TPHCM: Học sinh chưa mặn mà với xe buýt học đường

GD&TĐ - Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động học sinh (HS) đi xe đưa rước tới trường, nhưng hiện tỷ lệ HS đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng tại TPHCM vẫn còn rất thấp, khoảng hơn 37.000 HS tham gia chiếm 3% trong tổng số HS trên toàn TP. 

TPHCM:  Học sinh chưa mặn mà  với xe buýt học đường

Vì vậy, cần phải có những giải pháp căn cơ để ngày càng thu hút HS đi lại bằng xe đưa rước nhằm đạt mục tiêu tới năm 2020, có 15 - 20% HS thành phố lựa chọn phương tiện này.

Còn nhiều bất cập

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TPHCM, trong năm học 2016 – 2017, trung tâm đã tổ chức vận chuyển đưa rước HS tại các trường của 16 quận, huyện với hành trình vận chuyển bằng xe buýt là từ nhà đến trường và từ trường đến các trung tâm thể dục thể thao. Trong đó học kỳ I là 141 trường và học kỳ II có 134 trường tổ chức vận chuyển đưa rước HS. Số HS đi xe buýt có trợ giá trong học kỳ II đã giảm so với học kỳ I năm học 2016 – 2017. Cụ thể, học kỳ I có 40.500 HS tham gia và học kỳ II có hơn 37.300 HS tham gia.

Lý giải cho việc HS chưa mặn mà với phương tiện này, nhiều hiệu trưởng của các trường chia sẻ, việc sử dụng xe đưa rước vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Theo lãnh đạo Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, hiện số HS đi xe đưa rước còn thấp do thủ tục còn hơi rườm rà, xe chưa cố định, thay đổi xe liên tục nên khó có thể kiểm tra vấn đề xe. Trường có khoảng 120 em đăng kí, nhưng mỗi em một nơi, rất khó để sắp xếp một chuyến xe, một chỗ tập trung để đưa rước vì nếu vậy các em phải dậy từ 5 giờ sáng là không phù hợp.

Thêm vào đó, việc trợ giá chưa phù hợp với huyện Nhà Bè, vì các em đã học 2 buổi/ngày; nếu chỉ trợ giá cho các quận, huyện chỉ 2 lượt/HS - SV/ngày (ngoại trừ huyện Cần Giờ 4 lượt/ngày) thì không thể đảm bảo cho các em học tập, học thể dục, ngoại khóa…

Các trường ngoại thành giảm, nhiều trường nội thành qua khảo sát có rất ít HS đăng kí tới trường bằng hình thức nói trên. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11. Theo ban giám hiệu nhà trường, đa số HS ở trong quận, trường gần nhà, nên phụ huynh đều chở các con đi học. Nhà trường có khảo sát nhưng số HS đăng kí xe đưa rước chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Các doanh nghiệp vận tải cũng chia sẻ thêm lý do HS chưa mặn mà với xe đưa rước là do phần lớn xe đưa rước HS đã sử dụng trên 10 năm nên chất lượng xe giảm sút. Nhưng do mức trợ giá không còn phù hợp, nên các doanh nghiệp vận tải xe buýt chỉ hoạt động cầm chừng, không đầu tư phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đi tìm giải pháp

Cô Lương Bích Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) cho hay, Sở Giao thông Vận tải nên xem xét đưa rước HS theo cụm trường. Ví dụ như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 có 4 trường học từ mầm non đến THPT, vậy có thể thiết kế một tuyến xe dành riêng cho HS các trường này để tiện hơn, thay vì mỗi trường một xe, trong khi đó số HS từng trường đăng kí lại không nhiều.

Đại diện Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) cũng góp ý, cần giảm bớt thủ tục kiểm tra xe cộ, HS, thủ tục hành chính liên quan… Bên cạnh đó, cần điều chỉnh mức trợ giá cho HS các huyện ngoại thành như ở huyện Cần Giờ, 4 lượt/ngày vì hiện nay các trường hầu như đã chuyển sang học 2 buổi/ngày.

Từ kinh nghiệm thực hiện xe đưa rước nhiều năm qua, đại diện tổ quản lý xe đưa rước Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (quận 7) cho hay, nhà trường không đưa rước HS tại nhà, mà trước khi vào năm học đã lấy ý kiến phụ huynh về đăng kí đưa rước, sau đó tìm hiểu, khảo sát các điểm đón HS có thể đậu xe mà không vi phạm luật giao thông.

Khi thông báo cho các em lịch trình, thời gian cụ thể, HS sẽ tập thể trung điểm đó và lên xe. Nhà trường thiết kế để HS không ngồi trên xe quá 1 tiếng. Trên xe, ngoài tài xế, trường bố trí thêm một nhân viên hỗ trợ nên mọi thứ rất thuận lợi, HS rất hài lòng về xe đưa rước của trường.

Nhiều đại diện các trường phổ thông kiến nghị, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa cho phụ huynh, HS về tiện ích của việc sử dụng xe đưa rước tới trường. Nhà trường, Ban đại diện cha mẹ HS, hợp tác xã vận tải cần đi khảo sát thực trạng các tuyến đường dựa vào bản đăng kí của phụ huynh HS từ đầu năm. Khi có sơ đồ các điểm đón thuận tiện nhất cho HS sẽ thông báo đến HS, đồng thời các điểm đón này sẽ được lắp camera giám sát để nhà trường dễ nắm tình hình…

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TPHCM - cho biết sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các trường, các doanh nghiệp, các Phòng Giáo dục và sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới. Trung tâm sẽ có đánh giá sâu hơn nữa những nguyên nhân và đưa ra giải pháp để làm sao việc đưa đón HS theo chủ trương thành phố đến năm 2020 sẽ đảm bảo đạt 15 – 17% HS đi học bằng xe buýt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ