Rộn ràng nơi miền cổ tích...
Chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2024), Lễ hội cơm mới và trò chơi dân gian được tổ chức tại xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Theo kế hoạch, Lễ hội cơm mới được tổ chức từ ngày 29 – 30/9 nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị, văn hoá truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc xã Ngọc Chiến nói riêng và huyện Mường La nói chung.
Lễ hội cơm mới được xã Ngọc Chiến tổ chức hàng năm, mang ý nghĩa tổng kết mùa vụ lao động, sản xuất, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ. Đồng thời, tạ ơn đất trời, thần linh, tổ tiên đã ban phước lành, may mắn đến với bản làng...
Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để người dân tại 15 bản trên địa bàn xã Ngọc Chiến gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi quảng bá nét đẹp phong tục tập quán của người dân bản địa đến với du khách trong tỉnh và ngoài tỉnh. Việc tổ chức lễ hội cơm mới, còn nhằm giáo dục con cháu bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La chia sẻ: Việc xã tổ chức lễ hội mừng cơm mới, nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc. Từ đó, thu hút nhà đầu tư, phát triển du lịch tại xã. Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, giúp bà con có cuộc sống đủ đầy, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ngọc Chiến được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vỹ, khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm, vùng đất này rất phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp không khói”.
Xã Ngọc Chiến có hơn 560 ha lúa ruộng, trải dài khắp 15 bản làng, bao quanh những nếp nhà sàn lợp bằng mái Pơ Mu của bà con đồng bào dân tộc Thái, Mông, La Ha... Mỗi độ thu về, khi những thửa ruộng nhuộm sắc vàng của nắng, mùi thơm của lúa, người dân lại phấn khởi mở hội mừng cơm mới.
Ngày hội mừng cơm mới, đã tái hiện nhiều không gian văn hóa hấp dẫn, không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm, khám phá.
Anh Hà Duy Phương, du khách đến từ tỉnh Điện Biên cho biết: “Đến với mảnh đất Ngọc Chiến, tôi cảm nhận được sự mến khách của người dân nơi đây. Đặc biệt, tôi được thực đồ ẩm thực truyền thống, văn nghệ của người dân tạo cho tôi cảm giác thích thú. Tôi thấy, cảnh quan nơi đây rất đẹp, dòng suối chảy quanh những thửa ruộng vàng óng tạo nên 1 khung cảnh tuyệt đẹp”.
Còn anh Nguyễn Xuân Tuấn đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi rất thích thú với những trò chơi dân gian của người dân bản địa ở đây. Đặc biệt là, tôi được ngắm nhìn những rừng thông mọc phủ xanh trên các triền đồi rất đẹp mắt. Sáng sớm thức dậy, những làn sương trắng bao phủ triền đồi làm tôi thấy rất ấn tượng. Cảnh quan thân yên bình và hoang sơ. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định ở lại tham quan, trải nghiệm tại đây 3 ngày nữa”.
Cảnh quan tuyệt đẹp, nét văn hóa đặc sắc
Lễ hội cơm mới ở Ngọc Chiến năm 2024, diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc, ý nghĩa tâm linh được chia làm 2 phần. Phần lễ được tổ chức tại nhà thờ bản Mường Chiến. Còn phần hội với chủ đề “Lễ hội mừng cơm mới năm 2024” gồm các phần thi như: Xếp đá, bắt cá, làm cốm, ẩm thực thực truyền thống, cúng cơm mới; đi Cà kheo, Tó Yến (cầu lông đồng bào Mông), Đá bóng bưởi nam, nữ; thi văn nghệ; Ngu kin khiết (rắn ăn ếch); Sừa kin mu (hổ ăn lợn); thi đi cầu thăng bằng, “lễ cúng vía trâu” và thi hoàng tử trâu…
Cúng vía trâu là một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của người Ngọc Chiến từ bao đời nay. Lễ cúng này, còn mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của tộc người Thái.
Xã Ngọc Chiến - một vùng đất ẩn chứa vẻ đẹp ngỡ ngàng, từ những nét văn hóa độc đáo của 3 tộc người Thái, Mông, La Ha, đến những suối nước nóng có khả năng chữa bệnh thần kỳ và đặc biệt ấn tượng là những nếp nhà sàn thơm mùi gỗ pơmu.
Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Ngọc Chiến nằm cách thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) khoảng 80km về phía Đông Bắc, xã Ngọc Chiến nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mặt biển. Từ thành phố Sơn La, theo tỉnh lộ 106 khoảng 40km về phía Đông Bắc đến thị trấn Ít Ong, vượt qua con đèo Sam Síp với hơn 30 khúc cua gấp ở độ cao hơn 2.000m, dài khoảng 40km quanh co luồn trong mây ngàn với một bên là bạt ngàn rừng cây, đồi núi trập trùng, một bên là vực sâu, rồi đi tiếp qua cây cầu bắc qua suối, du khách sẽ tới xã Ngọc Chiến.
Ngọc Chiến hiện ra như một bức tranh tuyệt đẹp, nằm nép mình trong những dãy núi cao hùng vĩ được bao phủ bạt ngàn cây xanh, e ấp trong áng mây mờ ảo của buổi sớm mai… Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa, dòng suối uốn lượn quanh bản làng và những mó nước khoáng nóng tại bản Lướt, bản Đớt và bản Khau Vai, cánh đồng lúa trải dài và những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên các triền đồi.
Theo ông Hiệp, nay ngọc Chiến vẫn giữ được hàng trăm nóc nhà làm bằng gỗ pơmu. Những ngôi nhà ở đây đã tồn tại từ rất lâu, phảng phất trên đó là màu rêu phong qua năm tháng, nằm nối tiếp nhau từ đầu bản tới cuối bản. Tất cả nhà ở đây đều chỉ có 1 tầng, được làm từ gỗ pơmu, từ mái nhà, vách tường, cổng nhà cho tới chiếc cầu treo nối ngang con suối nhỏ, những thớ gỗ đã in màu của tháng năm, trải qua bao thế hệ, tới bây giờ trông chúng đã ngả sang màu xanh đen. Tuy nhiên, vẫn bền bỉ trước gió sương, che chở cuộc sống của người đồng bào dân tộc rẻo cao, hút hồn du khách đến với Ngọc Chiến.
Với những nét đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, văn hóa độc đáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mừng cơm mới xã Ngọc Chiến đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch tìm đến.