TPHCM tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ.

Giờ học của Trẻ trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức, TPHCM).
Giờ học của Trẻ trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức, TPHCM).

Tăng cường huy động các nguồn lực

Sở GD&ĐT TP HCM vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019-2025.

Theo báo cáo, ngân sách dành cho giáo dục luôn được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.

Cùng với đó Ngành GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch... thực hiện mục tiêu đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập, đảm bảo con em nhân dân trên địa bàn thành phố đều được đến trường.

Tính đến năm học 2022-2023, thành phố có 2.716 cơ sở giáo dục, trong đó 1.467 đơn vị công lập và 1.249 đơn vị ngoài công lập; 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài (gồm 19 trường phổ thông nhiều cấp học, 2 trường tiểu học và 14 trường mầm non).

Được biết, hiện thành phố có 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó bao gồm 19 trường phổ thông có nhiều cấp học, 2 trường tiểu học và 14 trường mầm non).

Các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con, em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc làm việc, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Bên cạnh các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài, các trường ngoài công lập nói chung đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của GD&ĐT thành phố.

Qua thống kê, số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục đào tạo ngoài công lập năm 2023 là 173 doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với việc phát triển xã hội hóa giáo dục mầm non ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp, toàn thành phố có 4 trường mầm non ngoài công lập và 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, phục vụ giữ trẻ là con công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và cả trẻ của các hộ dân địa phương.

Các cơ sở này cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi con cho con em công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Khuyến khích xã hội hóa giáo dục

Đánh giá công tác huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết với định hướng khuyến khích xã hội hóa giáo dục và nỗ lực thực hiện của các địa phương, hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT, GDTX, giáo dục nghề nghiệp và đại học ngoài công lập hiện đạt những kết quả nhất định, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phổ cập giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm phối hợp tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy cho học sinh.

Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm phối hợp tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy cho học sinh.

Tuy nhiên, nhận thức về xã hội hóa ở một bộ phận cán bộ, nhân dân còn chưa đầy đủ, tốc độ xã hội hóa còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển giáo dục - đào tạo của Thành phố. Mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới và cơ chế hoạt động luôn là sự cản trở cho những người thực hiện.

Nhu cầu học tập của người dân Thành phố rất lớn, đòi hỏi nhiều loại hình đa dạng nhưng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế, chưa thu hút đông đảo sự tham gia của người dân. Một số quận, huyện chưa bố trí kinh phí để thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, hoạt động chủ yếu lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, dự án nên hiệu quả hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế.

Chế độ chính sách chưa đồng bộ, thiếu và chậm hướng dẫn cụ thể và đặc biệt cơ chế hoạt động của các trường công lập chưa cho phép phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở, của giáo viên. Cơ chế tự chủ nhà trường về tài chính, học phí, tuyển dụng... chưa tạo được động lực lớn để phát triển.

Các cơ sở ngoài công lập tuy tăng nhanh về số lượng nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn hạn chế, phát triển không đồng đều, mới chủ yếu tập trung ở nội thành, nội thị, nơi đông dân. Mức độ phát triển xã hội hóa còn thấp ở khu vực ngoại thành và vùng xa, vùng khó khăn, dịch vụ còn thiếu so với nhu cầu, chất lượng chuyên môn sâu chưa đạt được như khối công lập, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu và yếu, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Tâm lý người dân vẫn còn trông chờ vào sự chăm lo của Nhà nước, chưa tin tưởng vào chất lượng của hệ thống trường ngoài công lập.

Công tác quản lý các trường có vốn đầu tư nước ngoài, công tác quản lý các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học còn nhiều bất cập do chưa có đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý.

Thủ tục đầu tư còn phức tạp, bất cập gây khó khăn cho quá trình vận động đầu tư, giới thiệu dự án và đàm phán cụ thể.

Quản lý hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, quản lý đứt khúc theo cơ cấu quản lý khác nhau của Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đầu tư tản mạn, thiếu tập trung và chưa đúng mức để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất vào mục đích làm cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung hướng dẫn thủ tục giải quyết các trường hợp chuyển địa điểm, chủ trường, chủ nhóm lớp theo nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; đồng thời xem xét điều chỉnh quy định tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường học đối với các khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ