TPHCM: HS tăng nhanh, khó nâng tỷ lệ bán trú

GD&TĐ - Mặc dù đã tăng cường đầu tư xây mới, cải tạo hàng ngàn phòng học trước thềm năm học mới, nhưng với số lượng HS tăng quá nhanh theo từng năm đã khiến ngành GD-ĐT TPHCM gặp khó khăn trong việc nâng tỷ lệ học bán trú, học 2 buổi/ngày ở một số địa bàn. Thậm chí có một vài trường tiểu học phải chuyển qua học 1 buổi để đảm bảo chỗ học cho HS đầu cấp.

TPHCM: HS tăng nhanh, khó nâng tỷ lệ bán trú

Trường xây đến đâu, HS tăng đến đó

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM, năm học mới 2017 - 2018, thành phố tiếp tục tăng gần 60.000 HS. Trong đó, tập trung tăng mạnh ở các quận, huyện có áp lực tăng dân số cơ học như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, Thủ Đức, Gò Vấp… Dù đã chú trọng đầu tư xây mới trường lớp, nhưng áp lực do HS tăng nhanh nên ở các quận, huyện này, trước thềm năm học phải ưu tiên bảo đảm đủ chỗ học trước khi nghĩ đến tổ chức bán trú.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Phòng GD&ĐT quận 12 cho hay, năm học mới HS trong toàn quận tăng gần 9.000 HS (từ mầm non đến THCS) dù đã được đầu tư về xây dựng trường lớp, nhưng do HS tăng nên ưu tiên của quận vẫn là đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn. Tỷ lệ học bán trú, học 2 buổi/ngày giảm còn khoảng 19% so với năm học trước là 25%.

Tương tự, tại quận Tân Phú, được biết năm học mới quận tăng 1.500 HS so với năm học trước. Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD&ĐT tỉ lệ HS bán trú trên địa bàn quận dao động từ 25 - 30% tùy vào số lượng HS theo từng năm. Quận luôn đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ bán trú nhưng rất khó, bởi việc mở rộng trường lớp không theo kịp mức độ HS tăng.

Hay tại, quận Thủ Đức, theo chia sẻ của Phòng GD&ĐT quận, năm học này quận tiếp nhận hơn 22.000 HS các lớp đầu cấp - lớp lá, lớp 1, lớp 6, số HS tăng 4.200 em so với năm học trước. Do lượng HS vào lớp 1 năm học này tăng nhanh nên để bảo đảm đủ chỗ học, nhiều trường tại quận từ học 2 buổi/ngày, nghĩa là có bán trú nay phải chuyển xuống 100% lớp học 1 buổi/ngày như Trường Tiểu học Bình Triệu, Tiểu học Hiệp Bình Chánh tại phường Hiệp Bình Chánh… Tỷ lệ bán trú của toàn quận chưa năm nào vượt quá con số 50%.

Đặc biệt, tại quận Bình Tân là quận luôn phải đối diện với tốc độ tăng dân nhập cư chóng mặt dẫn đến tăng HS. Cách đây vài năm số HS vào lớp 6 chỉ hơn 3.000 em thì nay đã hơn 7.000 em. Ở bậc tiểu học, năm học trước chỉ có khoảng 8.300 HS vào lớp 1 nhưng năm nay tăng lên hơn 10.300 trẻ. Do đó quận buộc phải tính toán cho các em phải đi học liên phường và giảm hai buổi/ngày ở những phường ít trường học. Tỷ lệ bán trú của quận chỉ khoảng hơn 30%.

Theo chia sẻ của đại diện các Phòng GD&ĐT, năm học mới, TP tăng thêm khoảng 1.500 phòng học mới, chỉ có thể giải quyết được bài toán đảm bảo chỗ học, còn việc tổ chức bán trú là rất khó. Bởi phòng xây đến đâu, HS tăng nhanh đến đó.

Giải pháp tạm thời

Trước việc tổ chức học bán trú khó khăn, nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con ở buổi còn lại trên địa bàn xuất hiện mô hình bán trú vệ tinh, nhất là tại bậc tiểu học. Nghĩa là xung quanh các trường tiểu học có các nhóm trẻ hoặc trường ngoài công lập, sau chương trình buổi 1, các nhóm này sẽ đón HS về chăm sóc, giảng dạy đến chiều để chờ phụ huynh đón về.

Tuy nhiên, do những yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, an toàn cho trẻ, chương trình giảng dạy nên dù là mô hình khá ổn để san sẻ gánh nặng 2 buổi/ngày nhưng không phải địa bàn nào cũng có thể thực hiện được. Ở nhiều nơi, do nhu cầu và do thỏa thuận giữa phụ huynh nên một số người dân tự phát tổ chức đứng ra trông nom trẻ ở buổi thứ hai.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, hiện nay trên địa bàn có Trường Hồng Ngọc (trường nhiều cấp học), trung tâm văn hóa ngoài giờ Tân Phú, được nhiều phụ huynh lựa chọn để hỗ trợ, đưa đón, dạy học cho HS học 1 buổi trên địa bàn.

Khi gửi con buổi thứ 2 ở cơ sở này phụ huynh tự nguyện và thỏa thuận về mức phí, nên phía Phòng GD&ĐT luôn phối hợp tuyên truyền cho phụ huynh HS ví dụ như tìm hiểu kỹ CSVC, an toàn thực phẩm, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra giám sát hoạt động. Tuy nhiên, theo thầy Khiêm đây chỉ giải pháp tạm thời, còn điều quan trọng vẫn là đẩy nhanh hơn việc xây dựng trường lớp.

Đồng quan điểm trên, theo ông Khưu Mạnh Hùng, giải pháp hàng đầu đó chính là đẩy nhanh việc xây dựng trường lớp. Bởi nhu cầu về giữ con ở buổi thứ 2 là có thật, rất nhiều phụ huynh trước thềm năm học mới đã tìm tòi, liên hệ nhiều nơi để gửi con sau buổi học ở trường nhưng trên địa bàn quận chủ yếu các nhóm tư thực hoạt động sau khi thỏa thuận với phụ huynh.

Theo chia sẻ của nhiều nhà quản lý giáo dục, muốn đạt tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày ở tiểu học là 100%, 65% THCS như mục tiêu của TPHCM đến năm 2020, thì cần phải xây thêm gấp đôi số trường học hiện tại trên địa bàn từng quận, huyện đang có mới có thể hoàn thành được. Còn nếu với mức độ xây trường lớp như hiện tại rất khó để thực hiện mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, việc xây dựng nhanh trường lớp không chỉ dựa vào ngành GD-ĐT mà là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể cũng như đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.