Bạn có thể điểm qua 10 câu hỏi sau và cùng kiểm tra với anh xã. Chỉ cần có một câu trả lời đúng, cả hai cũng nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
1. Kinh nguyệt của bạn không đều đặn?
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, quá ngắn hoặc quá dài, có thể là cảnh báo cho dấu hiệu vô sinh ở nữ. Khi phát hiện chu kỳ đèn đỏ của mình ít hơn 24 ngày, hay nhiều hơn 35 ngày, hoặc thời điểm đến và đi rất thất thường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với chuyên gia hiếm muộn, bác sĩ phụ khoa để kiểm tra và thăm khám. Kinh nguyệt không đều có liên quan mật thiết đến sự rụng trứng.
Kinh nguyệt đều đặn là dấu hiệu của việc rụng trứng đều đặn.
2. Bạn ra máu nhiều bất thường vào "ngày đèn đỏ" và thường xuyên bị chuột rút?
Vào chu kỳ kinh nguyệt, ra máu khoảng 3-7 ngày được xem là bình thường. Tuy nhiên, nếu máu có dấu hiệu ra rất ít, hoặc quá nhiều và làm bạn mệt mỏi, bạn nên đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý đến các dấu hiệu khác như lượng máu ra hàng tháng khác nhau, màu sắc bất thường, thời gian kéo dài, thường xuyên bị vọp bẻ. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây rắc rối cho khả năng sinh sản của bạn.
3. Bạn đã quá 35 tuổi?
Nếu đã vượt qua ngưỡng 35 tuổi, khả năng bạn phải đối diện với nguy cơ vô sinh là khá cao. Ở tuổi 30, cơ hội thụ thai thành công của phụ nữ là khoảng 20%. Con số này giảm xuống còn 5% ở tuổi 40. Nếu đã 35 tuổi và cố gắng thụ thai 6 tháng nhưng vẫn chưa thành, bạn nên nhờ đến sự can thiệp của y học.
4. Chồng có dấu hiệu “bất lực” hoặc gặp các vấn đề về xuất tinh?
Dấu hiệu vô sinh ở nam thông thường không quá rõ ràng để xác định như ở nữ giới. Đôi khi, phái mạnh vẫn rất hết mình và khỏe khoắn trong chuyện “chăn gối” nhưng chất lượng tinh tr.ùng yếu lại cản trở hành trình làm cha. Chỉ y học mới có thể giải quyết vấn đề này. Nếu anh xã nhà bạn gặp khó khăn với chuyện “lên đỉnh” hay xuất tinh, có thể anh ấy đang mắc chứng vô sinh nam.
Nam giới nên xét nghiệm tinh dịch đồ để biết mình có bị hiếm muộn hay không.
5. Bạn có thiếu cân hay thừa cân?
Cân nặng cũng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Thân hình quá mỏng hay quá béo rất dễ dẫn đến tình trạng vô sinh. Vấn đề sinh sản của bạn sẽ bị tác động bởi chế độ tập thể dục khắc nghiệt, ăn kiêng nghèo nàn. Hãy kiểm tra chỉ số BMI của mình để xác định xem liệu bạn có đang ở trong phạm vi an toàn hay không.
6. Bạn từng nhiều lần liên tiếp bị sảy thai?
Tình trạng không mong muốn này có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bất cứ ai, và chiếm khoảng 10-20% tỷ lệ phụ nữ mang thai. Các bác sĩ sẽ không chẩn đoán nguyên nhân vô sinh từ sảy thai trừ khi bạn đã lần thứ 3 bị sảy.
7. Bạn hoặc chồng mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tuyến giáp hay tăng huyết áp?
Những phương pháp điều trị áp dụng cho các chứng bệnh mãn tính không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam lẫn nữ. Insulin, thuốc chống trầm cảm, kích thích tố tuyến giáp đều dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt không đều. Tagamet, thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và một số loại thuốc trị tăng huyết áp có thể gây ra vô sinh nam, trong đó việc sản xuất tinh tr.ùng và khả năng thụ tinh cùng trứng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Xạ trị gần cơ quan sinh sản rất dễ gây vô sinh.
8. Bạn hoặc chồng từng điều trị ung thư trong quá khứ?
Một số phương pháp điều trị ung thư có thể dẫn đến các rắc rối về khả năng sinh sản. Nếu bạn hoặc chồng đã trải qua điều trị ung thư, đặc biệt là xạ trị gần cơ quan sinh sản, khả năng vô sinh là rất cao.
9. Bạn hoặc chồng có tiền sử mắc bệnh lây qua đường tình d.ục (STDs)?
STDs nằm trong top đầu những nguyên nhân gây vô sinh. Nhiễm trùng và viêm từ vi khuẩn chlamydia hoặc bệnh lậu gây tắc nghẽn ống dẫn trứng, cản trở quá trình mang thai, hoặc tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
10. Bạn hoặc chồng có thói quen hút thuốc, uống rượu?
Hút thuốc và uống rượu rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Hút thuốc liên quan đến vấn đề thụ thai ở phụ nữ, nghiện rượu lại liên quan đến vô sinh ở cả nam và nữ.