Trải nghiệm dạy con tự chủ

GD&TĐ - Bố mẹ sẽ làm gì khi con trẻ đi học về và thủ thỉ: Hôm nay con bị mất quần áo!

Một buổi hội thảo giữa giáo viên và phụ huynh tại trường phổ thông liên cấp Olympia
Một buổi hội thảo giữa giáo viên và phụ huynh tại trường phổ thông liên cấp Olympia

Trong buổi hội thảo “Trải nghiệm dạy con tự chủ” dành cho phụ huynh học sinh lớp Một, nhiều phụ huynh Olympia bày tỏ: Trong trường hợp này, điều khó nhất là cha mẹ phải bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc để nói chuyện cùng con.

Ngoài ra, mỗi đứa trẻ lại có nhu cầu chia sẻ tại những thời điểm khác nhau, có con thích kể chuyện khi đang học bài, có con lại thích tâm sự trước giờ đi ngủ. Vì thế, dành riêng cho con một khoảng thời gian vào thời điểm này, không trả lời điện thoại, không sử dụng máy tính cho công việc là điều vô cùng cần thiết.

Khi trẻ đến bên cha mẹ và bắt đầu câu chuyện, đó chính là dấu hiệu cho thấy con đã gọi tên và sẵn sàng tìm cách giải quyết cho vấn đề của mình. Vai trò của cha mẹ lúc này là người lắng nghe và dẫn dắt để con đưa ra thật nhiều phương án cho vấn đề đó.

Cô Minh Hạnh - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Olympia - cho biết: Tuần nào các con cũng có tiết học gọi là giờ chủ nhiệm. Trong tiết học này, cả lớp ngồi thành vòng tròn, thư giãn trong âm nhạc và cùng nhận ra những điểm đáng khen của bạn bè hay giúp đỡ một ai đó trong lớp giải quyết vấn đề mà bạn ấy đang gặp phải.

Bên cạnh việc trình bày phương pháp mà Olympia đang áp dụng cho khối tiểu học, cha mẹ còn được các thầy cô giáo hướng dẫn cách thức đồng hành cùng con qua cuộc hội thoại mô phỏng giữa mẹ và con.

Đóng vai “mẹ” trong cuộc hội thoại, chuyên gia tâm lý Phương Hoài Nga chia sẻ: Lắng nghe nhưng phải là lắng nghe một cách trọn vẹn. Khi nói chuyện với con, bố mẹ cần liên tục khuyến khích vào quá trình con đưa ra các phương án giải quyết, tuy nhiên, tuyệt đối không bình phẩm vào câu chuyện của con.

Để giải quyết vấn đề đi học muộn, con có nhiều cách lựa chọn: để mẹ đưa đi học, ăn sáng nhanh hơn hay dậy sớm hơn,… Hoặc con không muốn bị bạn trêu, con có thể: mách cô, lờ đi, khóc, nói với bạn về sự không thoải mái của mình, đánh bạn,… Tuy nhiên, sau mỗi lựa chọn, con cần ý thức được hệ quả là gì, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với cả mình và những người xung quanh.

Chị Bùi Thị Thu Hằng - phụ huynh của bạn Gia Huy, học sinh lớp 1A1 Trường Olympia - cũng có cùng quan điểm: Con là người quyết định và bố mẹ sẽ là người hướng con đến những suy nghĩ và quyết định tích cực.

Ngoài việc nắm được phương pháp giáo dục tại trường, chị Kiều Vân -phụ huynh học sinh Minh Khanh 1A2 - có 3 điều tâm đắc nhất: Cha mẹ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với thầy cô và những phụ huynh khác, học cách lắng nghe và đồng hành cùng con, và quan trọng là hoàn toàn yên tâm khi biết các con được học về giá trị sống ngay từ cấp tiểu học.

Thay vì thực hiện theo hình thức thông báo thông tin trong các buổi họp phụ huynh, Olympia tổ chức các buổi hội thảo với chủ đề hữu ích nhằm tăng cường mối liên kết giữa gia đình và nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...