Doanh nghiệp lữ hành canh cánh nỗi lo sau dịch

Doanh nghiệp lữ hành canh cánh nỗi lo sau dịch

Bao giờ mới hồi phục?

Nhắc về kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Hanoi Redtours cho hay: “Chưa có kỳ nghỉ nào tồi tệ như vậy. So với mọi năm doanh số của chúng tôi giảm tới 99%. Tới thời điểm này vẫn chưa thể rao bán sản phẩm tour mang đúng nghĩa, chỉ khai thác dịch vụ đơn lẻ hoặc tour theo dạng Free & Easy (chỉ có dịch vụ lưu trú, phương tiện vận chuyển, vé máy bay, xe, không bao gồm dẫn đoàn tham quan điểm du lịch) với đối tượng khách hàng là cá nhân, gia đình hoặc nhóm ít người”.

Nói về các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vực dậy sau dịch Covid-19, ông Hoan chia sẻ, tới nay 3 chính sách đã được thực thi. Trong đó, chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT) năm 2019 và quý I/2020 thực chất lại không có ý nghĩa. “Hầu hết doanh nghiệp lữ hành đã đóng hết thuế từ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Trong quý I/2020, thị trường đóng băng, thu nhập gần như không có thì lấy gì để đóng VAT?”, ông Hoan lý giải.

Hai chính sách còn lại, theo ông Hoan gồm hỗ trợ chế độ cho lao động ngành du lịch, gia hạn đóng BHXH và vay vốn với lãi suất ưu tiên đang được các doanh nghiệp lữ hành khẩn trương làm thủ tục. “Cần xác định vốn vay không phải tiền của Nhà nước. Chính vì vậy, để vay với lãi suất ưu đãi, còn tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp và phương án kinh doanh có khả thi, bảo toàn vốn hay không. Tùy thuộc vào thị trường phục hồi tới đâu, chúng tôi sẽ xây dựng phương án vay vốn lưu động để kịp thời bổ sung triển khai”.

Nói về hoạt động “lên đà” để bật dậy ngay sau dịch Covid-19 kết thúc, ông Hoan chia sẻ, vấn đề chỉ là thời gian. “Chúng tôi đã lên phương án kịch bản cho từng giai đoạn hồi phục của thị trường đi kèm với từng sản phẩm có thể khai thác. Các đối tác gồm hãng hàng không, xe vận chuyển, nhà hàng, khách sạn… vẫn duy trì quan hệ, lên phương án giảm chi phí để kích cầu đem lại giá tốt nhất cho du khách. Bên cạnh đó, thời gian trong mùa dịch cũng là lúc chúng tôi đưa công nghệ vào ứng dụng trong việc chăm sóc khách hàng, theo dõi sản phẩm dịch vụ... Tranh thủ thời điểm mặt bằng giảm giá, chúng tôi đã mở thêm nhiều địa điểm văn phòng giao dịch để tiếp cận khách hàng”, ông Hoan cho biết.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hào hứng đủ lực khởi động lại sau dịch như Red tours. Cụ thể, kết quả khảo sát do Hội đồng Tư vấn du lịch (Tổng cục Du lịch) cho thấy, gần 71% doanh nghiệp có doanh thu quý I/2020 giảm tới 70% so với cùng kỳ. Trong quý II/2020, có gần 50% doanh nghiệp dự đoán họ sẽ không có doanh thu.

Để ứng phó với khó khăn, 65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, trong đó gần 20% phải cắt giảm toàn bộ nhân viên. Có 8,9% chọn phương án cực đoan hơn là đóng cửa kinh doanh.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.

Nhận định về thời điểm có thể trở lại hoạt động bình thường, 82,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định phải tới đầu quý III/2020, thậm chí 41,1% doanh nghiệp dự đoán tiêu cực hơn là phải đến năm sau thì mới có thể phục hồi trở lại.

Không thay đổi, hãng tour có thể đứng ngoài cuộc chơi

Theo các chuyên gia, sau dịch nếu các doanh nghiệp lữ hành muốn tồn tại phải cơ cấu lại về số lượng nhân viên, về loại hình dịch vụ và thị trường khách du lịch.

Trao đổi với PV, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho hay: Từ dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua cho thấy, khi các dịch vụ chưa được kết nối đồng bộ, các doanh nghiệp tour không thể làm tròn vai, khách du lịch đã chủ động tiếp cận với các điểm cung ứng dịch vụ.

“Thông qua dịp nghỉ lễ 30/4, thị trường du lịch đang ấm dần trở lại, người dân lấy lại tâm lý, phía lãnh đạo các địa phương cũng phải nỗ lực thể hiện là điểm đến an toàn. Do đó tới giữa tháng 5, tốc độ ấm lại của thị trường sẽ nhanh hơn. Trong vòng 2 tháng tới khi vẫn áp dụng cách ly toàn bộ người từ nước ngoài trở về, chưa khai thác các chuyến bay quốc tế thì du lịch trong nước đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một khi mở cửa trở lại, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, sống chung với dịch. Do đó, ngành du lịch có thể cứ lên xuống theo đường răng cưa. Quan trọng chúng ta phải duy trì hoạt động phòng, chống dịch tốt như thời gian vừa qua”, ông Thắng nhận định.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh thói quen du lịch sau mùa dịch đã thay đổi, câu hỏi đặt ra làm thế nào để doanh nghiệp lữ hành không đứng ngoài nhìn các nhà cung cấp “biểu diễn”? “Trong mùa dịch, để đảm bảo an toàn, khách lựa chọn đi thẳng tới điểm đến du lịch mà không cần thông qua các hãng tour. Mới đây, Vingroup kết hợp với Vietnam Airlines triển khai gói du lịch ưu đãi cũng thu hút khá nhiều khách. Do đó, nếu không muốn đứng ngoài nhìn, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải thay đổi, sáng tạo”, ông Thắng phân tích và nhận định, tâm lý khách giờ đây không thích đến điểm đông đúc. Ngoài ra khi hết dịch, nhu cầu du lịch vẫn có nhưng chắc chắn khách hàng sẽ phải cân nhắc tới ví tiền.

Với kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, ngành sẽ tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa thông qua miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí tham quan...); Tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE… Đồng thời, ngành kiến nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, kích thích sử dụng dịch vụ du lịch; triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành du lịch thông minh phục vụ chuyển đổi số ngành du lịch trong và sau dịch Covid-19.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ