Mặt khác, theo UBND TP, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) ngoài việc quản lý 4 khách sạn nói trên, hiện nay còn là đơn vị chủ chốt, quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch của TPHCM. Đồng thời, Saigontourist còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP giao.
Bên cạnh đó, Saigontourist đang có trên 50 phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trải dài hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước và phần lớn các doanh nghiệp này đang sử dụng các nhà đất có vị trí trung tâm, đắc địa tại địa phương hoạt động.
Vì vậy, theo UBND TP nếu Saigontourist được giữ 100% vốn nhà nước, TP sẽ có cơ sở điều chuyển thêm một số khoản vốn góp liên doanh trong lĩnh vực khách sạn (của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa) về Saigontourist quản lý, tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ chốt của Saigontourist.
Bốn khách sạn mà Saigontourist đang quản lý đều là khách sạn 5 sao, nằm ở vị trí “đất vàng” tại Quận 1, TPHCM và đều là công trình được xây dựng có tuổi đời hàng trăm năm có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn, gồm: Khách sạn Bến Thành – Rex Hotel, Khách sạn Cửu Long – Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu – Continental Hotel và Khách sạn Kim Đô.
Tại báo cáo của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ (tháng 4) về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng an ninh, UBND TPHCM cho biết: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) thuộc nhóm cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.
Tuy nhiên, hiện Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn có những giá trị đặc thù nêu trên, cũng như nhiều doanh nghiệp nhà nước TPHCM thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất (DN Việt Nam góp vốn bằng giá trị tiền thuê đất trong một thời gian xác định) với các tổ chức nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh và các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh – quốc phòng trước mắt và lâu dài.
Do đó UBND TP kiến nghị; Nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn nói trên và phần vốn góp tại các liên doanh này (trên 2/3 các liên doanh có điều khoản khi kết thúc thời hạn liên doanh, tài sản của công ty liên doanh sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho nhà nước Việt Nam và các khu đất liên doanh cũng sẽ được giao lại cho cơ quan nhà nước quản lý).
Trên cơ sở đó, UBND TP đề xuất hai phương án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Phương án 1: chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TPHCM để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.
Phương án 2: chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 – 2025.