50% số DN lữ hành ngừng hoạt động
Thống kê mới nhất của Sở Du lịch TPHCM, hiện TP chỉ còn khoảng 50% số DN lữ hành hoạt động. Đáng chú ý, có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN lữ hành chuyên kinh doanh thị trường khách quốc tế đã tạm ngưng hoạt động.
Cũng theo Sở này, từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 5/2021, có 171 DN kinh doanh lữ hành quốc tế và lữ hành quốc nội rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Một số DN tư nhân vốn lớn còn cầm cự hiện chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty. DN có vốn Nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Một số DN khác dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động. Để tồn tại nhiều DN còn cắt giảm 50 - 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
Với khách sạn, lượng khách giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành. Rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.
Vietravel cho biết từ năm 2020 đến nay, DN này đã phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh để cắt giảm chi phí như chi nhánh tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hải Dương, Long An. Doanh thu của Vietravel sụt giảm hơn 73% trong năm 2020, ghi nhận lỗ 90 tỉ đồng.
Đến ngày 31/3, Vietravel ghi nhận lỗ lũy kế hơn 102,2 tỉ đồng, tăng 65,2 tỉ đồng so với đầu năm và đã vượt số vốn chủ sở hữu 102 tỉ đồng. Kết thúc năm 2020, doanh thu của Saigontourist cũng chỉ đạt 25%, giảm khoảng 3.900 tỉ đồng so với 2019.
Thống kê của Sở Du lịch TPHCM cũng cho thấy, hơn 50% khách sạn 3 sao đã tạm ngưng hoạt động, nhóm khách sạn 4 - 5 sao đang hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú khách sạn 4 sao giảm hơn 70%, doanh thu dịch vụ ăn uống, hội nghị giảm hơn 75%, số lao động giảm hơn 50%. Riêng khách sạn 5 sao, doanh thu từ hoạt động lưu trú giảm hơn 80%, dịch vụ ăn uống giảm hơn 60%, số lượng lao động giảm hơn 40%.
Các đơn vị vận chuyển du lịch gần như ngưng hoàn toàn vì dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 5/2020 đến nay, các đơn vị vận chuyển du lịch bắt đầu mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân, nhưng không đủ lượng khách để duy trì hoạt động và tiếp tục dừng từ cuối tháng 4 đến nay, do đó tình hình kinh doanh, vận chuyển giảm từ 60 - 80%.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam nên trong tháng 4, 5, 6 không có lượt khách quốc tế mới đến TPHCM, các DN lữ hành, nhất là DN nhỏ và vừa đối mặt rất nhiều khó khăn. Hiện, ngành Du lịch TP hơn lúc nào hết cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ TP cũng như các chính sách ưu đãi từ Chính phủ.
Kiến nghị nhiều biện pháp “giải cứu” khẩn
Để giải cứu cho các DN lữ hành và du lịch của TP, Sở Du lịch TPHCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP xem xét, trình HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh TPHCM hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho DN du lịch (không phân biệt DN du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để trả lương cho người lao động.
Theo tính toán, TPHCM hiện có 5.002 DN du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với đề xuất gói vay không lãi suất để các DN còn hoạt động trả lương cho người lao động, số tiền dự kiến gần 209 tỉ đồng. Thời gian hỗ trợ trong 3 tháng.
Sở Du lịch TPHCM cũng đề xuất có chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kích cầu sau khi dịch được kiểm soát.
Cụ thể, Sở Du lịch TP đề xuất miễn phí vào 5 điểm tham quan: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi, cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm (từ tháng 8 đến hết năm 2021).
Hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho các đối tượng là người lao động và chi phí thường xuyên chi từ nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này. Tổng chi phí các khoản này khoảng 21,7 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong 5 tháng.
Để hỗ trợ sâu hơn và thực chất hơn cho DN du lịch TP, bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, kiến nghị nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho các DN trong lĩnh vực du lịch.
Hiệp hội Du lịch TPHCM cho rằng, các ưu đãi DN du lịch đang cần hiện nay là được giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Được biết, trên cơ sở kiến nghị của các DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa dự thảo hàng loạt đề xuất miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay… để giúp các DN vượt khó.
Cụ thể, để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho DN, Bộ KH&ĐT đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho DN, giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.
Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp.
Cơ chế này không chỉ áp dụng với các DN nhỏ và vừa mà bổ sung thêm DN trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.
Đối với việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế TNDN phải nộp trong năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng…