Kiến nghị tháo khó 3 dự án trọng điểm
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tiến độ các dự án ở TPHCM mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kiến nghị giao các bộ ngành nhanh có hướng dẫn để các dự án trọng điểm trong KĐT như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, hồ trung tâm Thủ Thiêm sớm được triển khai.
Vướng mắc mà TPHCM đang gặp phải chính là việc các dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) sắp bị vô hiệu hóa, bởi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực vào đầu năm 2021. Khi đó, theo luật này Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chuyển tiếp dự án BT.
Báo cáo của Chủ tịch TPHCM tại buổi làm việc cho thấy, năm 2020, TP đã giao và phân bố chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là hơn 41 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, TPHCM đã giải ngân được 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch. Nhưng nhiều dự án sử dụng vốn ODA, hợp đồng đối tác công - tư tại TPHCM vẫn bị tắc. Trong đó có vướng mắc liên quan đến thủ tục thanh toán là điển hình.
Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm, các kênh mới… vào dự án BT như chủ trương Thủ tướng đã quyết vào tháng 7/2017 để dự án sớm được triển khai.
Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép nhà đầu tư tiếp tục được triển khai dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City để tránh các tranh chấp pháp lý bất lợi cho phía Việt Nam. Bởi trước đó, TPHCM đã chỉ định Công ty TNHH Lotte Properties HCMC làm chủ đầu tư dự án này nhưng hiện nay dự án vẫn còn vài vướng mắc cần tháo gỡ.
Thời gian qua tại 8 phân khu trong KĐT mới Thủ Thiêm, TP đã triển khai xây dựng hạ tầng khá đồng bộ. Đó là 4 tuyến đường chính đã được triển khai, các tuyến nhánh, khu tái định cư, trung tâm hành chính, nhà ở thương mại kết hợp dịch vụ, khu đa chức năng thể thao và giải trí… Tuy nhiên, các không gian công cộng, không gian xanh… vẫn bị tắc chưa thể triển khai.
Hồn cốt của cả KĐT trong tương lai
Ba dự án trọng điểm trong KĐT mới Thủ Thiêm mà TPHCM kiến nghị Thủ tướng tháo khó để sớm đưa vào triển khai thi công được nhiều chuyên gia đánh giá là hồn cốt của đô thị này. Bởi ngoài việc tạo ra không gian công cộng, vui chơi cho người dân, các dự án trên còn có chức năng điều phối, gìn giữ mảng xanh và hệ sinh thái tự nhiên.
Dự án quảng trường trung tâm KĐT mới Thủ Thiêm (có diện tích 20,72ha) sẽ được quy hoạch thành không gian công cộng lớn nhất của Việt Nam. Quảng trường trung tâm sẽ là điểm nhấn của cả KĐT mới Thủ Thiêm với chiều dài khoảng 700 mét, chiều rộng từ 80 – 200 mét. Quảng trường sẽ là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, tổ chức các lễ hội văn hóa - chính trị và các hoạt động giải trí thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách với sức chứa tối đa lên tới trên 430.000 người.
Cùng với quảng trường trung tâm, công viên bờ sông được xem là dự án quan trọng số 2 khi công trình công cộng này có quy mô 9,05ha ngay tại lõi KĐT mới Thủ Thiêm. Theo quy hoạch, công viên này sẽ trải dọc theo bờ sông Sài Gòn (dài khoảng 2km) từ trung tâm triển lãm quốc tế phía Bắc đến khu thể thao và giải trí tại phía Nam với hệ thực vật phong phú như: Sú vẹt, đước, dừa nước… tiêu biểu cho thảm thực vật đặc trưng ven bờ của bán đảo Thủ Thiêm.
Điểm nhấn của công trình hoành tráng này là cầu bộ hành dài 360 mét bắc qua sông Sài Gòn kết nối quảng trường trung tâm và quận 1 tại công trường Mê Linh. Ngoài ra, một bến phà nhỏ và bến taxi thủy cũng được bố trí dọc sông Sài Gòn - nơi giao nhau của quảng trường trung tâm và công viên bờ sông.
Với dự án hồ trung tâm Thủ Thiêm và nạo vét và xây dựng kè bờ tại các kênh rạch phía Bắc đường Mai Chí Thọ, vừa qua Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh đã đề xuất xin chủ trương đầu tư theo hợp đồng BT. Đổi lại, Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh muốn được làm chủ đầu tư 6 lô đất với tổng diện tích là 58.436 m2 thuộc khu chức năng số 1 để thực hiện dự án khác thanh toán đối ứng hợp đồng BT nói trên. Công ty Mai Linh cho biết, ngay khi được TP chấp thuận chủ trương đầu tư, sẽ nộp ngay 500 tỷ đồng vào ngân sách TP để thanh toán ứng trước.
Ngoài ba dự án quan trọng trên, TPHCM cũng kêu gọi đầu tư khu lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía Nam của KĐT mới Thủ Thiêm (khu chức năng số 8) theo hình thức BT (trước kia).
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng ban Quản lý đầu tư - xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm, các dự án trên có vai trò rất lớn trong việc đồng bộ hóa các phân khu và hoàn chỉnh toàn đô thị. Riêng khu lâm viên sinh thái (là khu vực tiếp nhận nước từ phía thượng nguồn và nước thủy triều từ biển vào) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo các chiến lược phát triển bền vững của quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm. Ngoài việc bảo đảm về phân bố các khu đất phát triển, tiện ích phục vụ công cộng, khu lâm viên sinh thái còn giúp kiểm soát ngập lụt, thủy văn, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và là môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã.