Tham dự buổi khai mạc, đông đảo khán giả được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào của các liền anh, liền chị; nghe hát Xoan Phú Thọ, hát hầu đồng…
Khán giả thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ tại lễ khai mạc |
11 di sản gồm: tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; nghi lễ và trò chơi kéo co; dân ca ví, giặm; đờn ca tài tử Nam Bộ; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; hát xoan ở Phú Thọ; hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc; hát ca trù; dân ca quan họ Bắc Ninh; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc cung đình Huế.
Mỗi di sản được dành khoảng 30 trang, chọn lọc qua hàng nghìn tấm ảnh mà nhiếp ảnh gia đã đến tận vùng đất - nơi khai sinh ra những di sản văn hoá phi vật thể ấy để ghi lại.
Không gian triển lãm ảnh tại đường sách Nguyễn Văn Bình |
Phát biểu tại lễ khai mạc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ: “Những chặng bay triền miên, những chuyến đi dài ngày, những mệt mỏi vất vả dường như tan biến khi tôi được tìm hiểu những di sản của cha ông để lại, được tiếp xúc với những nghệ sĩ, nghệ nhân, những vị giáo sư, những nhà khoa học, trí thức, nông dân…
Họ đến từ nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng tựu trung trong những con người vĩ đại đó là khát khao được cống hiến, xây dựng, phát triển và gìn giữ, bảo tồn những Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này khiến tôi luôn háo hức muốn được tìm hiểu sâu hơn và càng trân trọng họ biết bao…”.
TS. Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỹ lục Việt Nam, cho rằng bộ sách ảnh là những tác phẩm bằng sử học quý giá.
Triển lãm diễn ra từ 13-15/1 tại đường sách Nguyễn Văn Bình.