Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết, phân tích kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ những năm gần đây cho thấy, thị trường lao động đã tác động lớn đến xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh và ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp...
Vẫn có một lượng lớn thí sinh đủ điểm sàn ĐH nhưng chọn theo học hệ CĐ, vì vậy, việc bỏ điểm sàn sẽ không tác động nhiều đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ do mỗi trường đều có những phân khúc tuyển sinh riêng.
Thí sinh được chủ động lựa chọn
Năm 2016, Bộ GD&ĐT đã bỏ “điểm sàn” xét tuyển với bậc CĐ, năm 2017, Bộ đang chủ trương bỏ điểm sàn với bậc ĐH. Điểm sàn lâu nay vẫn được xem là điều kiện cần đối với thí sinh. Theo PGS.TS, việc không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng liệu có xảy ra tình trạng các trường ĐH, nhất là những trường tốp dưới, sẽ bằng mọi cách “vét” hết thí sinh hay không?
- Điểm sàn lâu nay được xem là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH để phân biệt trình độ đầu vào giữa ĐH với CĐ. Đối với tuyển sinh riêng theo hình thức xét theo học bạ, Bộ cũng đã quy định điểm tối thiểu để xét tuyển vào ĐH. Do áp dụng điểm sàn này (ở cả 2 hình thức xét tuyển), nhiều thí sinh không đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH buộc phải học cao đẳng trước khi lên đại học bằng hình thức liên thông.
Thực tế tuyển sinh trong thời gian qua, nhiều trường tốp trên có điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn quy định của Bộ. Đối với các trường này, điểm sàn không thật sự có ý nghĩa trong tuyển sinh nên việc bỏ điểm sàn cũng không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều trường tuyển sinh cho hầu hết các ngành bằng điểm sàn của Bộ. Do vậy, việc bỏ điểm sàn sẽ giúp các trường tốp dưới tuyển được nhiều thí sinh hơn nếu thí sinh có nguyện vọng vào học đại học.
Tuy nhiên nếu chúng ta để ý thì khá nhiều các trường bên cạnh tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia còn tuyển sinh theo học bạ. Với phương thức tuyển sinh này thì rõ ràng các trường đó cũng không cần đến điểm sàn của Bộ.
Từ kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2016 cho thấy có khá nhiều thí sinh dù có điểm trên sàn nhưng vẫn không đăng ký vào ĐH. Ngoài ra, một số trường CĐ như hai trường CĐ của ĐH Đà Nẵng có hầu hết thí sinh nhập học trên điểm sàn ĐH.
Điều này cho thấy thí sinh đã có sự chọn lựa về ngành học, nơi học để tìm cơ hội việc làm sau này chứ không phải vào ĐH bằng mọi giá như trước đây. Do đó, tuy đã mở ra nhiều cơ hội vào ĐH hơn cho thí sinh nhưng chưa hẳn các trường ĐH tốp dưới sẽ tuyển được nhiều thí sinh hơn.
- Với việc bỏ điểm sàn, thí sinh sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa PGS.TS?
Bỏ điểm sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội được vào học ĐH, được chọn lựa nhiều trường, nhiều ngành khác nhau ở trình độ ĐH đối với những thí sinh có mức học trung bình, trung bình khá mà những năm trước đây thí sinh không có được cơ hội này.
Nhưng cũng chính vì có quá nhiều lựa chọn nên thí sinh dễ bị nhiễu, dẫn đến chọn nhầm nơi học. Do đó, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn trường, chọn ngành, chọn bậc học phù hợp với năng lực, sở thích của mình để tránh việc phải đổi ngành, chuyển trường sau một thời gian học tập vì nhận thấy ngành, trường đã chọn không phù hợp. Đồng thời các thí sinh cũng cần rất chú ý đến khả năng xin việc làm của mình sau khi ra trường.
Chất lượng đào tạo mới là trọng tâm
Theo PGS.TS, về phía các trường ĐH, một khi không còn ngưỡng đảm bảo chất lượng, liệu công tác tuyển sinh có bị xáo trộn nhiều so với trước đây, khi một trong những điểm mới của Dự thảo Quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cũng không khống chế số lượng nguyện vọng của thí sinh?
- Thông thường trong tuyển sinh, mỗi trường có một phân khúc nguồn tuyển nhất định. Các trường tốp trên cùng tuyển nhóm thí sinh cách xa điểm sàn 7 - 8 điểm, thậm chí 10 điểm hoặc cao hơn. Các trường nhóm giữa cách sàn 3 - 5 điểm và các trường nhóm dưới tuyển lân cận điểm sàn.
Do vậy, việc bỏ điểm sàn ĐH sẽ tác động lớn đến công tác tuyển sinh của các trường nhóm dưới. Để thu hút thí sinh vào trường, các trường phải mang đến cho thí sinh nhiều thông tin, hình ảnh và đặc biệt chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm để thí sinh chọn đăng ký vào trường.
Về việc không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật. Các trường cần phân tích kỹ thông tin thí sinh đăng ký, dự báo số lượng ảo một cách hợp lý và tham gia phần mềm xử lý chung của Bộ thì mới có thể tuyển được số lượng thí sinh theo yêu cầu.
Mặt khác, với số lượng đăng ký nguyện vọng không hạn chế thì rất có thể các thí sinh trúng tuyển vào các nguyện vọng với mức ưu tiên thấp sẽ không nhập học. Điều này các trường cũng cần rất chú ý khi xét tuyển.
Thưa PGS.TS, cùng với chủ trương bỏ điểm sàn, Bộ GD&ĐT cần có những chế tài gì để quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục ĐH?
- Một trong những đề xuất hiện nay là chỉ cho phép tự xác định điểm sàn cho những cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định.
Ngoài ra, để đảm bảo và nâng cao chất lượng của các trường đại học, thiết nghĩ Bộ cần điều chỉnh tăng dần các quy định về đội ngũ, cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo đại học, có các chế tài động viên và bắt buộc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định này và xử lý nghiêm các trường vi phạm.
Xin cảm ơn PGS.TS!