'Trà dư tửu hậu' ngày Xuân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày Xuân nhàn rảnh, nhấp chén trà - thưởng ly rượu thấy vị ngọt hay nồng cay khác với ngày thường.

Người xưa thưởng trà với tất cả tâm tình. Ảnh minh hoạ: IT
Người xưa thưởng trà với tất cả tâm tình. Ảnh minh hoạ: IT

Lại nghĩ quẩn quanh đến những chuyện xưa cũ, chuyện thời cuộc.

1. Nói đến thưởng trà, người Việt sành sỏi chắc cũng biết đến sách “Trà Kinh” của Nhan Như Uyên Mặc Vũ Thế Ngọc. Ông quả quyết rằng, Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người. Người Việt đã uống trà cả ngàn năm nay… mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và cho đến chết vẫn còn được tẩm liệm với trà.

Ấy thế nhưng Việt Nam lại không có nổi trà đạo, đó là điều khác với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước có nền văn hoá trà độc đáo. Vì sao vậy, hay vì tiền nhân không muốn đi theo con đường rề rà, lách cách… trong khi còn toan lo đến những chuyện cơm áo gạo tiền?

Nói thế cũng là một cái lý thực tế, nhưng xem các cụ xưa uống trà thì vỡ lẽ cái đạo đã nằm ngay trong huyết quản của những người sành trà. Chúng ta không có các loại trà đắt như vàng - kiểu như Trảm mã, Long tĩnh, Vũ di… nhưng cái đắt của đạo trà Việt chính là tấm lòng.

Chẳng phải thế sao mà người xưa vẫn nhắc “trà tam, rượu tứ”. Uống trà là thứ không thể ồn ào, nhưng cũng không thể quá lặng lẽ. Nó không phải là thứ để tròn trẵn phân phe, mà phải vững vàng như kiềng ba chân. Có chính kiến, có cảm thụ, có phải trái đúng sai… như tri âm bàn luận sự đời mà không phải giấu đút những hèn kém cá nhân.

Nếu nói người xưa không biết thưởng trà thì là một sai lầm quá đáng. Giai thoại người ăn mày uống trà đã phần nào chỉ ra sự sành sỏi ấy. Chuyện rằng, ngày xưa có một người ăn mày gõ gậy vào một nhà phú hộ, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng trà. Thấy mặt mũi người ăn mày không đến nỗi bẩn thỉu, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn gì.

Tên ăn mày lễ phép xin chủ nhân cho hắn uống trà và rụt rè ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới. Hắn giở cái bị ăn mày, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Hắn xin phép đâu đấy rồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân.

Uống xong hai chén hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay thưa với chủ nhà rằng, bình trà có lẫn mùi trấu. Mọi người cho là một thằng điên không để ý, nhưng buổi chiều cả nhà đều kinh sợ người ăn mày vì ở lọ trà đánh đổ, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu.

Thực ra chuyện này đã được Nguyễn Tuân kể trong truyện ngắn “Những chiếc ấm đất”. Nhưng ông cụ Sáu mà Nguyễn Tuân lấy làm nhân vật “nghiện trà” cũng chẳng khác gì người ăn mày xin trà năm xưa.

Như nhà sư già thở dài cùng sư bác: “Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu… đến nhiều khi lầm lỗi. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu”.

“Bán dạ tam bôi tửu/Bình minh sổ trản trà/Nhật nhật cứ như thử/Lương y bất đáo gia” - cái triết lý uống trà để dưỡng thân dưỡng trí của người xưa xem ra cũng là một phương thuốc lạ. Còn người nay, có lẽ không còn ai có đam mê đến độ “phá hết cơ nghiệp” vì trà. Trà cũng đã chuyển sang một giai điệu khác, nhẹ nhàng hơn và cũng tàn phai hơn.

Người nay uống bia rượu theo kiểu… thi đua!. Ảnh minh hoạ IT.

Người nay uống bia rượu theo kiểu… thi đua!. Ảnh minh hoạ IT.

2. Triết lý người Việt xưa, nếu buổi sáng uống trà thì buổi tối uống rượu - thầy thuốc sẽ không phải đến nhà. Đó cũng chỉ là một sự mơ hồ định tính, nhưng gửi gắm những định lượng chuẩn mực cho việc ăn uống điều độ để giữ an thân thể.

Ngày Xuân người ta thường uống rượu, nhưng rượu Xuân không biết cách uống thì cũng lợi ít hại nhiều. Người nay uống rượu, hầu như chỉ để lấy no bụng, ít khi biết thấy cái ngon cái thú vị ở đời.

Thế nên những hò dô, những vào ba ra bảy… đã khiến không ít những thân thể cường tráng trở nên héo hon và tinh thần mẫn tiệp bỗng thành ngơ ngác.

Ngày Xuân nhàn rảnh cũng nên bớt chút ít cuộc vui ồn ã để xem người xưa thưởng rượu đẹp đẽ và chừng mực biết nhường nào. Cũng vẫn là nhà văn Nguyễn Tuân, trong truyện “Hương Cuội” kể về cụ Kép với tiệc rượu Thạch Lan Hương. Cứ đúng Rằm tháng Giêng, vào buổi tối cụ đốt đèn lồng treo ở vườn đào, trông vào tiệc rượu hoa, uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha.

Người con trai cho rằng như vậy sẽ xót ruột. Cụ Kép giảng giải rằng, người sành rượu uống lúc thanh tâm, lúc vui chén không dùng những đồ nhắm mặn như thịt cá. Các cụ ngồi với nhau đều úp lòng tay, ai cao tuổi xin nhấp trước. Và thường trong cuộc rượu người xưa, sự ồn ào không thể thay cho những cái hay cái đẹp của con chữ. Mỗi chén rượu ngừng là một lời thơ ngâm trong trẻo.

Nói thế không phải người xưa uống ít rượu: “Một ly hợp lẽ tự nhiên/ Ba ly đạo lớn thông lên tận giời”. Tuy vậy, việc uống nhiều hay ít còn phụ thuộc cảm hứng, nhưng đều giữ đức hạnh: “Trời đất đã nhiều phen nghiêng chén/Ta say mèm chẳng thẹn cùng ai/Thánh nhân thích rượu mới hay/Hiền nhân say tít cung mây, càng hiền/Thì phải ước thần tiên chi nữa/Thánh với hiền đã đủ thần tiên”.

Xã hội càng phát triển, văn hoá gia đình càng phải được bảo lưu để phát huy các giá trị đạo đức. Ảnh minh họa IT.

Xã hội càng phát triển, văn hoá gia đình càng phải được bảo lưu để phát huy các giá trị đạo đức. Ảnh minh họa IT.

3. Dù là “rượu đầy, trà vơi” nhưng ngày Xuân cũng là thời gian nghĩ về văn hoá gia đình, về nền nếp gia phong lễ nghĩa đương lúc tàn phai. Tết sum họp cũng bộc lộ trước mắt bao nhiêu những rơi rụng mất mát của nếp sống có trên có dưới, có trước có sau, có tình có nghĩa.

Đâu rồi nghĩa huynh đệ ngựa đau bỏ cỏ? Đâu rồi cảnh hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau? Cuộc sống càng mới, lại càng giống như một bức tường cũ hoang hoá rơi rụng. Tình người, tình anh em, sự gắn bó đoàn viên cứ giống như bát thịt đông gặp ngày nồm ẩm, tất cả cứ rữa ra không thể kết lại gần nhau.

Đèn nhà ai người nấy rạng, cơm nhà ai người nấy ăn, không ai quan tâm ai. Tinh thần bầu bí, tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn… đã trở thành một nếp sống xa lạ. Con người thờ ơ với nỗi đau của đồng loại, sẵn sàng “nói chuyện” với nhau bằng vũ lực.

Xã hội hiện đại, gia phong trong các gia đình nhạt dần, nhiều nơi mất hẳn. Xét về khía cạnh văn hoá, đó là mối lo kèm theo mối hoạ, đúng như miêu tả của nhà thơ Trần Tế Xương gần trăm năm trước: “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”.

Có người bàn rằng, các giá trị gia đình - con người ở Việt Nam mất đi là bởi sự đứt gãy văn hóa. Lời bàn ấy không sai, nhưng có lẽ chưa thật đủ, vì ngay trong các gia đình sự gắn bó không còn là bởi mất đi các giá trị truyền thống mang tính kế thừa nối tiếp.

Gia phong gia đình được hình thành từ ba yếu tố: Gia giáo, gia lễ, gia phả. Có gia đình thêm yếu tố gia huấn và gia pháp. Gia phong của một gia đình chỉ được giữ vững khi có gia giáo, tức là sự giáo dục chuẩn mực. Nền tảng giáo dục và phương pháp giáo dục thế nào sẽ tạo ra những con người thế ấy.

Trong giáo dục gia đình, người xưa đề cao gia lễ - giống như “tiên học lễ” - gồm cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử - học ăn, học nói để rồi sau đó học gói, học mở. Điều này thì hầu như cha mẹ nào cũng dạy, nhưng có lẽ bởi sự dạy dỗ không đúng và không thật bền bỉ nên “sai một li đi một dặm”.

Nhiều người trẻ dè bỉu khi nghe cha mẹ nói về gia phong, cháu chắt coi ông bà là lạc hậu khi nói về mỹ tục. Một ví dụ rất nhẹ mà chúng ta thấy phổ biến hiện nay, đa số các đôi yêu nhau đều “ăn cơm trước kẻng”. Một số chờ đợi bạn gái có bầu rồi mới cưới, một số bậc cha mẹ - thay vì giáo dục con cái đúng hướng, lại rất đồng tình về quan niệm này.

Quan niệm thay đổi dẫn theo lối sống đổi thay. Gia lễ không còn được người trẻ coi trọng, và thậm chí nhiều người chưa từng được nghe. Bởi vậy, trong xã hội hiện đại, thay vì lễ - người ta sẵn sàng buông ra lời nói và hành động theo kiểu “ai tốt với mình thì mình tốt lại”. Và có người vận dụng đời sống phương Tây, nói rằng họ không cần lễ mà vẫn văn minh.

Đó là góc nhìn thiển cận, bởi lễ trong gia đình phương Tây không phô qua hình thức bên ngoài. Họ quan niệm rằng, có ba điều bất hạnh đó là cái chết, tuổi già và những đứa con hư. Thế nên chúng ta không nên phân biệt phương Tây và phương Đông - nơi nào hơn kém nhau.

Bởi văn hoá gia đình luôn mang sắc thái vùng miền địa lý, điều kiện sống và cách thức tỏ bày. Như gia phong của gia đình Hà Nội khác với xứ Huế, hoặc gia phong của gia đình miền Trung không giống của miền Nam.

Cũng bởi nhận thấy các giá trị gia đình bị tàn phai, mà Văn kiện Ðại hội XIII trong định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người - đã đặt nhiệm vụ hàng đầu xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ