Tuy nhiên, đâu là những giải pháp hữu hiệu để xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế đang ngày càng khốc liệt?
Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã trò chuyện TS Trần Đình Lý- Trưởng Phòng Đào tạo kiêm Trưởng Bộ môn Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, một chuyên gia về xây dựng thương hiệu trái cây - xung quanh vấn đề này.
Theo TS, hiện nay có những loại trái cây nào của Việt Nam đã và đang dẫn đầu danh sách “đặc sản” hiếm có, được thị trường các nước ưa chuộng nhất?
Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, cây trái hết sức phong phú. Đặc biệt, có nhiều trái cây đặc sản độc đáo thu hút khách sành ăn, không chỉ trong nước mà còn có vị thế cao ở thị trường quốc tế.
Một số trái cây đặc sản của Việt Nam được ưa chuộng như: Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim & Xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang); Nhãn xuồng cơm vàng; Măng cụt Chợ Lách (Bến Tre); Sầu riêng Ri6; Thanh long Bình Thuận; Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương); Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); Nhãn lồng Hưng Yên; Cam xã Đoài (Nghệ An); Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh); Bưởi Năm Roi; Sapoche Mặc Bắc (Hồng xiêm); Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) v.v…
Rộng hơn, có những nhãn hiệu Việt được “ưa chuộng”, “fan cuồng” đến mức... bị lạm dụng, bị đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Chẳng hạn, Thái Lan không có địa danh Phú Quốc, lại có sản phẩm “nước mắm Phú Quốc”; cá da trơn mới ở Việt Nam, khi xuất khẩu sang Mỹ không được sử dụng tên tên “Catfish”. Hoặc các thông tin về nhãn hiệu “Cà phê Trung Nguyên”; “Cà phê Buôn Mê Thuột”; “Thanh long Bình Thuận” cũng bị đánh cắp thương hiệu ở nước ngoài…
Các nhà làm vườn nước ta lâu nay chỉ biết ươm trồng cây trái và xử lý trái cây theo kinh nghiệm chứ không dựa trên cơ sở khoa học. Phải chăng đây là điểm yếu lớn nhất của trái cây Việt Nam?
Nhận định này chưa hoàn toàn chính xác. Người làm vườn ngày nay có sự am hiểu kỹ thuật khá tốt. Đặc biệt hệ thống cán bộ khuyến nông và vệ tinh hoạt động hỗ trợ tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có sự chưa đồng đều khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mấu chốt này phải giữ, nếu không sẽ ảnh hưởng khá lớn đến vị thế trái cây Việt trên trường quốc tế.
Được biết các nhà làm vườn của ta “than trời” vì quá vất vả và tốn kém để có được sản phẩm trái cây đạt tiêu chuẩn quốc tế VietGap. Ông có thể nói rõ hơn?
Việc nông sản Việt đến với thị trường quốc tế đều nhận được nhiều lời khen về sự độc đáo, hấp dẫn. Tuy vậy vẫn chưa đủ, không ít khách hàng từ chối ký hợp đồng, vì hàng Việt không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng quốc tế. Ngành nông nghiệp của ta đã từng tìm kiếm, thử nghiệm rồi thất bại với nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Đặc biệt, yếu nhất là việc hợp tác giữa chuỗi tiêu thụ hàng hóa mang tính hệ thống rất lỏng lẻo. Nhiều tổ hợp tác sản xuất trái cây ở ĐBSCL đã từng muốn từ bỏ VietGAP do quy trình sản xuất phức tạp, chi phí chứng nhận tốn kém, nhưng giá bán ra chỉ tương đương với các loại trái cây thông thường.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng quốc tế luôn là xu thế, và muốn tồn tại phải thực hiện. Người trồng cây trái phải tuân thủ rất nhiều quy trình, phải ghi nhật ký cho cây, cho trái! Ngày trồng, ngày bón phân hay bơm thuốc đều phải được ghi, rồi ký tên đóng dấu khi xuất đi. Rất cực khổ. Nhưng dần dà, cái cực được bù đắp bởi, các chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP, giúp sản phẩm cây ăn quả của họ được các siêu thị lớn chấp nhận và nhập hàng với số lượng lớn với giá tốt. Nỗi buồn vơi đi và họ an tâm sản xuất.
Trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây Việt Nam
xuất khẩu, theo Ông đâu là yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất?
Ở nước ta, từ lâu, thương hiệu đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, từ các nhà khoa học đến các nhà sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan xúc tiến thương mại đã có đề án xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia.
Riêng TP HCM đã giúp các doanh nghiệp xây dựng và bảo hộ hơn 1.000 thương hiệu; các địa phương trong cả nước đều có chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, đặc sản có thế mạnh của mình.
Nỗi buồn lớn nhất của nông dân Việt Nam là nông sản họ làm ra, mà lại không bán được bằng thương hiệu có uy tín. Thay vào đó, thậm chí nông sản, trái cây nhập ngoại lại thế chỗ vô lý nông sản trái cây Việt.
Hiện nay một số mặt hàng nông sản, đặc biệt trái cây Việt Nam…, dù bước đầu đã xây dựng được những giá trị thương hiệu, nhưng sự bền vững của sản phẩm chưa được đảm bảo. Có nhiều nguyên nhân. Trong đó có vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức sản xuất, quy mô của ngành kinh tế đó, liên quan đến năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực về công nghệ, chất lượng sản phẩm, liên quan đến khâu quản trị, trình độ, chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực, liên quan đến khung pháp lý trong tổ chức sản xuất. Đặc biệt, vấn đề chúng ta vẫn hay nói đến, đó là các chuỗi giá trị sản phẩm chưa được liên kết một cách khoa học.
Nhìn rộng ra các nước, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm, bài học gì cho việc xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam, thưa ông?
Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế đang trở thành xu thế tất yếu, không một quốc gia nào có thể phát triển độc lập hay đối lập với quy luật khách quan đó. Cạnh tranh là linh hồn và là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường. Người sản xuất muốn phát triển hàng hóa, dịch vụ của mình phải luôn cạnh tranh quyết liệt với vô số hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất, kinh doanh khác, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả trên thị trường quốc tế.
Hàng nông sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế và cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trên con đường hội nhập. Việc cạnh tranh gay gắt của các nông sản ngoại khiến cho nông sản trong nước trở nên bấp bênh và mất dần thị phần. Yêu cầu bức bách đặt ra cho nông sản Việt Nam là xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản để tăng năng lực cạnh tranh, tăng vị thế trên thị thường quốc tế.
Để có thương hiệu “TRÁI CÂY VIỆT” xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất là một quá trình cạnh tranh một mất một còn. Ông có suy nghĩ gì?
Trái cây Việt Nam vẫn chỉ nổi tiếng chủ yếu ở trong nước, xuất khẩu còn rất nhiều khó khăn. Hạn chế do sản xuất còn manh mún, chưa có tính hàng hóa cao; công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu, không bảo quản được lâu; chưa áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng tính cạnh tranh, đặc biệt chưa tạo được thương hiệu và chưa bán sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình. Những nỗ lực của nhà vườn, những chính sách, sự quan tâm mang tính cục bộ của từng địa phương chỉ dừng lại ở mức độ giúp trái cây VN phát triển theo bề rộng, không bền vững.
Đã đến lúc cần phải quan tâm đến vấn đề lớn hơn là xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản trên cơ sở tập trung vào chiều sâu, chuyên nghiệp hơn, vừa phát triển thị trường nội địa vừa thâm nhập sâu rộng thị trường thế giới.
Dù khác nhau về nhiều thứ như vị trí địa lý, hệ thống chính trị… các nước cần hội nhập lại với nhau để mạnh hơn “become stronger”, thương hiệu “Chôm chôm Asian” sẽ mạnh hơn “Chôm chôm Việt” hay “Chôm Chôm Malay” … Điều này có thể hiểu rằng: Nước nào có thể mạnh sản xuất sản phẩm nào thì tập trung sản xuất sản phẩm đó, các nước khác đầu tư thêm, thay vì cạnh tranh.
Bài học này có thể áp dụng trong nội bộ Việt Nam, vùng nào có đặc sản nào thì chỉ vùng đó nên trồng và mang thương hiệu cho Quốc Gia, không nên “nhái thương hiệu”, rồi cạnh tranh nhau dẫn đến tự giết nhau hàng loạt, do giá giảm vì hàng cung cấp bị dư thừa quá nhiều so với nhu cầu.
Xin cảm ơn ông!