TPHCM: Tăng cường phòng cháy chữa cháy bằng việc gắn với phong trào

GD&TĐ -Tình hình cháy nổ ở TPHCM và cả nước diễn biến phức tạp, TPHCM xác định phòng cháy chữa cháy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Vận động viên tham gia Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024.
Vận động viên tham gia Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024.

Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn TPHCM và cả nước vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia các phong trào như "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" và "Nhà tôi có 3", gồm: Có thiết bị cảnh báo cháy, có mặt nạ phòng độc và có lối thoát nạn thứ 2.

Một ngày làm lính cứu hỏa

Một ngày làm lính cứu hỏa do Công an TPHCM tổ chức với mô hình cháy giả lập. Tại đây, người dân được hướng dẫn xử lý tình huống cháy, sử dụng bình chữa cháy, tập luyện các động tác thoát hiểm an toàn.

Có học sinh tham gia Chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa”, cô Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Phú, Quận 7 (TPHCM), cho biết, chương trình giúp các em học các kỹ năng thực tế tại cơ sở, có thêm trải nghiệm dựa trên những kỹ năng được học tại trường.

“Đánh giá được sự quan trọng của việc có kỹ năng xử lý và thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra, phụ huynh hoàn toàn đồng tình và ủng hộ các em tham gia trải nghiệm. Đặc biệt, chương trình trải nghiệm hoàn toàn miễn phí và được giám sát chặt chẽ nên phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm để con mình trải nghiệm”, cô Chi cho hay.

58806d3ee172582c0163-6696.jpg
Chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa” được tổ chức thường xuyên nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục từ trẻ mầm non đến các bạn học sinh, sinh viên các kỹ năng cơ bản khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại khu vực nhà ở, trường học, cơ sở hay văn phòng làm việc.

Đại diện Phòng PC07, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng – Bí thư Đoàn Phòng PC07 Công an TPHCM cho biết, tất các các em được trải nghiệm trong môi trường an toàn, khói nhân tạo không gây độc hại, các chiến sĩ theo sát hướng dẫn, bảo vệ các em trong suốt quá trình tham gia chương trình.

Chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa” tổ chức thường xuyên, nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục từ trẻ mầm non đến các bạn học sinh, sinh viên các kỹ năng cơ bản khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại khu vực nhà ở, trường học, cơ sở hay văn phòng làm việc.

“Các em được trang bị kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân và gia đình khi có sự cố xảy ra. Hoạt động giúp trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết để các em rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự lực, nhạy bén, ứng phó với các tình huống không may xảy ra, tự bảo vệ bản thân, đảm bảo sự an toàn, tự tin trong cuộc sống”, Thiếu tá Tùng nói.

Đặt an toàn tính mạng người dân lên trên hết

"An toàn cháy nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, chúng ta cần đặt an toàn tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Đây là nội dung trong thư ngỏ mà Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TPHCM gửi các cấp chính quyền, tổ chức, người dân về công tác phòng cháy chữa cháy.

img-9988-1-5001.jpg
Tham gia Chương trình ''Một ngày làm lính cứu hỏa" giúp trang bị kỹ năng xử lý và thoát hiểm cho các em khi có sự cố xảy ra.

Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, tình hình cháy diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu được xác định do nhiều đơn vị, tổ chức và người dân còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy; việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. TPHCM xác định phòng cháy chữa cháy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, công tác phòng cháy chữa cháy đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, phong trào Toàn dân phòng cháy chữa cháy đã lan tỏa sâu rộng với nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực. TPHCM tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy chữa cháy, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Với quan điểm người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, Công an TPHCM đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn TPHCM tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đạt được.

img-0067-2-9458.jpg
Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024 diễn ra thành công với sự tham gia của 286 vận động viên.

“Thực hiện tốt các nhiệm vụ và quy định của pháp luật trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gương mẫu đi đầu, quyết tâm xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, phong trào mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 dụng cụ chữa cháy và phong trào "nhà tôi 3 có": Có thiết bị cảnh báo cháy, có mặt nạ phòng độc, có lối thoát nạn thứ 2, của TPHCM ngày càng vững mạnh, thực chất, hiệu quả”, Trung tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh.

Ngày 4/10/2024, kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (4/10/1961 - 4/10/2024) và 23 năm Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4/10/2001 - 4/10/2024).

Trước đó, ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC”. Đây được coi là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (nay là Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ