TPHCM sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản nhanh nhất

GD&TĐ - Ngày 27/2, lãnh đạo UBND TPHCM đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.

Doanh nghiệp bất động sản TPHCM vẫn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2021.
Doanh nghiệp bất động sản TPHCM vẫn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2021.

Buổi gặp gỡ đầu năm 2021 với những nội dung chính xoay quanh việc ghi nhận các vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm tìm cách tháo gỡ. 

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: TP hiểu và biết những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt. Trong đó, không chỉ có các khó khăn đến từ phía TP, mà còn có các vướng mắc đến từ trung ương.

Vì vậy, chủ tịch UBND TP cho rằng: Các sở, ban, ngành cùng phải đồng hành và tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nếu không phải quyết kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp, sẽ tác động đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.

“Trách nhiệm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản là trách nhiệm của UBND TP. Việc giúp cho doanh nghiệp bất động sản chính là giúp cho TP. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản tức tìm ra giải pháp thúc đẩy kinh tế TP” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Báo cáo về tình hình bất động sản, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm 30,4% về tổng số căn nhà. Thị trường bất động sản có tốc độ giao dịch chậm, không có dự án nào được UBND TP cho phép chuyển nhượng.

Đối với dự án đã hoàn thiện pháp lý, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp và trung cấp. Điều này dẫn đến cơ cấu sản phẩm mất cân đối, tỉ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%, chiếm tỉ lệ thấp nhất, phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9%, và phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất từ 25,2% lên 42,1%.

“Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.

Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng xử lý hồ sơ còn chậm của một số cơ quan quản lý nhà nước” - ông Khiết phân tích.  

Nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hộ bất động sản TPHCM cho rằng: UBND TP cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhằm tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời các thủ tục về đầu tư xây dựng, đất đai và nhà ở. Đặc biệt là các sở, ngành phải triển khai thực hiện ngay các quy định pháp luật mới về đầu tư xây dựng, đất đai, đề xuất UBND TP thực hiện tránh tình trạng “ách tắc” hồ sơ.

Nhìn nhận sau cuộc gặp gỡ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vào năm 2020, các dự án bất động sản vẫn triển khai rất ì ạch, chủ tịch UBND TP cho biết sẽ cố gắng tháo gỡ những khó khăn một cách nhanh nhất.

“Không chỉ dự án của các doanh nghiệp, nhiều dự án liên quan đến nhà công, đất công TP cũng phải dừng lại vì vướng công tác kiểm tra, thanh tra. Chúng tôi hiểu khó khăn của các doanh nghiệp, vì chậm trễ một ngày là thêm phần khó khăn và tốn hao thêm chi phí.

Vì vậy, các sở ban, ngành như Sở KH&ĐT TP, Sở Xây dựng TP, Sở TN&T TP cần nhanh chóng ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Riêng 61 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục đầu tư, tôi giao Giám đốc Sở KH&ĐT TP nghiên cứu hồ sơ báo cáo tổ công tác đầu tư của TP các nội dung trên chậm nhất đến ngày 15/4 phải xong” - chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ