Công văn nêu rõ, trong thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phát sinh ổ dịch với nhiều trường hợp mắc bệnh.
Tại TP.HCM đã phát hiện chùm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, mặc dù đã được khống chế nhanh chóng nhưng nguy cơ xâm nhập và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt khi người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc sau Tết.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tối đa an toàn phòng chống Covid-19 cho các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân Thành phố sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, UBND TPHCM đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương triển khai những biện pháp sau:
Tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch Covid-19, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, phải xem công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm, huy động, phân công lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu năm 2021.
Tất cả các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố phổ biến, chỉ đạo đơn vị mình và tất cả đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập:
Đặc biệt tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn; Bố trí, sắp xếp các quy trình lao động, làm việc đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống dịch bệnh, không tụ tập đông người nhưng vẫn đảm bảo nhân lực phục vụ hoạt động.
Nghiêm túc, tự giác khai báo y tế nếu đi về từ vùng dịch, liên hệ thông báo ngay cho chính quyền và y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế.
Các sở, ban, ngành chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở nghiêm túc thực hiện các Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh do UBND Thành phố ban hành, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Sổ tay “Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới” của Bộ Y tế.
Các khu công nghiệp tập trung, doanh nghiệp phải có phương án phòng, chống dịch phù hợp khi tiến hành hoạt động sản xuất. Giao ngành Y tế chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động tổ chức xét nghiệm lại cho các chuyên gia người nước ngoài đã nhập cảnh vào làm việc trên địa bàn Thành phố.
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo Công an địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng, Ủy ban nhân dân phường xã, các tổ chức đoàn thể địa phương, các tổ “Covid cộng đồng” chủ động kiểm tra, vận động những người trở về Thành phố từ các tỉnh, thành phố khác trong vòng 14 ngày qua thực hiện khai báo y tế; liên hệ y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra nếu đi về từ vùng dịch.
Ngành y tế triển khai công tác dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống y tế Thành phố, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn; huy động các nguồn lực hỗ trợ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bệnh viện dã chiến, cơ số thiết bị bảo hộ để đáp ứng điều trị cho tất cả các bệnh nhân nhiễm Covid-19; tiếp tục triển khai hoạt động giám sát, tầm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; phối hợp cơ quan truyền thông đại chúng thông báo rộng rãi kết quả giám sát để người dân nắm bắt tình hình, từ đó chủ động, tự giác tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Giao UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp ngành y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh; báo cáo kết quả về UBND TPHCM (thông qua Sở Y tế) trước ngày 24/2.