Khoảng 10 năm về trước, gia đình ông Nguyễn Tấn Phong (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) chủ yếu làm lúa nước, cuộc sống bấp bênh. Được sự vận động của UBND, Hội Nông dân xã Bình Lợi giới thiệu vay vốn tín dụng thông qua các chính sách hỗ trợ lãi vay, ông Phong đã mạnh dạn chuyển đổi sang đầu tư nuôi cá kiểng.
Hiện nay, nhờ kịp thời chuyển đổi mô hình sản xuất đã giúp gia đình ông Phong có cuộc sống khá giả, giúp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tiếp sức kịp thời, nhiều người nghèo vươn lên khấm khá
Anh Nguyễn Thanh Tùng (khu phố 7, phường Linh Đông, TP Thủ Đức) cho biết nhờ vay vốn lãi suất ưu đãi và vay không lãi từ nguồn vốn của Hội Nông dân phường đã giúp gia đình có công việc ổn định, thoát nghèo.
Theo anh Tùng, nhà ở phường Linh Đông nhưng anh phải qua phường Tam Phú (TP Thủ Đức) mới có đất thuê làm vườn mai.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tùng (khu phố 7, phường Linh Đông, TP Thủ Đức) thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng thông qua các chính sách hỗ trợ lãi vay. Ảnh: N.Vy |
Được Hội Nông dân phường tư vấn, tìm thị trường tiêu thụ cho vườn mai, hỗ trợ vay vốn không lãi để mua phân bón, thuốc men... đến nay cuộc sống gia đình anh Tùng đã dần ổn định hơn.
Cụ thể, từ mô hình trồng mai này, mỗi năm gia đình thu được hơn 200 triệu đồng nhờ hai mảnh vườn thuê, tổng diện tích khoảng 2.000 m2. Trừ chi phí thuê đất, điện, nước, phân bón, thuốc... thu nhập vào khoảng hơn 100 triệu đồng/năm, đảm bảo nhu cầu cơ bản của gia đình.
Trong khi đó, gia đình chị Nguyễn Thị Mai (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) lại thoát nghèo nhờ được vay vốn chính sách từ Nghị quyết 98.
Theo chị Mai, vợ chồng chị thuê mảnh đất gần 2.000 m2 để trồng rau, còn chị bán rau ở chợ. Vốn ít, lại phải thuê nhà nên thiếu trước hụt sau, thêm nuôi hai con ăn học, cuộc sống gia đình càng bấp bênh.
“Nhiều lần cũng tính vay vốn mở rộng làm ăn, nhưng nhà nghèo, không thể vay ngân hàng vì lãi suất cao, nên cuộc sống bấp bênh, hoàn cảnh nghèo cứ đeo đẳng mãi với gia đình tôi”, chị Mai tâm sự.
Mô hình nuôi cá kiểng của gia đình ông Nguyễn Tấn Phong (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh). |
Tuy nhiên, cơ hội đến với gia đình chị khi cuối năm 2023, gia đình chị được chính quyền xã hỗ trợ, giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay đó, gia đình chị thuê được mặt bằng mở quán tạp hóa nhỏ, đầu tư mua phân bón, thuốc… cho vườn rau nên năng suất càng cao và ngày càng khấm khá lên.
“Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi của thành phố, có lẽ cái nghèo sẽ đeo đẳng mãi với gia đình tôi. Có lẽ nói lời cảm ơn là không đủ, chỉ biết cố gắng làm ăn để không phụ sự giúp đỡ từ chính quyền”, chị Mai bộc bạch.
Hiệu quả lớn từ những chương trình tín dụng chính sách xã hội
Có thể thấy, những năm qua Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TPHCM đã cho thấy những kết quả nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM đang thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách chủ yếu trên địa bàn, trong đó, có 04 chương trình được cho vay bằng nguồn vốn địa phương.
Mô hình trồng rau thủy canh mang lại thu nhập ổn định cho nông dân khu vực ngoại thành TPHCM. Ảnh:N.Vy |
Tính đến hết tháng 4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 11.058 tỷ đồng, tăng 8.834 tỷ đồng so năm 2014, với 190.930 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 9.743 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 88,1%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 1.315 tỷ đồng, chiếm 11,9%/tổng dư nợ.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TPHCM, dư nợ tín dụng từ các chương trình tập trung chủ yếu vào 5 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 99% tổng dư nợ.
TPHCM đã ‘về đích’ trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đã đề ra
Qua 3 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững (2021 – 2023), TPHCM đã giảm 30.963 hộ nghèo và giảm 22.046 hộ cận nghèo.
Theo đó, tính đến cuối năm 2023, TPHCM còn 22.867 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó 8.293 hộ nghèo), chiếm tỷ lệ 0,33% trên tổng hộ dân thành phố (cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố); phấn đấu đến cuối năm 2024 TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.
Cụ thể, đầu tiên là Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Dư nợ cho vay của chương trình bao gồm nguồn vốn trung ương và địa phương đạt hơn 8.029 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72,6% tổng dư nợ, với 138.204 khách hàng đang vay vốn. Doanh số cho vay đạt 15.660 tỷ đồng với 304.419 lượt khách hàng được vay vốn.
Thứ 2, Chương trình cho vay Hỗ trợ giảm nghèo. Hiện tại, tổng doanh số cho vay đạt 3.976 tỷ đồng, với trên 68.800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thành phố được vay vốn. Dư nợ chương trình đạt 1.671,2 tỷ đồng, tăng 1.455,3 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, chiếm tỉ trọng 15,1% tổng dư nợ, với 33.690 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo các giai đoạn đang vay vốn.
Thứ 3, Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, được triển khai tại 5 huyện ngoại thành của thành phố, dư nợ đạt 565,3 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 5,1% tổng dư nợ, với trên 32.938 hộ đang vay vốn. Doanh số cho vay đạt 1.917 tỷ đồng, với hơn 120.800 lượt hộ được vay vốn.
Thứ 4, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hiện dư nợ cho vay của chương trình đạt 634,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,7% tổng dư nợ, với hơn 13.226 khách hàng đang vay vốn. Doanh số cho vay đạt 1.909,3 tỷ đồng, với hơn 123.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; doanh số thu nợ đạt 1.323,3 tỷ đồng.
Cuối cùng là Chương trình cho vay Nhà ở Xã hội. Hiện, tổng doanh số cho vay đạt 157,2 tỷ đồng, với 322 lượt khách hàng được vay vốn, tổng doanh số thu nợ đạt 45,5 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ chương trình đạt 111,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1% tổng dư nợ, chưa phát sinh nợ quá hạn, với 291 khách hàng đang vay vốn.