảng viên Trần Phương Thảo, sau khi đã nắm nghĩa của từ mới trong bài nghe/đọc thì việc sử dụng chúng như ngôn ngữ mẹ đẻ thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Lúc này các bạn cần tới bước 2. Đầu tiên chúng ta sâu chuỗi những từ mới vừa hiểu nghĩa vào một câu chuyện tương đương, có thể gây cười hoặc có thể ngớ ngẩn một cách đáng nhớ hoặc có một ý nghĩa đối với chúng ta.
“Việc biết các từ mới một cách rời rạc, riêng lẻ không giúp chúng ta sử dụng chúng một cách tự nhiên và thuần thục. Nên việc đưa vào một câu chuyện giúp đưa từ/cụm từ vào câu cụ thể, bối cảnh hoàn chỉnh, tăng cường việc sử dụng ngôn ngữ nhanh chóng. Hơn nữa bối cảnh thú vị dễ gây hứng thú và sự tò mò cho người học” - giảng viên Trần Phương Thảo trao đổi.
Vận dụng
“Đây là bước cuối mà chúng ta cần làm. Đó là ứng dụng vào thực tế và điều kiện cần có là một cộng đồng học để giao tiếp và sử dụng với nhau hằng ngày”- hai giảng viên chia sẻ.
Tâm thế học
Tuy nhiên, theo hai giảng viên nếu dừng lại ở các bước nêu trên thì chưa đầy đủ, điều quan trọng là quá trình này vẫn còn cần chất xúc tác. Về phía học sinh, sinh viên thì đó chính là tâm thế học. Xét về mặt tinh thần, nếu người học vui vẻ, tò mò, bài học ắt có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cơ thể và tinh thần có tác động qua lại chặt chẽ với nhau. Nếu nằm mà học thì dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ. Vừa ăn vừa học thì không thể tập trung. Ngồi nguyên một chỗ dễ gây nhàm chán. Tinh thần học không tốt dễ làm cơ thể thiếu sức sống khi học.
Do đó, để tăng năng lượng, người học nên di chuyển trong lúc nghe bài, mỉm cười nhiều lần, vừa chạy bộ vừa nghe… Không chỉ học bằng não, người học sẽ học bằng cả cơ thể. Ngoài ra, xét về người hướng dẫn thì cần có năng lượng cao để dễ dàng dẫn dắt các học viên.