(GD&TĐ)-Chủ trương giao quyền chủ động đã phát huy được trách nhiệm và sự tự chủ, sáng tạo của các cấp chính quyền, của ngành giáo dục và các ban ngành đoàn thể, của các lực lượng xã hội tại các địa phương. Bộ GD&ĐT khẳng định tại buổi họp báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2012 chiều nay (4/6).
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Ảnh: gdtd.vn |
Địa phương vào cuộc tích cực
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT đổi mới, theo đó, giám đốc các sở GD&ĐT và cục trưởng Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng được giao quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện phương án tổ chức coi thi, chấm thi, thanh tra và giám sát phù hợp với điều kiện và năng lực tổ chức của địa phương, đơn vị, trên tinh thần đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Chủ trương này đã phát huy được trách nhiệm và sự tự chủ, sáng tạo của các cấp chính quyền, của ngành giáo dục và các ban ngành đoàn thể, của các lực lượng xã hội tại các địa phương.
Theo phản ánh của Bộ GD&ĐT, công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp năm nay được thực hiện tích cực, chu đáo từ trung ương đến địa phương. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và của các địa phương nhìn chung kịp thời, đáp ứng tiến độ tổ chức thi. Các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng phương án, đề ra các giải pháp thực tế và khả thi để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tại địa phương đúng kế hoạch, đúng quy chế.
Ở tất cả các địa phương, điều kiện cơ sở vật chất phụ vụ tổ chức thi đã được đáp ứng; các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn được triển khai; các phương án dự phòng đã được xây dựng để ứng phó kịp thời với các tình huống bất thường... Các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ở nhiều địa phương, những sáng kiến hay về hỗ trợ tổ chức thi đã tiếp tục được phát huy. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ra quyết định hạn chế tổ chức các Hội nghị trong những ngày thi tốt nghiệp THPT để tập trung lực lượng chỉ đạo thi. UBND Thành phố Đà Nẵng cấm xe Benz hoạt động trên các tuyến phố nội thành vào giờ cao điểm các ngày thi, tạo thuận lợi cho thí sinh đến trường thi. Sở GD&ĐT Điện Biên gửi hơn 10 tấn gạo đến các trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh để hỗ trợ cho thí sinh ôn tập thi tốt nghiệp. Sở GD&ĐT Lai Châu tổ chức cho thí sinh tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT tại trường và tăng cường bố trí giáo viên các bộ môn hướng dẫn thí sinh ôn tập. Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ của tỉnh quyên góp được 25 triệu đồng hỗ trợ dùng để mua 3.000 suất cơm trưa phát miễn phí cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Kon Tum chỉ đạo bố trí chỗ ăn, ở cho thí sinh là người dân tộc thiểu số trong thời gian thi. Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã tham mưu với Tỉnh không thu lệ phí phúc khảo của các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2012 mà trích từ nguồn ngân sách để hỗ trợ thí sinh. Nhiều trường phổ thông cử giáo viên và nhân viên thường trực nấu ăn, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong các ngày thi...
Đề thi được đánh giá cao, thí sinh bị xử lý kỷ luật giảm
Một trong những dấn ấn tốt đẹp từ kỳ thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT năm nay được xã hội ghi nhận và đánh giá cao là công tác ra đề thi. Đề thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng coi thi, các phòng thi và thí sinh, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu, đề thi các môn thi có nội dung chính xác, khoa học, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với học sinh, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời có khả năng phân hoá được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí được dư luận đánh giá cao về việc ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Bên cạnh đó là ý thức chấp hành quy chế của thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi theo đó cũng được nâng cao, kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi chặt chẽ hơn, các trường hợp vi phạm quy chế của thí sinh và giám thị được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo sự nghiêm minh của kỳ thi.
Trên phạm vi toàn quốc, số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 34, giảm 11 trường hợp so với kỳ thi năm 2011 (45 trường hợp) và giảm 56 trường hợp so với cùng kỳ năm 2010 (90 trường hợp). Cả nước chỉ có 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi. Việc trực thi và việc thực hiện chế độ báo có tiến bộ trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, tổ chức thi.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục trong quá trình tổ chức thi. Cụ thể, một số cán bộ, giáo viên còn chưa thuần thục trong việc thực hiện nhiệm vụ coi thi hoặc có biểu hiện thiếu sâu sát, để thí sinh mang tài liệu trái quy định vào phòng thi. Tại một số Hội đồng coi thi, sau buổi thi một số thí sinh còn vứt bỏ tài liệu không được mang vào phòng thi ở sân trường, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục.
Nhấn mạnh hơn về vấn đề này, cũng như trả lời một số phóng viên về hiện tượng “phao” thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, học sinh khi đi thi lo lắng đến phút chót, có thể cầm tài liệu để ôn trước khi thi hoặc dùng tài liệu để kiểm tra kiến thức bài làm sau khi thi xong, cũng có thí sinh cố tình mang tài liệu vào phòng thi hy vọng có thể sử dụng để quay cóp, nhưng không phải tất cả mọi tài liệu được vứt ra đều là phao thi, cũng không thể nói thấy nhiều phao thi là Hội đồng đó không nghiêm mà quan trọng là có sử dụng được phao thi đó hay không. Tất nhiên, trong việc này, nhà trường cũng phải rút kinh nghiệm để giáo dục học sinh tốt hơn.
Một số phản ánh khác liên quan đến sai phạm trong kỳ thi, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đều khẳng định: Bộ hoàn toàn ủng hộ việc phản ánh sai phạm, đồng thời khi giải quyết, xử lý sẽ đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình đổi mới giáo dục đào tạo nói chung, đổi mới kiểm tra, đánh giá nói riêng. Ngày càng có nhiều nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá mới được áp dụng trong nhà trường, có hình thức mà từ trước đến nay chưa áp dụng. Ví dụ như học sinh phổ thông NCKH được cộng điểm ưu tiên...
Liên quan đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, mục đích thi không phải để đánh trượt thí sinh. Nếu đánh giá hiệu quả của kỳ thi bằng cách có bao nhiêu thí sinh trượt là hoàn toàn không đúng. Đánh giá hiệu quả của kỳ thi là ở chỗ, có đánh giá sát với chất lượng học tập của học sinh hay không và phải xem kỳ thi này có tác động trở lại giúp cho việc học và thi nghiêm túc hơn hay không, nâng cao chất lượng qua từng năm hay không, không đánh giá qua việc có bao nhiêu người đỗ, bao nhiêu người trượt.
Năm nay, toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 sở GD&ĐT và Cục Nhà trường-Bộ Quốc phòng), thành lập 2.307 Hội đồng coi thi với tổng số 40.620 phòng thi, huy động 124.153 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả nước là 963.474 (trong đó, có 856.097 thí sinh GD THPT và 107.377 thí sinh GDTX). Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt 99,71% tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2011 (99,64%); trong đó, GD THPT đạt 99,85%, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm 2011 (99,81%); GDTX đạt 98,57%, tăng 0,11% so với cùng kỳ năm 2011 (98,46%). Việc tổ chức tốt kỳ thi tiếp tục khẳng định, phát huy kết quả của 5 năm nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Hai không”; đồng thời tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho quá trình đổi mới thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục nói riêng và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà nói chung. |
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|