Trải nghiệm kinh hoàng

GD&TĐ - Tôi là một mầm cây nhỏ được sinh ra trên thân cây cổ thụ trong khu rừng nguyên sinh được loài người bảo tồn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chào các bạn!

Tôi là một mầm cây nhỏ được sinh ra trên thân cây cổ thụ trong khu rừng nguyên sinh được loài người bảo tồn. Nhưng vừa chào đời, tôi đã phải hứng chịu một thảm họa kinh hoàng mà cả cuộc đời này tôi không thể quên.

Một buổi tối mùa Hè trong xanh, tôi và các bạn mầm cây khác đang chăm chú lắng nghe bác Đa già kể về các vì sao và Dải Ngân hà. Nào là sao Bắc Đẩu, ngôi sao sẽ giúp con người tìm đường đi khi bị lạc trong rừng. Nào là Tam giác mùa Hè được tạo thành bởi ba đỉnh là các ngôi sao: Ngưu Lang, Thiên Tân và Chức Nữ… Giọng của bác Đa đều đều bên tai, thu hút sự hiếu kỳ của bọn trẻ chúng tôi.

Tôi ngước đôi mắt long lanh lên ngắm bầu trời đêm rực rỡ. Những ngôi sao xếp san sát nhau tạo nên một khung cảnh lung linh tựa như dòng sông Ngân đang vắt ngang bầu trời. Phía khoảng đất trống nơi bìa rừng có tiếng đàn, tiếng hát có cả ánh lửa trại, có những người đang nhảy múa.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Bác Đa già bảo đó là các bạn trẻ đi dã ngoại. Tiếng ca hát của họ theo ngọn gió đưa lại xen lẫn tiếng thở của rừng. Cuộc sống trước mắt tôi tươi đẹp biết bao. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó tôi sẽ vươn cao chạm được tới các vì sao.

Đúng lúc ấy một tiếng hét thất thanh vang lên: “Cháy! Cháy rừng rồi”.

Vì sao vuột ra khỏi tâm trí tôi, dòng Ngân hà tan loãng, tôi nhận ra đó là giọng bác Lim, bác được cho là vững chãi nhất khu rừng, bây giờ giọng bác cũng đang run rẩy.

Tất cả các loài cây đồng loạt hướng về phía bìa rừng, nơi ấy giọng hát đã tắt tự bao giờ. Những cột khói kéo lên che lấp ngàn sao, rừng đêm rùng rùng chuyển động. Những lưỡi lửa đỏ lòm đang thiêu đốt các loài cây khiến đồng loại của tôi quằn quại, đau đớn. Tôi run rẩy hỏi bác Đa:

- Bác Đa ơi, lửa đang hủy diệt cả khoảng rừng kia ở đâu ra vậy?

- Đó là do con người. Thật tồi tệ, con người đã phá hủy khu rừng sau mỗi chuyến dã ngoại. Sau mỗi chuyến đi của họ sẽ là rác, vỏ lon, túi ni lông… Cành, ngọn cây non bị bẻ gãy. Giờ thì lửa trại đã theo gió lớn bén vào khu rừng… - Bác Đa già nói với giọng đầy hiểu biết nhưng vô cùng tức giận.

Lửa lan ra nhanh chóng, tiếng nổ lửa, tiếng rào rào của cây rừng bị thiêu đốt. Nóng, rát, bỏng. Xung quanh tôi mọi người rơi vào hoảng loạn. Nhiều tiếng la hét:

- Cứu tôi với? Có ai không?

- Ôi, nóng quá, tôi chết mất!

- Làm ơn hãy cứu tôi!...

Tiếng khóc than hòa cùng tiếng kêu hoảng sợ của muông thú sống trong rừng. Tất cả chúng đang tuyệt vọng chạy trốn khỏi ngọn lửa. Ngọn lửa đuổi theo tiếng vỗ cánh phành phạch vùng vẫy của bầy chim. Chim mẹ chẳng còn thì giờ ngoái nhìn đàn con bé nhỏ trước khi chúng hóa tàn tro… Khói đen, bụi, tàn lửa che lấp bầu trời, nó nuốt trọn vầng trăng, nuốt trọn Tam giác mùa Hè, nuốt cả dòng sông Ngân… Chim mẹ đã rơi xuống, nó chẳng bay nổi bởi khí độc, bởi hơi nóng.

Thế giới bên kia có bình yên không để mẹ chim được thoải mái chăm sóc bón mớm cho lũ con của mình? Lửa vẫn lan nhanh thiêu đốt mọi thứ chúng đi qua. Tôi cảm thấy thần chết đang đến rất gần. Tôi không run sợ nữa, nhưng tôi đã khóc. Tôi khóc vì tiếc nuối. Tôi tiếc cuộc sống, tiếc bầu trời, tiếc vì sao. Tôi chưa muốn rời xa cuộc sống. Tôi khóc vì thương cảm cho đồng loại của tôi, cho muôn loài đang tràn trề sức sống bỗng chốc bị hủy diệt do sự sơ ý của con người.

Đúng lúc tôi nhắm mắt lại sẵn sàng để lưỡi lửa đỏ lòm liếm qua thì bất ngờ nước ở đâu đổ xuống. Nước xối xả, nước ào ào. Không còn rát bỏng, không còn phừng phừng hơi nóng. Lưỡi lửa thu lại trước khi chạm tới tôi. Tôi mở mắt tự hỏi: Mưa ư? Ngay lúc tôi tưởng đó là mưa thì từng cột nước vòi rồng ồ ạt đổ xuống. Những người mặc quần áo bảo hộ, đeo mặt nạ oxy xuất hiện.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Họ bơm nước dập đám cháy. Nhưng sao họ lại chặt đốn cây cối thế kia? Bác Đa hiểu biết và điềm tĩnh của tôi cũng đang bị cưa sạch cành lá. Kỳ lạ là dù bị cưa một phần thân thể mà bác vẫn tươi cười rạng ngời tựa như tia nắng.

Tôi đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì bác Đa đã ôn tồn: “Mầm non ơi, cháu yên tâm nhé, đám cháy đã được khống chế. Đội cứu hộ rừng đã phun nước dập lửa. Họ đang tạo vòng tròn khoảng trống xung quanh đám cháy tránh để đám cháy lây lan thêm.

Ta và các cây nằm trong khu vực phải đốn bỏ thật vinh dự được hy sinh một phần thân mình để góp phần bảo vệ khu rừng”. Thì ra là vậy. Bác Đa già và những cây bị đốn thật cao cả làm sao! Giờ thì đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Sau đám cháy, khu rừng đã bị tàn phá nặng nề bởi hành động thiếu ý thức của con người. Tuy nhiên cũng chính con người đã nỗ lực cứu sống khu rừng. Bạn thấy đấy, con người khác với loài cây chúng tôi, họ có thể suy nghĩ và hành động.

Hành động đúng hay sai tùy thuộc vào ý thức của chính con người. Tôi tin chắc khi các bạn nghe tôi kể trải nghiệm kinh hoàng của tôi, các bạn sẽ có hành động bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của mình, của muôn loài!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.