Cát là nguồn tài nguyên thiên nhiên ít được quý trọng nhất – đó là khẳng định của các nhà khoa học ở các trường: ĐH Hull (Anh), ĐH Colorado Boulder, ĐH Illinois và ĐH bang Arizona (Mỹ).
Tốc độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng dân số trên thế giới đã đẩy nhu cầu về cát và sỏi lên cao: Mỗi năm trên thế giới có từ 32 tỷ đến 50 tỷ tấn cát được khai thác.
Các nhà khoa học khuyến cáo, chúng ta cần thận trọng hơn trong khai thác cát. “Chúng ta cần một chương trình giám sát để đánh giá chính xác lượng cát thiếu hụt” – ông Mette Bendixen ở ĐH Colorado Boulder cho biết như vậy.
Các nhà khoa học dự đoán, nhu cầu về cát trong giai đoạn 2000 - 2100 tăng lên tới 300%; còn giá cát tăng 400%. Thiếu sự canh gác và giám sát dẫn đến mất cân bằng trong khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Hao hụt cát trong lòng sông và trên bãi biển gây ra hậu quả lớn cho môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng và cả nền kinh tế quốc gia. Thiếu cát cũng làm 3 tỷ người sinh sống dọc các dòng sông bị thất nghiệp.
Cát thiếu đến mức nhiều quốc gia đã phải cấm xuất khẩu cát. Hiện tượng khai thác cát lậu được ghi nhận tại 70 quốc gia. Mấy năm gần đây, hàng trăm người, trong đó có người dân địa phương, cảnh sát, quan chức chính quyền, đã tử vong trong những cuộc chiến chống khai thác cát lậu.
Các tác giả công trình nghiên cứu khẳng định, chúng ta phải thay đổi quan điểm về cát và xây dựng những nguyên tắc mang tính toàn cầu trong khai thác cát một cách cân bằng.
Tuy nhiên để đạt được điều này, chúng ta cần hiểu rõ về sự phân bổ các nguồn cân bằng, giảm thiểu chỉ số khai thác về nhu cầu về cát bằng cách tái chế bê tông và tìm kiếm vật liệu thay thế cát (chẳng hạn đá vụn hoặc vật liệu rác thải nhựa).
“Cát là thành phần rất cơ bản của xã hội hiện đại, tuy nhiên chúng ta không biết bao nhiêu tấn cát được khai thác từ lòng sông hằng năm. Điều này khiến cho việc đảm bảo phát triển cân bằng trong khai thác cát là rất khó khăn. Đã đến lúc cần xem cát là tài nguyên quan trọng như dầu mỏ, khí đốt” - ông Christ Hackey ở ĐH Hull khẳng định như vậy.