TPHCM: Ngày 7/2/2021, bộ máy của Thủ Đức chính thức hoạt động

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đến ngày 7/2/2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội ở TP Thủ Đức... chính thức đi vào hoạt động.

Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo TPHCM nhận Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức từ Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo TPHCM nhận Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức từ Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Trong ngày cuối cùng của năm -  31/12/2020, TPHCM đã đón nhận Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh rằng, vấn đề trước mắt là ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự khi tiến hành sáp nhập 3 quận, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp. Ngày 7/2/2021, bộ máy TP Thủ Đức chính thức được thành lập.

"Đến ngày 7/2/2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội ở TP Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, ban hành các quyết định thành lập Ủy ban bầu cử, tổ bầu cử theo đúng quy định", ông Phong nói.

Từ ngày 7/2-23/5/2021, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 là HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. 

Đồng thời, triển khai thực hiện các hướng dẫn trong việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, kinh doanh cho cá nhân, tổ chức với nguyên tắc "không thu các loại lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới hành chính".

Sau đó, các cơ quan chức năng TPHCM và TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách để hoạt động TP Thủ Đức đạt hiệu quả, hiệu lực cao nhất. 

Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết tập trung lập quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức, trong đó chú trọng quy hoạch theo hướng phát huy vai trò các cực tăng trưởng của TP Thủ Đức. Đồng thời, tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức và nâng cao đời sống người dân.

Đó là trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái khu vực Tam Đa và đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - khu đô thị tương lai.

Trước mắt, nghiên cứu mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh khu phía Đông gắn với các trung tâm phát triển, khu dân cư mới và kết nối tuyến metro 1 đang hình thành. Phát triển mạng lưới giao thông thủy, taxi thủy, buýt sông.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng hiện hữu của TP Thủ Đức, với các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 như xây dựng hệ thống thoát nước, cải tạo rạch, công trình chống sạt lở bờ tả sông Sài Gòn, xây dựng và vận hành 3 cống ngăn triều kết hợp trạm bơm của dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm)... 

Các tuyến đường chính của TP Thủ Đức cũng được nâng cấp, mở rộng như: đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, quốc lộ 13 cũ, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp, Tô Ngọc Vân, Lương Định Của; xây dựng tuyến vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, Quốc lộ 1. 

TP Thủ Đức sẽ có một số trạm ép rác kín, trạm trung chuyển rác theo công nghệ mới; Công viên trung tâm đa chức năng kết hợp hồ điều tiết khu vực phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh; bệnh viện quy mô 1.000 giường tại phường Trường Thạnh...

Để TP Thủ Đức trở thành hình mẫu về phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường của TPHCM, nơi đây sẽ được đầu tư tăng cường mảng xanh khoảng 1 triệu cây xanh tại các công viên, tuyến đường. 

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ