TPHCM: Nỗ lực nâng cao cơ sở vật chất trường học

GD&TĐ - Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết: Mỗi năm, TP tăng khoảng 60.000 HS là khó khăn lớn cho ngành giáo dục TP HCM. 

Cô và trò Trường MN Hoàng Yến (quận Thủ Đức) trong ngày khánh thành trường
Cô và trò Trường MN Hoàng Yến (quận Thủ Đức) trong ngày khánh thành trường

Nhưng chủ trương của TP là đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả con em dù có hộ khẩu hay không. Vì vậy, TP đang nỗ lực xây dựng trường lớp và đã quy hoạch xây dựng trường lớp cụ thể cho từng quận, huyện để làm sao có đất xây dựng trường lớp đáp ứng theo mức tăng HS thực tế.

Năm học vừa qua, TPHCM đã rất nỗ lực xây dựng thêm trường, lớp với gần 2.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng với ngân sách đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đây được coi là một trong những thành công lớn nhất của TPHCM trong năm học vừa qua.

 Những nỗ lực về CSVC cho năm học mới

Theo đó, các phòng học mới được xây dựng tập trung tại các địa bàn đang chịu áp lực sĩ số HS cao. Cụ thể, quận 12 xây 135 phòng học, quận Bình Tân xây 176 phòng học; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi lần lượt đưa vào sử dụng 330, 248, 193 phòng học mới… Bên cạnh phòng học mới, thành phố đã chi khoảng 82 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài ra, năm học 2016-2017, thành phố đang thực hiện xây dựng trường mầm non với 86 dự án, hơn 1.000 phòng học.

Trong số các trường học được xây mới năm học vừa qua, phải kể đến là các trường MN tại các khu chế xuất được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân trên địa bàn. Cụ thể tại quận Thủ Đức có 2 trường MN được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2016 -2017 là trường MN Hoàng Yến và Hoa Đào với tổng 34 phòng học và kinh phí đầu tư cho hai trường hơn 100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tương tự, tại quận 7, trường MN Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cũng đã đưa vào sử dụng trong năm học vừa qua với 17 phòng học, đáp ứng khoảng hơn 500 trẻ MN tại địa bàn. Tổng số vốn đầu tư khoảng 53 tỷ đồng từ nguồn vốn vay.

Để có thêm hàng ngàn phòng học trong năm học vừa qua, theo chia sẻ của nhiều quận, huyện, họ đã tìm nhiều giải pháp như cải tạo phòng chức năng, nâng cấp thêm số tầng với tòa nhà hiện tại, hoặc trong dự án xây mới xin giấy phép vượt chuẩn tầng hoặc mở phân hiệu.

Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân. Trong đó, 70% số đó là trường công lập, 30% là trường ngoài công lập. Để hoàn thành mục tiêu này, TPHCM đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 với 722 dự án, quy mô 12.785 phòng học.

Bước vào năm học mới, 2017-2018, số HS tại TPHCM tiếp tục tăng hơn 59.000 HS. Nhằm đảm bảo 100% chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thời gian qua, các quận, huyện đã rất nỗ lực cải tạo, xây mới trường, lớp, dự kiến đầu năm học sẽ đưa vào sử dụng thêm 1.497 phòng học. Trong đó bậc MN tăng 370 phòng, tiểu học tăng 349 phòng, THCS tăng 422 phòng, THPT tăng 314 phòng và các hệ thống khác như TT GDTX, giáo dục chuyên biệt tăng 29 phòng. Ngoài ra, công tác sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học đối với khối quận huyện đã được cấp 438.422 triệu đồng trong hè; khối THPT, trực thuộc, TT GDTX khoảng hơn 850.000 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.