TPHCM: Doanh nghiệp vẫn 'khát' lao động

GD&TĐ - Để tuyển dụng được lao động, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương cao gần gấp đôi so với trước, song số lượng hồ sơ xin việc nhận được khá thưa thớt.

Sinh viên tìm kiếm việc làm tại Ngày hội việc làm của Trường Đại học Công nghệ TPHCM.
Sinh viên tìm kiếm việc làm tại Ngày hội việc làm của Trường Đại học Công nghệ TPHCM.

Nhu cầu lao động vẫn cao

Những ngày gần đây, trên nhiều tuyến đường trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) có khá nhiều điểm tiếp nhận hồ sơ tìm việc làm. Trước cổng nhiều công ty còn treo bảng thông báo tuyển dụng. Doanh nghiệp đưa ra mức lương từ 7 triệu đồng đến hơn 12 triệu đồng/tháng, song khá vắng người lao động tìm đến.

Theo chia sẻ của đại diện một số doanh nghiệp, cần gấp lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất kịp thời cho các đơn hàng nên buộc phải đưa ra mức lương cao gần gấp rưỡi so với trước để “hút” lao động.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (huyện Bình Chánh) cho biết, tháng 4 - 5 vừa qua, đơn hàng tăng “nóng” (nhất là thị trường các nước Trung Đông) nên công nhân bận rộn sản xuất ngày đêm.

“Sản lượng đơn hàng công ty tính đến hết tháng 5/2024 tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, đây là thời cơ để công ty bù đắp những thời điểm không có đơn hàng. Dony thường xuyên phải tuyển dụng thêm 20% lao động và cũng tăng ca để kịp hoàn tất đơn hàng cho đối tác”, ông Quang Anh chia sẻ.

Đứng tần ngần trước bảng tuyển dụng trên đường Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), anh Võ Minh Hiếu quyết định chưa nộp hồ sơ, quay về làm thợ hồ đến cuối năm, chờ tìm việc khác ổn định hơn.

“Tôi mới nghỉ việc ở một công ty gỗ hồi đầu năm 2024, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và chờ rút bảo hiểm xã hội một lần sau 22 năm làm việc. Vì vậy, tôi chọn việc bán thời gian hoặc công việc không ký hợp đồng lao động, chứ không chọn việc chính thức. Hơn nữa, lương lao động phổ thông chỉ 7 - 8 triệu đồng thì không đủ sống. Làm phụ hồ tôi cũng kiếm được 400.000 đồng/ngày công”, anh Hiếu chia sẻ.

Tình trạng thiếu lao động cũng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM) đang tuyển lao động với thu nhập 9 - 14 triệu/tháng (bao gồm lương cơ bản và các khoản bảo hiểm xã hội, tiền chuyên cần, tăng ca, phụ cấp đi lại)...

Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam (Khu chế xuất Tân Thuận) cũng đang tuyển 300 lao động phổ thông cho việc lắp ráp bộ dây điện trong xe hơi. Công ty TNHH Nissey Việt Nam cần tuyển gấp 200 lao động phổ thông (nam từ 18 - 30 tuổi, nữ 18 - 40 tuổi). Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng đang có nhu cầu tuyển hơn 100 lao động (chỉ yêu cầu có sức khỏe, không yêu cầu độ tuổi).

Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH May mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi, TPHCM) cho hay, đang tuyển từ 100 - 150 công nhân để bổ sung cho số người đã nghỉ việc. Theo bà Hiền, dù tuyển được nhân sự, nhưng sau đó nhiều người lại nghỉ việc. Vì đó, lúc nào công ty cũng thiếu lao động.

“Đơn hàng đang đổ về mạnh. Do vậy, bộ phận nhân sự của công ty đang rao tuyển gần 100 lao động để đáp ứng kế hoạch mở thêm một chuyền sản xuất trong tháng 6 này”, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) cho biết.

Theo tìm hiểu, do tình trạng thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng dẫn đến cách doanh nghiệp chào mời tuyển dụng cũng hấp dẫn và có nhiều thay đổi so với trước. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ ghi rõ trong mục phúc lợi: Chỗ làm việc có máy lạnh, thưởng tiền cho nhân viên mới… Đặc biệt, doanh nghiệp cũng nhấn mạnh công việc mang tính ổn định, lâu dài để “hút” công nhân.

Tổng Công ty CP may Việt Tiến vẫn đang có nhu cầu tuyển hàng trăm nhân sự đến hết tháng 6 để làm việc tại các nhà máy nằm ở quận Tân Bình, quận Tân Phú, Quận 12 và TP Thủ Đức.

Mức thu nhập dành cho mỗi nhân sự tại doanh nghiệp này dao động 11 - 30 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, người lao động được lo bữa trưa miễn phí, được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, được thưởng lễ, Tết, lương tháng 13, hưởng lương thời gian và thưởng theo kết quả sản xuất...

Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đang thiếu lượng lớn lao động phổ thông.

Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đang thiếu lượng lớn lao động phổ thông.

Thay đổi để giữ nhân sự

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, có 48.837 vị trí tuyển dụng và 8.568 người lao động tìm việc trong 5 tháng đầu năm 2024. Trong số đó, ghi nhận tới 15.374 công việc ngành lao động phổ thông.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội gặp khó khăn đã tác động mạnh đến thị trường lao động.

Hàng nghìn lao động bị mất việc, giảm giờ làm ở các lĩnh vực như: Dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến gỗ... Không thể tham gia thị trường lao động, nhiều người trở về quê và đã ổn định cuộc sống, không còn trở lại thành phố.

Sau khi có đơn hàng trở lại, nhiều doanh nghiệp đồng loạt tuyển số lượng lao động lớn với mức lương có tăng, nhưng mức sống tại TPHCM khá cao nên những mức lương này chưa thực sự hấp dẫn.

“Các thông tin tuyển dụng tuy đưa ra mức thu nhập có tính khuyến khích, có tiền thưởng dành cho cả người giới thiệu, song công việc chưa thể hiện được tính ổn định lâu dài nên khó thu hút lao động”, ông Tuấn nhìn nhận.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dệt may, da giày tại TPHCM đang rất “khát” lao động phổ thông.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dệt may, da giày tại TPHCM đang rất “khát” lao động phổ thông.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM nhận định, các doanh nghiệp hiện nay khó tuyển dụng vì lao động phổ thông có nhiều lựa chọn. Họ không nhất thiết phải làm việc ở nhà máy.

Đơn cử như tham gia lực lượng tài xế công nghệ, bán hàng... “Đây là những công việc dịch vụ có ưu thế chủ động thời gian, không gò bó về không gian làm việc đang được nhiều người, nhất là lao động trẻ lựa chọn”, bà Thục nói thêm.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Anh Tuấn, đánh giá xu hướng thị trường lao động đang mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức trước khi kinh tế suy thoái.

Trước thực tế này, các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hóa và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động.

“Quá trình tái cơ cấu này là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cho phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo”, ông Tuấn nhận xét.

Báo cáo quý I/2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy, khoảng 43,18% người lao động có nhu cầu tìm việc với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, với mức lương 5 triệu đồng/tháng, chỉ có 0,77% trong tổng số nhu cầu của người lao động tìm việc (chủ yếu cho các công việc thực tập, phục vụ, bán hàng…).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.